Có một thế hệ thanh niên Nhật Bản được người ta gọi bằng cái tên "lost generation" (thế hệ mất mát) hoặc "những người trẻ vô hình". Nhiều người khi nghe thấy cái khái niệm này vẫn tự hỏi: những thanh niên Nhật Bản, họ mất điều gì?
Có vô vàn câu trả lời cho câu hỏi này nhưng theo đại đa số người trả lời, thế hệ trẻ này đã mất ham muốn tham gia đời sống xã hội bên ngoài: không cần học, đi làm, giao du với bạn bè, thậm chí là không cần lấy vợ hay kết hôn.
Từ những năm 1990 tại Nhật Bản, họ được gọi bằng cái tên "Hikikomori".
Hikikomori, thế hệ thanh niên "ăn cỏ" ở Nhật Bản.
Hikikomori, họ là ai?
Không còn khả năng đối mặt với xã hội; không cần đi học, đi làm, chỉ cần ăn uống ở mức tối thiểu trong phòng, xem phim và chơi điện tử, những thanh niên này tự khóa mình trong phòng và từ chối bước ra ngoài thế giới.
Ở Nhật Bản, có khoảng 1 triệu người như vậy, và họ chính là những hikikomori.
Hikikomori thường giam mình trong phòng cả năm, thậm chí là chục năm.
Thuật ngữ này đã được sử dụng để chỉ một tình trạng tâm lý mà một nhóm các thanh niên Nhật Bản đang phải trải qua. Vào thời gian đầu xuất hiện, đa phần những thanh niên này còn khá trẻ với độ tuổi trung bình chỉ khoảng 21.
Tuy nhiên theo những khảo sát gần đây, những hikikomori tại Nhật Bản có độ tuổi trung bình lên tới 32.
Có một thực tế rằng nhiều người đã không hiểu đúng vấn đề khi gọi tên hikikomori là một căn bệnh. Đa phần các thanh niên với hội chứng này đều mắc các chứng bệnh tâm lý liên quan hoặc tồn tại các tổn thương, sang chấn tâm lý.
Với nhiều người, họ chấp nhận điều đó như một lối sống bình thường vì đơn giản họ đã quá chán xã hội và việc giao tiếp bên ngoài.
Đa phần các hikikomori đều là nam giới.
Theo các nghiên cứu, có khoảng 70-80% các hikikomori là nam giới. Tuy nhiên, con số này không lớn đến thế khi theo một cuộc điều tra khảo sát trực tuyến của NHK, chỉ có khoảng 53% các hikikomori là nam.
Rõ ràng, xu hướng này cũng đang trở nên phổ biến với toàn thể thanh niên Nhật Bản chứ không riêng gì nam giới.
Những căn phòng đóng khép
Tại đất nước mà sự riêng tư của con người được đề cao, được tôn trọng, căn phòng trở thành nơi mà lũ trẻ cảm thấy được an toàn. Nếu như là fan của các bộ truyện tranh, bạn có thể thấy dù là khi còn là đứa trẻ, các em luôn được ba mẹ tôn trọng gõ cửa khi vào phòng.
Trong khi các cô gái sẽ đi lấy chồng thì nhiều chàng trai sẽ ở với cha mẹ cho tới khi họ kết hôn, hoặc mãi mãi.
Họ thích giam mình trong phòng hơn là ra ngoài.
Với các hikikomori, những căn phòng chính là "thánh địa" của họ. Câu chuyện về những chàng trai đã ở trong căn phòng của mình 2 năm, 3 năm thậm chí là 10 năm mà không hề ra ngoài là điều không còn hiếm gặp tại Nhật Bản.
Thỉnh thoảng, những cô cậu này có thể đi trong nhà, nhưng hầu như là không bao giờ.
Điểm đặc biệt với nhiều người khi có cơ hội được bước chân vào căn phòng của những hikikomori là đa phần đều khá nhỏ, bừa bộn và không có gì nổi bật. Không gian luôn tối tăm và có phần tù túng.
Tuy nhiên, nó cũng không thiếu thứ gì mà một hikikomori cần: những chồng truyện tranh hàng kỳ, video phim, trò chơi điện tử, tivi, máy tính và mạng internet.
Một căn phòng của hikikomori thường khá bừa bộn.
Nhu cầu ăn uống của các thanh niên cũng hết sức đơn giản, đôi khi chỉ cần vài hộp mì gói hay bento làm sẵn là họ có thể sống qua ngày.
Nhiều người chọn lối sống "ngủ ngày cày đêm"; khi mặt trời lên, họ kéo rèm cửa và vùi mình vào trong chăn để rồi khi màn đêm buông xuống, họ sẽ tiếp tục các công việc, sở thích của mình, ngày này qua ngày khác.
Đằng sau mỗi hikikomori là một câu chuyện dài
Không ai sinh ra đã là một hikikomori. Với nhiều người, đa phần họ gặp phải những chấn thương về tâm lý, những chán nản trong công việc, học tập hoặc hoàn cảnh gia đình.
Với Hide, một thanh niên tại Tokyo, Nhật Bản, lý do anh quyết định sống như hikikomori bắt đầu từ khi anh bỏ học.
"Tôi bắt đầu tự trách bản thân mình và ba mẹ cũng mắng tôi vì không tiếp tục việc học. Áp lực bắt đầu trở nên nhiều hơn". Hide chia sẻ.
"Rồi dần dần, tôi sợ ra ngoài và không muốn gặp mọi người. Và rồi, tôi không thể ra khỏi nhà nữa". Sau đó, Hide dần cắt đứt liên lạc với bạn bè và thậm chí cả gia đình. Để tránh gặp mọi người, anh thường ngủ suốt ban ngày và thức dậy vào buổi.
Với Hide, anh gặp phải những chán nản liên quan tới việc học tập và áp lực gia đình.
Với câu chuyện Matsu, anh trở thành một hikikomori sau khi cãi nhau với cha mẹ về nghề nghiệp tương lai và việc học tại đại học.
"Tôi nghĩ mình hoàn toàn tỉnh táo nhưng cha mẹ muốn tôi làm những việc mà mình không muốn", anh tâm sự. "Cha tôi là một nghệ sĩ và ông có công việc kinh doanh riêng. Ông cũng muốn tôi phát triển sự nghiệp của ông sau này".
Tuy nhiên với Matsu, anh muốn trở thành một lập trình viên máy tính.
"Cha tôi nói: tương lai sẽ không có chỗ cho những kẻ làm công ăn lương. Hãy tự mình kinh doanh và làm công việc của mình".
Cũng như nhiều hikikomori khác, Matsu là con cả và anh cảm thấy sức nặng từ áp lực gia đình. Trong khi cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào Matsu, em trai anh có thể theo đuổi những gì cậu ta muốn.
"Tôi trở nên bạo lực và sống rời xa gia đình". Đó là cách Matsu tự kiềm chế bản thân nhưng cũng đẩy anh vào cuộc sống của một hikikomori.
Nhiều hikikomori chịu áp lực lớn từ công việc, học tập và gia đình.
Một trào lưu không chỉ ở Nhật Bản: tích cực hay tiêu cực?
Trong khi đa phần mọi người đều cho rằng hikikomori đang trở thành một lối sống tiêu cực trong xã hội: suy giảm sức khỏe ở nam giới, gánh nặng lên gia đình, giảm tỷ lệ kết hôn ở những nước dân số già như Nhật Bản... nhiều ý kiến cho rằng hikikomori có thể trở thành một trào lưu tích cực nếu được nhìn rộng ra vấn đề.
Với một hikikomori, họ chỉ cần những điều kiện cơ bản để duy trì cuộc sống: một căn nhà được kế thừa từ cha mẹ, một chút tiền thức ăn, tiền điện, nước, internet. Ngoài ra, họ không có quá nhiều nhu cầu mua sắm.
Xét về mặt tích cực, "chủ nghĩa tối giản" này có thể giúp mỗi người tiết kiệm được 1 khoản tiền kha khá.
Những hikikomori, họ không có nhu cầu tiêu pha hay mua sắm gì nhiều.
Nhiều người còn cho rằng, nếu họ vẫn tiếp tục đi làm nhưng có một cuộc sống tiết kiệm và tối giản như những hikikomori, cuộc sống sẽ trở nên lành mạnh và họ có thể tiết kiệm được 1 khoản tiền lớn để về hưu sớm, tận hưởng cuộc sống thư thái.
Không cần bon chen, kết hợp với một lối sống lành mạnh thay vì ở trong phòng suốt và hạn chế những vật chất không cần thiết trong cuộc sống; đó có thể là lúc khái niệm hikikomori sẽ được nhiều người đón nhận rộng rãi và thực sự trở thành một trào lưu tích cực trên toàn thế giới.