Con trai của ông Akio Kusano, anh Koichi, đã bỏ học giữa chừng khi vừa bước chân vào trường trung học. Tính từ đó đến nay đã vừa tròn 25 năm.
Và trong suốt quãng thời gian đó, cậu học sinh Koichi, giờ đã 42 tuổi, rất ít khi ra khỏi nhà mặc dù anh luôn ôm ấp ước mơ trở thành một nghệ sĩ tấu hài rakuko, một loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản.
"Đứa trẻ" 42 tuổi tự nhốt mình trong nhà suốt 25 năm
Khi Koichi còn học trung học cơ sở, ông Akio vẫn có thể kiếm ra kinh tế để nuôi gia đình khi vừa làm việc tại một công ty bảo hiểm vừa làm thêm tại một cửa hàng mỳ.
Thỉnh thoảng, ông Akio lại xin nghỉ phép để dẫn con trai đi thăm quan đây đó bằng tàu hỏa. Hai cha con thường bắt tàu từ Tokyo tới Fukushima để khám phá món mỳ Kitakata nổi tiếng ở đây.
Koichi, lúc đó vốn đã không thích tham gia các hoạt động nhóm, bắt đầu trốn tiết nhiều hơn vào năm học cuối của bậc trung học cơ sở do thường xuyên bị bắt nạt ở trường. Hồi đó, cậu bé Koichi thường xuyên trở về nhà với những vết bầm tím khắp người.
Có lẽ đó chính là nguyên nhân thôi thúc Koichi quyết định nghỉ học khi đang học năm thứ nhất trung học.
Bạo lực học đường đã khiến cho cậu học sinh Koichi vốn đã ngại giao tiếp càng thêm thu mình và dần dần xa lánh xã hội.
Koichi bắt đầu xa lánh xã hội và giam mình trong bốn bức tường. Từ đó, anh cũng thường xuyên có hành động bạo lực với bà nội, mẹ và em gái mình.
Khi bước sang tuổi 20, Koichi tỏ ra hứng thú với việc trở thành một nghệ sĩ tấu hài rakugo. Cậu thường xuyên nghe những đĩa CD rakugo lấy từ bộ sưu tập bên phòng ông Akio về.
Tuy nhiên, ao ước trở thành một môn đệ của môn nghệ thuật tấu hài rakugo của Koichi không bao giờ thành hiện thực.
Giờ đây, cứ 2 – 3 tháng một lần, Koichi cũng ra ngoài để đi xem những buổi trình diễn tấu hài nhưng anh ta hầu như vẫn ít khi tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình do lịch sinh hoạt khác người của bản thân.
Thế nhưng, người đàn ông lớn xác ngày ngày vẫn nói về chuyên "một ngày nào đó sẽ làm nên nghiệp lớn". Đối với ông Akio, đó mãi mãi là một giấc mơ không bao giờ có thật.
Hội chứng tự nhốt mình trong phòng (Hikikomori)
Kết quả của một cuộc điều tra của chính phủ gần đây cho thấy ước tính có khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15 tới 39 ở Nhật Bản tránh giao tiếp xã hội và tự nhốt mình ở trong nhà.
Những người này chìm trong thế giới ảo tưởng của chính mình và hoàn toàn cách ly với thế giới xung quanh, tạo nên một hiện tượng gọi là hikikomori.
Hikikomori đã từng là vấn đề cấm kị tại Nhật Bản trong nhiều năm trời nhưng đến cuối thập kỉ 90 quốc gia này buộc phải nhìn nhận vấn đề này sau hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến những đối tượng mắc hội chứng này gây ra.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đó chỉ là những trường hợp cá biệt còn lại đa số hikimori không làm hại ai, ngoài chính bản thân họ.
Những người mắc hội chứng hikikomori sau nhiều năm ròng nhốt mình trong "tổ kén" sẽ mất hết các mối liên hệ với người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng.
Những người mắc hội chứng hikimori sau nhiều năm ròng sống trong "tổ kén" sẽ mất dần mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, bạn bè, láng giềng.
Trong trường hợp nổi cơn thịnh nộ, các hikimori thường sẽ tự làm đau mình hoặc trút giận lên những người thân thiết nhất là phụ huynh của mình.
