Nỗi ám ảnh của Mỹ với Trung Quốc làm 'lu mờ' đàm phán hạt nhân với Nga

Thanh Bình |

Mỹ và Nga đã mở cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) để thảo luận về việc gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược.

Kênh NBC News viết, mặc dù Mỹ và Nga bắt đầu đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân ở Vienna, nhưng thành công của họ có thể bị cản trở bởi mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán bằng mọi giá. Trong khi Trung Quốc từ chối tham gia.

Theo kênh này, Nga và Mỹ đang quá ám ảnh với Trung Quốc, quốc gia có thể đe dọa tới toàn bộ cấu ​​trúc của các hiệp ước hạt nhân.

Được biết, các cuộc đàm phán của Mỹ-Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân đã bắt đầu tại Vienna vào thứ Hai (22/6). Trong khi đó các nhà ngoại giao và chuyên gia cảnh báo, việc Tổng thống Donald Trump muốn thuyết phục Trung Quốc tham gia cuộc đối thoại này có thể là trở ngại cho việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 và làm tăng tốc cuộc chạy đua vũ trang.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Điện Kremlin không tin rằng Mỹ sẽ mở rộng START-3, điều này sẽ làm hạn chế số lượng vũ khí chiến lược ở Moscow và Washington.

Theo các nguồn tin, trước thềm cuộc đàm phán ở Vienna, ông Ryabkov cho hay, ông không thích lập trường của Mỹ về vũ khí hạt nhân trên tinh thần “kiểm tra để kiểm soát”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga đồng ý rằng một số hệ thống hạt nhân tiên tiến nhất của Nga có thể được đặt dưới sự bảo trợ của một hiệp ước hiện có theo thỏa thuận.

Ngoài ra, ông Ryabkov cũng nhấn mạnh, Nga sẽ không thể “bắt buộc” Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và sẽ không làm điều này trong tương lai. Theo ông Ryabkov, nếu Washington đang sợ tiềm năng hạt nhân của Bắc Kinh, thì phía Mỹ nên có những nỗ lực phù hợp.

“Chính quyền Mỹ đang bị ám ảnh bởi Trung Quốc đến mức không thể tiến bộ hơn nữa. Trung Quốc đang làm lu mờ mọi thứ khác”, ông Ryabkov nói thêm.

Theo các dữ liệu, hiện tại Mỹ và Nga có ít nhất 5.000 vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, theo các quy định của hiệp ước START-3, các quốc gia này chỉ có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân trong nhiệm vụ chiến đấu. Ngoài ra, theo thỏa thuận, Moscow và Washington có thể tiến hành kiểm tra kho vũ khí của nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định gia hạn thỏa thuận sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới hợp tác trong tương lai và ký kết các thỏa thuận rộng lớn hơn. Tuy nhiên, “ít người khẳng định các cuộc đàm phán về chủ đề này sẽ diễn ra suôn sẻ”.

“Rất khó để hiểu tại sao chính quyền ông Trump không muốn tiếp tục START-3”, một cựu quan chức ngoại giao nhận định. Theo quan chức này, nỗ lực kéo Bắc Kinh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí là “cực kỳ có vấn đề”.

Ông Alex Wellerstein, một sử gia của Viện Công nghệ Stevens (Mỹ) cho biết: “Nếu hông gia hạn hiệp ước START-3, các nước không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”.

“Hiệp ước START-3 là viên gạch cuối cùng của nền tảng cấu trúc an toàn hạt nhân của Chiến tranh Lạnh”, nhà phân tích an ninh và đối ngoại quốc tế người Mỹ Mark Sleboda nhận định.

“Nếu START-3 biến mất, thế giới sẽ phải đối mặt với cả hai vấn đề về số lượng vụ phóng hạt nhân và phát triển đầu đạn ở các cường quốc, cùng với đó là cuộc chạy đua vũ trang đa phương trên toàn thế giới”, ông Sleboda nhấn mạnh.

Mới đây, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea tuyên bố Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức cuộc gặp mới về sự ổn định chiến lược, dự kiến là tại Vienna trong thời gian gần, có thể vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8.

Ông Billingslea cho biết, trong các cuộc đàm phán với Nga, Mỹ đồng ý làm việc theo một hiệp ước mới, sẽ bao trùm tất cả các vũ khí hạt nhân chứ không chỉ riêng hạt nhân chiến lược. Cũng như dự trù khả năng đưa ra một thỏa thuận tương lai ba bên hoặc nhiều bên về kiểm soát vũ khí.

Đồng thời, ông Billingslea không loại trừ việc gia hạn hiệp ước START-3, nhưng lưu ý về sự cần thiết phải có sửa đổi đối với văn kiện mới.

Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại