Cơn bão giá thực phẩm và nhiên liệu do tác động từ việc chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị gián đoạn và chiến sự ở Ukraine đang gõ cửa từng hộ dân thuộc từng lớp trung lưu và thu nhập thấp ở Ấn Độ. Nhiều người không còn lựa chọn nào khác là cắt giảm khẩu phần ăn và thay đổi cách nấu nướng để sống qua ngày.
“Chúng tôi mua ít cá và thịt hơn do giá cả đang tăng cao. Đôi khi chúng tôi chỉ ăn cơm với bơ muối và cá khô”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Sasikala Rajan (35 tuổi), một người làm nghề giúp việc ở thành phố Chennai.
Đứng trước cơn bão giá thực phẩm và gas, người dân Ấn Độ tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí. (Ảnh: Reuters)
Cô Rajan hiện kiếm được 15.000 rupee/tháng (196 USD) cho biết thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống, gia đình 3 người phải thực hiện phương án tiết kiệm như cắt giảm lượng khoai tây, gừng và hành cùng các gia vị khác trong quá trình chế biến món ăn.
“Tôi còn sử dụng nồi áp suất để nấu ăn nhanh hơn và tiết kiệm được lượng gas tiêu thụ. Không còn cách nào khác để kéo dài cuộc sống”, cô Rajan nói.
Lạm phát ở Ấn Độ đã tăng cao nhất trong vòng 17 tháng qua và ở mức gần 7%, đẩy giá bán các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh như lúa gạo, hành, khoai tây, cà chua, gà và dầu ăn.
Như ở thủ đô New Delhi, chi phí sống tăng mạnh khiến nam công nhân xây dựng Hariram Das (42 tuổi) chỉ dám ăn chaat, một món ăn đường phố, và bánh mỳ kẹp trứng dù phải làm việc vất vả.
“Chúng tôi vô cùng lo lắng cho bọn trẻ, và cố gắng mua sữa với trứng cho con khi có tiền”, anh Das cho hay.
Ngay cả những nhà hàng quy mô nhỏ, nơi tầng lớp lao động thường xuyên ghé thăm vì thực phẩm được bạn với giá rẻ, cũng chứng kiến tình trạng bị mất đi một lượng lớn khách hàng thân thiết do tình trạng lạm phát.
Nhiều người bán đồ ăn rong ở miền nam Ấ Độ thậm chí phải từ bỏ các món ăn vặt chiên rán ra khỏi thực đơn, mà thay vào đó là món hấp để bán cho khách hàng nhằm tiết kiệm chi phí mua dầu ăn.
Anh Chinnaswamy, một người bán hàng rong ở Chennai, cho biết tình hình kinh tế khó khăn làm tăng thêm sức ép cho chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do đó, gánh hàng của anh Chinnaswamy đã bị sụt giảm doanh thu, do khách hàng ngày càng bóp ví.
“Tôi thường cho tất cả nguyên liệu vào một nồi để nấu gồm gạo và rajma (đậu tây với nước sốt hành và cà chua) hoặc kadi (sốt sữa chua) để cắt giảm chi phí mua thực phẩm, cũng như tránh phụ thuộc vào các loại rau”, bà Manisha Rani chuyên ở nhà nội trợ cho biết.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nandita Iyer, các món ăn của người dân Ấn Độ có thể dễ dàng chế biến ngay cả khi được cho ít loại gia vị hơn như hành và cà chua. Điều này trái ngược với các món ăn phương Tây vốn được định lượng chính xác nguyên liệu nấu và hàm lượng gia vị nên rất khó có thể thay thế bằng loại khác.
“Ẩm thực Ấn Độ thường phản ánh giá cả của các nguyên liệu và gia vị, cũng như tránh được tình trạng lãng phí”, bà Iyer nhận định.
Cuộc khủng hoảng chi phí sống cũng là cơ hội để những người đứng đầu gian bếp trong mỗi gia đình trổ tài xoay sở.
Điển hình, nhà báo tự do Shoma Abhyankar cho hay cô thường mua số lượng lớn chanh đúng mùa. Sau đó, cô Abhyankar vắt lấy nước, bỏ chút muối vào cùng và để lên ngăn đá. Số nước chanh trữ đông này sau đó được cô Abhyankar mang dần ra pha nước uống giải khát, hoặc để chế biến món ăn.
Tại thành phố Chennai, bà nội trợ Preeta Kumar đang sống trong cảnh lo lắng giá cả tăng cao mỗi ngày cho hay bà phải tránh các món ăn cần tới rán lâu, và chỉ nấu những món có thể cho vào chung một nồi, hoặc ăn món chỉ hấp hoặc luộc để đối phó với giá nhiên liệu tăng cao.
Nhà nhân chủng học về thực phẩm Kurush Dalal cho hay, người dân Ấn Độ thường chấp nhận ăn các món ăn tiết kiệm như dal kichdi (gạo nghiền nấu với đậu lăng và chút rau) để sống sót qua giai đoạn khó khăn kinh tế.
“Từ chuyện dùng ít dầu ăn hơn, chuyển sang ăn dalda (dầu thực vật) thay vì ghee (bơ khan) và dùng nồi áp suất là những biện pháp để cắt giảm lượng gas tiêu thụ”, ông Dalal nói.
Song theo ông Dalal, giá trị dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn đang bị sụt giảm giữa lúc người dân tìm mọi cách cắt giảm chi phí sống để tập trung chu cấp tiền cho con đi học hoặc chi phí y tế.
“Nhiều nhóm thu nhập thấp đã buộc phải thỏa hiệp với vấn đề dinh dưỡng nhằm vượt qua giai đoạn lạm phát. Đây là một lựa chọn rất khó khăn”, ông Dalal nhấn mạnh.