Nga sẽ rút bớt quân khỏi Syria?
Báo Kommersant vừa đăng tải bài viết "Giàn xếp chính trị không phải là vấn đề về kỹ thuật" của 2 đồng tác giả Ivan Safronov và Alexandra Djordjevic với nhận định Nga đang cân nhắc tới lựa chọn rút bớt lực lượng không quân viễn chinh và các khí tài quân sự khỏi Syria bởi lẽ các lực lượng vũ trang Syria trung thành với Tổng thống Assad đã giành được nhiều thắng lợi lớn.
Hiện tại, QĐ chính phủ Syria đã giải phóng và kiểm soát được tới 95% lãnh thổ, liên tục dồn ép các lực lượng khủng bố IS vào những "nồi hầm" và có thể sớm giải quyết dứt điểm. Vì vậy, nhu cầu yểm trợ hỏa lực đường không từ Không quân Nga sẽ không còn lớn như trước.
Mặc dù rút bớt lực lượng, nhưng nhiều khả năng Không quân Nga vẫn duy trì một lực lượng vừa đủ để bảo vệ các căn cứ quân sự liên hợp trọng yếu của mình ở Syria như Khmeimim và Tartus. Ngoài ra lực lượng quân cảnh và các cố vấn Nga sẽ vẫn tiếp tục hiện diện ở đây.
Nguồn tin của Kommersant cũng nhận định ngoài máy bay chiến đấu và trực thăng, có thể Nga cũng sẽ rút bớt lực lượng phòng không nhưng vẫn duy trì một lực lượng cỡ vừa nhằm đảm bảo cho quá trình thực hiện giải pháp chính trị sẽ còn kéo dài.
Mặc dù vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc rút quân nhưng dường như đã có kế hoạch về việc thu gọn lực lượng đảm bảo kỹ thuật ở căn cứ sân bay Khmeimim (tỉnh Latakia). "Trong mọi trường hợp, quyết định cuối cùng sẽ nằm trong tay Tổng tư lệnh tối cao của QĐ Nga - Tổng thống Vladimir Putin".
Các máy bay chiến đấu của Không quân Nga ở Syria.
Ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Putin khi trả lời câu hỏi của báo Kommersant đã nói rằng "chưa có bất cứ quyết định nào như vậy được công bố". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng kịch liệt phản bác và cho rằng không có bất cứ kế hoạch rút bớt quân ở Syria.
Sự thành công của quân chính phủ Syria trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tổ chức khủng bố "Djebhat an Nusra" có thể là một nguyên trực tiếp thúc đẩy việc Nga rút bớt quân ở Syria.
Hôm 16/10, trong cuộc gặp với người đồng cấp Avigdor Lieberman - Bộ trưởng BQP Israel, Bộ trưởng BQP Nga Sergei Shoigu đã khẳng định chiến dịch quân sự ở Syria đã "sắp kết thúc".
Và trong cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng Asean và các quốc gia đối tác (ADMM+) tổ chức ở đảo Luzon (Philippines), ông Shoigu cũng nhấn mạnh, hiện nay các nhóm khủng bố chỉ còn chiếm giữ chưa tới 5% tổng diện tích lãnh thổ Syria (trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở đây từ tháng 9/2015 thì con số này là 70%).
Theo Bộ trưởng BQP Nga thì trong 2 năm qua, Không quân Nga đã phá hủy 948 đồn, trại; 666 cơ sở và khu vực sản xuất vũ khí đạn dược cùng 1.500 thiết bị quân sự của các nhóm khủng bố.
"Quá trình tái thiết cuộc sống bình thường cũng đang được bắt đầu tại Syria: 1,12 triệu người đã hồi hương, trong đó chỉ riêng năm 2017 là 660.000 người", ông Shoigu nhấn mạnh.
Máy bay chiến đấu của KQ Nga ở sân bay Khmeimim.
Ai về, ai ở lại?
Theo thông tin mới nhất, hiện tại Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga vẫn đang duy trì hàng chục máy bay chiến đấu hiện đại ở Syria gồm máy bay cường kích Su-25, tiêm kích bom tiền tuyến Su-24 và Su-34, tiêm kích Su-30SM, Su-35S và MiG-29SMT cùng nhiều máy bay trực thăng như Ka-52, Mi-35M, Mi-24P, Mi-8AMTSh và Mi-171.
Tất cả các máy bay này đều đã tham chiến tích cực. Chẳng hạn như trong tháng 9, các chiến đấu cơ Su-34 và Su-35S liên tục oanh kích ở Deir Ezzor, Idlib, còn Su-25SM và Mi-35 chiến đấu ở Hama và Homs.
Theo các nguồn tin của Kommersant thì có vấn đề lớn đối với QĐ Syria và Không quân Nga là ở một số khu vực họ không được phép sử dụng hỏa lực mạnh nhất là thung lũng sông Euphrates giáp với biên giới Iraq - nơi đang bị IS kiểm soát, bởi có sự phân chia giữa Không quân Nga và các lực lượng đồng minh của Mỹ.
Tên lửa phòng không tầm xa S-400 và tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga ở Syria.
Ngoài ra, còn có một khu vực khó giải quyết nằm gần thị trấn Akerbat, cũng như các khu vực chiếm đóng nhỏ lẻ, thưa dân mà khủng bố đang kiểm soát nhất là các khu vực gần Idlib và một vài tỉnh khác.
Chưa rõ các binh khí kỹ thuật nào sẽ được rút bớt khỏi căn cứ Không quân Khmeimim. Tuy nhiên, theo ông Konstantin Makienko - chuyên gia của Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga thì trước hết, theo logic mà nói thì Nga sẽ rút hết những vũ khí trang bị giá trị và hiện đại nhất khỏi Syria, chỉ để lại những vũ khí đã cũ.
Ông tin rằng trong trường hợp này kể cả các máy bay ném bom Su-24 cũng có thể sẽ được rút hoàn toàn khỏi Syria.
Chuyên gia quân sự Anton Lavrov nói: "Việc cân nhắc giảm cường độ hoạt động quân sự và những chiến thắng liên tiếp trước lực lượng khủng bố IS thì Bộ Quốc phòng Nga có thể giảm số lượng máy bay ở mức "ồ ạt". Tuy nhiên, cần phải lưu ý đặc biệt rằng, trong tình thế bắt buộc, chỉ trong vài giờ các máy bay này có thể ngay lập tức xuất hiện trở lại ở Syria".
Máy bay ném bom T-22M3 của Không quân Nga oanh kích các mục tiêu IS ở Syria.
Ông Mr. Lavrov phân tích rằng:
"Việc rút bớt lực lượng máy bay sẽ không đồng nghĩa với việc rút bớt lực lượng bảo vệ các căn cứ quan trọng kể trên. Có thể Nga sẽ vẫn duy trì các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 (hiện đang triển khai ở Khmeimim và Masyaf), cũng như tổ hợp tên lửa phòng không S-300V4 (đang bảo vệ căn cứu Tartus) và một số tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1".
Các máy bay không người lái (UAV) Nga và Syria sẽ vẫn hiện diện với mật độ lớn để giám sát các khu vực ngừng bắn ở Idlib, Homs, Dara và Đông Guta. Tổng thời gian hoạt động của các UAV ở Syria trong chiến dịch quân sự này đã đạt con số 96.000 giờ bay.