Năm 1968, chỉ 3 năm sau khi Singapore giành được độc lập, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đã phát động chiến dịch Sạch và Xanh, yêu cầu người dân đảo quốc Sư Tử cùng nhau tham gia để xây dựng nên một đất nước sạch, không xả rác.
Đi kèm với chiến dịch là một loạt những điều luật quy định các mức phạt nhằm khiến mọi người phải tham gia một cách nghiêm túc.
Tính đến nay, chiến dịch Sạch và Xanh đã tồn tại được hơn 50 năm, nó không chỉ giúp Singapore đạt được danh hiệu "Quốc gia sạch nhất thế giới" mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trong quá khứ, thời điểm phát động chiến dịch, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng dành cho nó một tầm nhìn vĩ mô, rằng đây là bước đầu để thúc đẩy những thay đổi về luật y tế công cộng, biện pháp xử lý nước thải cũng như kiểm soát dịch bệnh.
Chiến dịch Sạch và Xanh đã truyền cảm hứng cho một loạt những hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường khác ra đời. Từ những năm 1970 đến 1980, người dân Singapore kêu gọi nhau giữ sạch nơi công cộng.
Năm 1976, chiến dịch "Sử dụng tay của bạn" được tổ chức rộng khắp các trường học với sự tham gia của toàn thể giáo viên, học sinh và nhân viên vệ sinh cùng chung tay lau dọn tất tần tật ngõ ngách lớp học.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến trồng cây xanh được đề xuất và nhận được rất nhiều sự hưởng ứng của cộng đồng.
"Việc giữ vệ sinh môi trường không chỉ giúp nâng cao ý thức mà còn góp phần làm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh, tạo điều kiện để phát triển xã hội, thúc đẩy nền kinh tế công nghiệp và du lịch phát triển.
Cuối cùng thì người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là nhân dân" - ông Lý nói.
Kết quả là Singapore đã làm được tất cả những gì cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nói. Tuổi thọ trung bình của người dân nước này tăng từ 66 lên 83 (đứng thứ 3 thế giới).
Năm 1967, Singapore chỉ thu hút hơn 200 nghìn lượt du khách, con số vô cùng khiêm tốn và nhỏ nhặt khi so với 10 triệu người đến du lịch ở quốc gia này vào 3 quý đầu năm 2018.
Không chỉ vậy, mức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Singapore tăng mức ấn tượng từ 93 triệu USD năm 1970 lên 39 tỷ USD vào năm 2010, trở thành đất nước thu hút nhiều đầu tư nước ngoài cao thứ 5 thế giới vào năm 2017.
Một thành phố có nhiều án phạt
Đến với những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Singapore, mọi người không khó để bắt gặp những chiếc áo phông in dòng chữ: "Singapore, thành phố thích phạt", ám chỉ vô số những điều luật lạ kỳ của đảo quốc Sư Tử, cốt để giữ cho đất nước luôn trong tình trạng sạch và xanh.
Năm 1968, chiến dịch Sạch và Xanh ra đời đi kèm theo nó là những điều luật chưa từng có trong tiền lệ.
Chính phủ Singapore muốn bắt buộc tất cả mọi người phải chấp hành bằng những án phạt tài chính.
Thời điểm đó, các nhà chức trách đã tiến hành phạt hàng chục nghìn trường hợp vi phạm luật xả rác mỗi năm với mức phạt thấp nhất từ 217 USD (hơn 5 triệu đồng).
Khi ấy, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đích thân gửi thông báo cho các bộ trưởng, quan chức mỗi khi ông phát hiện một điều gì đó không tuân thủ quy định của pháp luật.
Ông Lý cho rằng những chi tiết nhỏ này đóng vai trò quan trọng và không được xem thường, nhất là trong trường hợp người dân tận dụng các sơ hở này để qua mặt chính phủ, đồng thời ngăn chặn trước khi thói quen này phổ biến khắp cộng đồng.
Singapore nổi tiếng với điều luật cấm nhập khẩu và sử dụng chewing gum hoặc án phạt dành cho hành vi mang sầu riêng lên tàu điện ngầm, không xả nước ở nhà vệ sinh công cộng.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử cũng bị cấm tuyệt đối. Đây là những điểm đáng lưu ý dành cho những du khách đang có ý định ghé thăm đảo quốc sư tử.
