17 năm trước, vợ chồng Cindy lên kế hoạch sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo . Cả 2 dành nhiều thời gian để chọn ra "ứng cử viên" tiềm năng nhất trong ngân hàng tinh trùng.
Được biết, danh tính của người hiến tặng được giữ kín và thay vào đó là mỗi người mang 1 số hiệu khác nhau.
ác cặp đôi hiếm muộn sẽ kiểm tra lịch sử bệnh lý của người đó và gia đình họ để tiến hành chọn ra tinh trùng mang bộ gen tốt, khỏe mạnh. Vợ chồng Cindy cuối cùng cũng chọn được "ứng cử viên" xuất sắc nhất.
(Ảnh: New York Times)
Con trai Cindy chào đời trong tình trạng sức khỏe tốt. Thấy vậy, cả 2 tiếp tục sử dụng tinh trùng của người này để mang thai đứa trẻ tiếp theo.
Sau khi lớn lên, chúng tìm được nhiều người anh em cùng cha khác mẹ nhờ nhập số hiệu của người hiến tặng tinh trùng lên website. Sau đó, phụ huynh của những đứa trẻ quyết định đưa chúng đi xét nghiệm ADN.
Nhờ vậy, họ phát hiện ra sự thật phũ phàng: 2 con trai của Cindy không hề có quan hệ huyết thống với những đứa trẻ còn lại.
Chưa dừng lại ở đó, tinh trùng mà vợ chồng cô nhận được trong quá khứ hoàn toàn không đến từ người mà họ chọn lựa.
Cindy tìm được danh tính của người hiến tặng và phát hiện lịch sử bệnh lý của người này không mấy khả quan.
Người này qua đời vì ung thư não trong khi ông mắc bệnh Alzheimer, 1 họ hàng khác cũng bị bệnh tim hại chết. Những thông tin này khiến Cindy không khỏi sốc.
Nếu biết trước, chắc chắn cô sẽ không bao giờ chọn sử dụng tinh trùng người hiến tặng này.
Cindy còn cho rằng ngân hàng tinh trùng nên cảm thấy có lỗi với tất cả khách hàng của mình vì đưa một người xuất thân từ gia đình có lịch sử bệnh tật khá nghiêm trọng vào danh sách.
Tuy nhiên, Cindy không phải nạn nhân duy nhất bị lừa về tinh trùng hiến tặng. Rất nhiều phụ huynh sau khi tiến hành xét nghiệm ADN cho con cái cũng phát hiện bản thân đã bị ngân hàng tinh trùng và các phòng khám lừa đảo.
"Thật đau lòng khi nghe những câu chuyện thế này, chúng phổ biến hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Vấn đề này thật sự là một thách thức đối với hệ thống pháp luật.
Không ít ngân hàng tinh trùng xem nhẹ chất lượng tinh trùng đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc thế này" - Dov Fox, giám đốc Trung tâm chính sách luật y tế và đạo đức sinh học tại Đại học San Diego cho biết.
(Ảnh: New York Times)
Trường hợp của Melissa, sống ở tiểu bang Massachusetts, cũng từng có trải nghiệm tương tự khi đưa con gái 21 tuổi đi xét nghiệm ADN.
Đứa trẻ này có một người anh em cùng cha khác mẹ nhưng đáng tiếc, cả 2 đều không phải sinh ra từ "ứng cử viên" tinh trùng ưu tú mà Melissa đã chọn lựa trước đó tại phòng khám Repro Lab.
"Bạn không biết những đứa trẻ thừa hưởng điều gì từ những tinh trùng chất lượng thấp. Điều này không khác gì việc bạn vô tình đưa con mình vào nguy hiểm.
Việc này không giống với cưỡng bức nhưng tưởng tượng cho tinh trùng ấy vào người tôi cảm thấy bị xúc phạm về mặt thể xác" - Melissa nói.
Sau đó, người đứng đầu Repro Lab, Awilda Grillo, cũng lên tiếng phản hồi, rằng tinh trùng Melissa nhận được hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cô vào 25 năm về trước.
