Nhiều tín đồ yêu thích món sushi ở Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định tới các cơ quan hành chính để làm thủ tục đổi tên sang thành “cá hồi” nhằm hưởng ưu đãi ăn sushi miễn phí của chuỗi nhà hàng Nhật Bản có tên Sushiro.
Theo Oddity Central, vào tháng 3/2021, nhà hàng Sushiro đã đưa ra chương trình quảng cáo ăn miễn phí trong 2 ngày từ 17- 18/3.
Một số người Đài Loan đổi tên thành "cá hồi" để được ăn miễn phí vẫn chưa lấy lại được danh tính ban đầu. (Ảnh minh họa)
Theo ưu đãi của chương trình, những khách hàng nào có tên trong thẻ căn cước công dân mang ký tự "Gui Yu" mà theo cách viết của Trung Quốc có nghĩa là “cá hồi” sẽ được ăn miễn phí sushi thỏa thích cùng với 5 người bạn.
Chỉ những người mà tên có đủ 2 ký tự "Gui Yu" mới được ăn hoàn toàn miễn phí. Đối với những khách hàng mang tên có 1 hoặc 2 ký tự phát âm giống với “cá hồi” sẽ được giảm giá 10% hoặc 50%.
Chương trình khuyến mại đặc biệt của nhà hàng Sushiro đã khiến hơn 330 người Đài Loan, Trung Quốc đi đổi tên thành “cá hồi”, bất chấp sự khuyên nhủ của các nhân viên tại văn phòng đăng ký hộ khẩu.
Truyền thông Đài Loan đã đồng loạt đưa tin về sự kiện của chuỗi nhà hàng Sushiro. Thậm chí, các chính trị gia Đài Loan còn xem đây là “Cuộc hỗn loạn cá hồi”.
Trong khi phần lớn mọi người đã làm thủ tục để trở về danh tính ban đầu sau vài ngày hết chương trình khuyến mãi của nhà hàng Sushiro, một số người vẫn bị mắc kẹt với những cái tên gây buồn cười như “Cá hồi đẹp trai”, “Cá hồi nhảy múa” hay “Giấc mơ cá hồi”.
Nhiều người cho rằng kiểu đổi tên như trên không chỉ gây lãng phí thời gian của các công chức trong cơ quan chính phủ, mà còn dẫn tới những thủ tục giấy tờ không cần thiết.
Sau hơn một năm kể từ sau “Cuộc hỗn loạn cá hồi”, một số người vẫn chưa thể lấy lại danh tính ban đầu. Bởi quy định của chính quyền Đài Loan là tên của mỗi người dân bao gồm tối đa là 50 ký tự. Ngoài ra, người dân chỉ có thể được đổi tên 3 lần. Và nếu như quá số lần quy định, tên của công dân sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.
“Sau cuộc hỗn loạn cá hồi, một số người trước đó đã đổi tên 3 lần và giờ họ không thể thay tên được lần nữa”, ông Chiu Hsien-chih, một nghị sĩ Đài Loan cho hay.
Điển hình, một chàng sinh viên đã đổi tên thành “Giấc mơ cá hồi của Trương”. Sau đó, anh muốn trở lại tên ban đầu khi chương trình khuyến mại của nhà hàng Sushiro kết thúc. Nhưng điều nam sinh này không ngờ tới là bố mẹ của cậu đã 2 lần đổi tên con khi cậu còn nhỏ.
Điều này đồng nghĩa với việc cậu đã đổi tên 3 lần và cái tên “Giấc mơ cá hồi” sẽ đi theo suốt cuộc đời, nếu như Đài Loan không sửa đổi luật.
Một số người cho rằng thay vì sửa đổi bộ luật hoặc giới hạn số lần đổi tên, chính quyền Đài Loan nên tăng thêm khoản phí và thời gian chờ đợi đối với những người muốn thay đổi tên để họ có trách nhiệm hơn với bản thân trước những quyết định nông nổi.
“Tại sao phải sửa đổi luật cho những người bán nhân phẩm của mình chỉ vì chút lợi ích”, một cư dân mạng Đài Loan bình luận.
“Hãy tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, những người mang tên Cá Hồi”, một người khác chỉ trích.