Ảnh minh họa
Một quan chức của Liên minh châu Âu cho biết, tình trạng mất an ninh lương thực đã gây ra mối quan ngại với các quốc gia dễ bị tổn thương trong những khu vực này, với việc Moscow miêu tả cuộc khủng hoảng là hậu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Quan chức này cho rằng EU cần một kế hoạch giải quyết vấn đề này bằng biện pháp ngoại giao lương thực.
Các nước láng giềng của EU như Ai Cập phụ thuộc nhiều vào lúa mì và phân bón từ Ukraine và Nga. Những nước này cũng phải đối mặt với tình trạng giá tăng đột biến sau khi nguồn cung giảm kể từ khi Nga tấn công Ukraine. EU sẽ tăng cường nỗ lực giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu hụt nguồn hàng này và sẽ có sự phối hợp với Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc trong ngày 13/4 để tìm kiếm các giải pháp về vấn đề này.
Mặt khác, Hungary đã đề xuất thúc đẩy sản lượng nông nghiệp của EU bằng cách thay đổi các tiểu chuẩn, mục tiêu khí hậu của khối. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc xác nhận rằng họ đang xem xét cơ sở tài trợ nhập khẩu lương thực. Các quan chức cho biết EU đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực qua Ba Lan và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu cho nông dân Ukraine để xoa dịu tình hình.
EU cũng đang hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Theo báo cáo từ tuần trước khối này sẽ viện trợ 225 triệu euro cho Bắc Phi và Trung Đông./.