Tuy nhiên, đối với những người thậm chí còn không được xếp vào diện những người mắc hội chứng hikikomori như Koichi thì sự việc thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Trên thực tế, sẽ chẳng có ánh sáng nào le lói cuối đường hầm dành cho chính bản thân Koichi và hai bậc sinh thành ngày càng già yếu của anh ta.
Cuộc chiến không hồi kết
"Đồ ki bo kẹt xỉ!". Đó là những lời mà Koichi ném về phía cha mình, ông Akio khi vừa bước chân xuống phòng khách.
Ông Akio, năm nay đã 74 tuổi, "đứng hình" trong giây lát nhưng gần như ngay lập tức, ông giang tay ôm đứa con trai năm nay đã 42 tuổi của mình lại và vỗ về như trẻ nhỏ.
Thế nhưng, trong tận thâm tâm ông biết mình không còn nhiều sức lực và thời gian để tiếp tục kiềm chế những cơn thịnh nộ có thể bộc phát bất cứ lúc của con trai lâu hơn nữa.
Có rất nhiều lý do khiến cho một cá thể tách mình ra khỏi xã hội nhưng có một điều rõ ràng ai cũng có thể nhận thấy.
Đó là thời gian mắc hội chứng hikikomori kéo dài càng lâu thì cha mẹ của những đối tượng đó sẽ phải ôm theo mình nỗi tuyệt vọng không biết bao giờ dứt.
Những người trẻ mắc chứng hikikomori là một gánh nặng về kinh tế đối với gia đình vì họ hoàn toàn thờ ơ với cuộc sống xung quanh.
Kết quả của một cuộc khảo sát do hiệp hội các gia đình có người mắc hikikomori Kazoku Hikikomori Japan (KHJ) tiến hành trên 360 người cho thấy tuổi trung bình của các đối tượng này là 32,7 và thời gian mắc hội chứng kéo dài trong khoảng 10,8 năm.
Trong khi đó, quỹ hỗ trợ việc làm tại 160 cơ sở trên khắp cả nước đang ở trong tình trạng khan hiếm trầm trọng vì trên thực tế, số tuổi hợp pháp để được nhận trợ cấp cho người trẻ là từ 39 tuổi.
"Những người đang ở vào độ tuổi 40 hiện giờ là lớp sinh viên tốt nghiệp đại học đúng thời điểm bong bóng kinh tế xảy ra. Chính vì vậy, nhiều người không thể kiếm được một công việc như ý", một cán bộ của cơ sở hỗ trợ việc làm ở Tokyo cho biết.
"Họ hàng ngày phải đối mặt với sự cạnh tranh về bằng cấp và sẽ ngay lập tức bị loại khỏi cuộc chơi nếu trượt khỏi vòng quay chóng mặt của xã hội".
Một năm trước, vợ chồng ông Akio cũng đã gọi con Koichi xuống nói chuyện nghiêm túc về tình trạng hiện tại của gia đình và những vấn đề mà anh sẽ phải đối mặt trong thời gian không xa nữa.
Trên tờ giấy đặt trên bàn, cha mẹ Koichi đã chuẩn bị một danh sách dài dằng dặc với 20 gạch đầu dòng để thảo luận với con.
Danh sách dài dằng dặc 20 điều ông bà Akio chuẩn bị để nói với đứa con trai 25 năm ròng thờ ơ với cuộc sống.
Trong đó tất nhiên không thể thiếu các vấn đề cấp thiết như Koichi sẽ ra sao nếu một ngày cha mẹ già yếu, mất trí và qua đời, rồi tiền thuế, tiền bảo hiểm và lương hưu sẽ thế nào.
"Cha mẹ không thể ở bên con mãi mãi. Chính vì vậy, cha mẹ muốn con suy nghĩ nghiêm túc về việc con sẽ làm gì để tồn tại nếu một ngày chúng ta không còn trên cõi đời này nữa".
Đó là những lời từ đáy lòng mà bấy lâu nay ông Akio luôn trăn trở nhưng câu trả lời ông nhận về chỉ là sự im lặng kéo dài từ phía người con trai.