Bà mẹ 1 con nộp lá đơn dài 40 trang lên bộ Y tế New York về việc bị cung cấp sai tinh trùng nhưng không thu được kết quả mong muốn vì bằng chứng đưa ra không đủ sức thuyết phục.
Jennifer Cramblett đến từ Uniontown, Ohio, cũng trải qua điều tương tự, sinh ra con da màu trong khi đã kỹ lưỡng chọn tinh trùng đến từ một người đàn ông da trắng.
Tuy nhiên, đơn kiện của Jennifer lại bị tòa án bác bỏ vì bởi đứa trẻ của cô không gặp vấn đề sức khỏe.
Trong khi những cặp đôi hiếm muộn tức giận vì bị lừa nhận sai tinh trùng thì một bộ phận cơ quan chức năng lại cho rằng điều này không gây ra ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của những đứa trẻ.
Sonia Suter, giáo sư luật tại Đại học George Washington, chuyên về chính sách sinh học và y tế cho biết có rất ít điều luật quy định xử phạt việc này. Trung tâm y tế có thể bị phạt vì vi phạm hợp đồng nhưng điều này rất khó để chứng thực.
"Họ có làm đúng theo cam kết hay không? Họ có cung cấp đúng 'sản phẩm' mà 2 bên đã thống nhất hay chưa? Đây trông giống như 1 vụ mua bán xe ô tô nhưng sức ảnh hưởng của giao dịch này lại cực kỳ lớn" - Sonia nói.
Sự cố liên quan đến danh tính bố mẹ của những đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã xảy ra cách đây rất lâu.
Đơn cử như trường hợp của 1 bác sĩ Ấn Độ đã không sử dụng tinh trùng của người chồng mà dùng chính tinh trùng của mình để giúp 46 bà vợ mang thai trong khoảng thời gian 10 năm từ những năm 1960.
Tiến sĩ Donald Cline cũng từng thừa nhận hành vi tội ác như trên và nhận về mức án phạt 1 năm tù giam đồng thời bị tước bằng hành nghề vĩnh viễn.
Công tố viên cho biết, họ không thể đề nghị mức hình phạt cao hơn vì vi phạm này không được nhắc đến trong bộ luật.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 60 người phát hiện họ bất đắc dĩ là con của tiến sĩ Donald.
"Tôi không thể tin được rằng một người có học vị tiến sĩ hành nghề y lại gây ra sai phạm khó dung thứ lên những người phụ nữ đáng thương" - Matt White, 36 tuổi, một trong những đứa con sinh ra nhờ vào tinh trùng hiến tặng của vị tiến sĩ kia.
Được biết, Matt cùng những người anh em khác của mình đã góp phần đưa sai phạm lừa đảo tinh trùng hiến tặng này trở thành một trong những điều luật được tiểu bang Arizona thông qua vào năm 2016.
Theo đó, hành vi lừa gạt y tế, bao gồm tinh trùng và trứng hiến tặng, có thể bị phạt từ 6 tháng đến 2,5 năm tù giam, người vi phạm đồng thời phải nộp tiền phạt lên đến 10 nghìn USD.
Một vụ việc từng xảy ra ở Singapore vào năm 2017, khi một cặp vợ chồng hiếm muộn sinh ra con lai mang nhiều màu da.
Tòa án nhìn nhận đây là tổn thất liên quan đến mối quan hệ di truyền học và yêu cầu bồi thường cho cặp đôi 30% chi phí nuôi con, tương đương 233 nghìn USD.
Nhìn vào trường hợp đó, giáo sư luật Dov Fox mong rằng luật pháp Mỹ sẽ mở rộng ra hơn, rằng tòa án phải thấy được sự tổn thất của những gia đình trải nghiệm việc nhận sai tinh trùng hiến tặng gây ra bởi tổ chức cung cấp chúng.
Trung tâm y tế hay ngân hàng tinh trùng phải chịu trách nhiệm cho sai phạm của mình.
"Việc làm cẩu thả của họ đã dẫn đến hệ quả nhiều đứa trẻ sinh ra mang trong người một nửa dòng máu khác hoàn toàn so với những gì bố mẹ chúng mong đợi" - giáo sư Dov cho biết.