“Trong tất cả các thỏa thuận với Mỹ, chúng tôi đã giải thích rõ về việc mối quan hệ quốc phòng lâu đời giữa Nga và Ấn Độ và xem đây là thời điểm thử thách mối quan hệ này.
Chúng tôi cũng đã nhắc tới việc Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) không thể ảnh hưởng tới mối quan hệ quốc phòng Nga - Ấn Độ”, RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman phát biểu trong buổi họp báo.
Theo Bộ trưởng Sitharaman, Ấn Độ đã sở hữu hàng loạt vũ khí được Nga sản xuất và quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục được thể hiện thông qua thỏa thuận mua bán tổ hợp tên lửa S-400 trị giá 5,5 tỷ USD.
Khả năng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ban hành lệnh trừng phạt đối với Ấn Độ vì vi phạm những điều khoản cấm vận mà trước đó Washington đã áp đặt với Moscow.
Thậm chí, Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ về việc bị áp đặt lệnh trừng phạt nếu còn tính tới chuyện mua S-400 của Nga. Trước đó, vào năm 2017, Mỹ đã quyết định thi hành CAATSA đồng thời áp đặt lệnh cấm vận đối với Nga, Iran và Triều Tiên.
Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Cụ thể, theo Viện Hòa bình quốc tế Stockholm, trong 5 năm qua, Nga giành được tới 62% thương vụ bán vũ khí cho New Delhi.
Ấn Độ hiện không phải là quốc gia duy nhất bất chấp khả năng bị Mỹ trừng phạt để mua bằng được các tổ hợp S-400. Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, sẽ mua hệ thống phòng không của Nga dù phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh, Washington “đặc biệt quan ngại về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống S-400”.
Cũng theo bà Nauert, với tư cách là một quốc gia thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nên sử dụng những hệ thống vũ khí được NATO phê chuẩn.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã khẳng định, Mỹ sẽ làm mọi cách “để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400”.
S-400 Triumf hiện được xem là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga. Hệ thống này có thể bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương ở khoảng cách 400 km.