Án phạt có hiệu quả hay không?
Thời gian đầu, chiến dịch Sạch và Xanh kết hợp với những mức án phạt đi kèm đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong nhận thức cũng như hành vi của người Singapore.
Mọi người ý thức được tác hại của việc xả rác, bắt đầu cúi xuống nhặt rác nhiều hơn, nhờ vậy mà giúp thành phố trở nên sạch đẹp hơn rất nhiều.
Singapore phát triển vượt bậc và trở thành giàu có hơn đồng nghĩa với việc đất nước này sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê lao động giá rẻ đảm nhận công việc lau dọn và bảo vệ môi trường.
Theo ông Liak Teng Lit, chủ tịch cơ quan môi trường, Singapore hiện tại vẫn sạch không phải do người dân sợ bị phạt mà công lao thuộc về công nhân dọn vệ sinh.
Số lượng lao động làm công việc dọn vệ sinh ở Singapore ở mức 56.000 người, gấp 10 lần số lượng người đảm nhận công việc tương tự ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan.
Ông Edward D'Silva, chủ tịch hội đồng vệ sinh công cộng, hoàn toàn không hề hài lòng với con số trên bởi ông e ngại nó có thể làm thay đổi văn hóa Singapore khi người dân nơi đây cho rằng việc giữ vệ sinh môi trường là trách nhiệm của công nhân dọn vệ sinh chứ không phải là họ.
Bằng chứng là ngày nay, mọi người sau khi dùng bữa xong thường có thói quen để khay thức ăn ngay trên bàn ăn.
Họ tin rằng đây không phải là hành vi xả rác, chỉ đơn giản là bàn giao trách nhiệm dọn dẹp lại cho nhân viên vệ sinh vì họ được trả tiền để dọn dẹp.
"Chính phủ chi tiền để dọn dẹp các tòa nhà 2 ngày 1 lần.
Bạn nhận được một dịch vụ dọn vệ sinh tuyệt vời và khi một người nào đó có lỡ làm bẩn khu vực của bạn thì bạn sẽ không đổ lỗi cho người ấy mà thay vào đó sẽ đẩy toàn bộ trách nhiệm lên nhân viên dọn vệ sinh" - ông Edward nói.
Hằng năm, Singapore chi đến 87 triệu USD (hơn 2 nghìn tỷ đồng) để trả tiền thuê dịch vụ dọn dẹp vệ sinh công cộng.
Ông Edward cho rằng con số này sẽ tăng lên trong tương lai và Singapore không thể cứ mãi tiếp tục sử dụng lao động giá rẻ.
Thay vào đó, ông yêu cầu người dân nước mình cần phải nhanh chóng thay đổi suy nghĩ cũng như thái độ về việc bảo vệ môi trường chung.
"Nếu mọi người có thể thấm nhuần và nuôi dưỡng thói quen không vứt rác và giữ vệ sinh, chúng ta có thể tiết kiệm được hàng chục triệu đô la.
Thay vì trả lương cho hàng nghìn nhân viên lao công, chúng ta có thể sử dụng số tiền đó cho những mục đích khác cấp thiết hơn như giáo dục hoặc y tế" - ông Edward nói.
Người dân Singapore cho rằng trách nhiệm dọn dẹp thuộc về các nhân viên lao công.
Từ năm 2013, chính phủ Singapore đã đề xuất ra ngày "không nhân viên lao công", kêu gọi người dân chung tay dọn dẹp đường phố.
Năm đầu phát động, chiến dịch này đã thu hút rất nhiều tình nguyện viên, cùng nhau gom được 1.430kg rác nhưng con số này giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 292kg vào năm 2018.
Vấn đề này khiến chính phủ Singapore quan ngại khi vẫn giữ vững danh hiệu "đất nước sạch nhất thế giới" nhưng người dân lại ngày càng "lười biếng" hơn trong việc bảo vệ môi trường và ỷ lại vào các lao động giá rẻ làm công việc nhân viên lao công.