Ký ức kinh hoàng
Natascha Kampusch, sinh năm 1988 ở nước Áo, trong một gia đình không có hạnh phúc trọn vẹn.
Cha cô chỉ biết tiêu tiền còn mẹ phải đối mặt với việc làm thế nào để gia đình có đủ tiền sống, chi trả cho những hóa đơn dồn dập. Đôi lúc áp lực trong cuộc sống khiến bà trút giận lên con gái mình.
Tất cả mọi thứ đều thay đổi khi Natascha lên 10 tuổi và bị bắt cóc. Điều trớ trêu là ngày bị bắt cóc cũng là ngày đầu tiên cô được đến trường một mình.
Mẹ luôn bảo vệ cô quá mức và Natascha muốn cảm giác độc lập nhưng bất hạnh thay, cô đã chọn nhầm ngày. Cô không biết rằng chỉ một quyết định nhỏ đó đã khiến bản thân bị nhốt trong căn hầm bí mật nhiều năm trời.
Natascha Kampusch vào thời điểm trước khi bị bắt cóc.
Vào ngày 2/3/1988, tại thành phố Viên, nước Áo, một người đàn ông lái chiếc xe buýt nhỏ phóng tới gần cô bé.
Lợi dụng lúc vắng người, gã lao ra và nhanh chóng khống chế, ép cô bé vào trong thùng sau của chiếc xe.
Người đàn ông đó là Wolfgang Priklopil, 36 tuổi, một kỹ thuật viên viễn thông. Gã sống cùng với bố mẹ ở Strasshof, cách thành phố Viên nửa giờ đi xe ô tô.
Vốn đã chuẩn bị cho kế hoạch bắt cóc một cách cẩn thận từ trước, Priklopil đưa cô bé vào một căn hầm không có cửa sổ, cao hơn 1m, nằm bên dưới gara ô tô của căn nhà nơi hắn ở.
Trong đó, có một chiếc quạt máy thông gió được cài sẵn để cung cấp không khí cho căn hầm.
Suốt thời gian bị giam giữ, Natascha bị đánh đập trên 200 lần một tuần, bị xích với kẻ bắt cóc trong khi cả hai ngủ trên giường của hắn, bị ép cắt tóc và làm việc với tình trạng gần như khỏa thân, giống như một nô lệ trong nhà và tất nhiên việc lạm dụng tình dục diễn ra thường xuyên hơn khi cô bé bắt đầu dậy thì.
Chân dung Wolfgang Priklopil.
Căn hầm bí mật nơi bé gái người Áo bị giam giữ.
Natascha kể rằng, cô bị Priklopil đánh đập tàn tệ tới mức xương bị gãy.
Trong suy nghĩ non nớt của mình lúc bấy giờ, Natascha đã dần hiểu được hoàn cảnh nên học cách chấp nhận sự thật rằng sẽ phải ở lại trong căn phòng tối ấy và phục vụ gã đàn ông kia.
Làm lại từ đầu
Vào ngày 23/8/2006, sau 3096 ngày bị giam giữ, Natascha thoát khỏi sự ngục tù khi đã 18 tuổi nhân lúc Priklopil không để ý.
Cảnh sát đã tiến hành xét nghiệm ADN và xác định cô gái chạy trốn ấy đích thực là Natascha Kampusch bị mất tích cách đây 8 năm.
Trong khi đó, Priklopil sau khi hay tin Natascha bỏ trốn đã lấy xe chạy trốn cảnh sát đến một trạm ga xe lửa ở ngoại ô Vienna. Kẻ bắt cóc điên loạn này đã nhảy vào đầu xe lửa tự tử.
Kể từ đó, Natascha bắt đầu cuộc hành trình bắt nhịp với cuộc sống mới sau một thời gian phải sống trong cảnh ngục tù.
Vào năm 2009, Natascha trở thành gương mặt đại diện của nhóm bảo vệ động vật PETA tại Áo. Vào tháng 6 cùng năm, cô đã viết thư cho bộ trưởng nông nghiệp Đức và yêu cầu trả tự do cho các động vật trong sở thú.
Cô viết: "Những con vật này nếu có thể cũng sẽ chạy trốn như tôi, bởi vì một cuộc sống bị giam cầm là một cuộc sống đầy thiếu thốn".
Tháng 9/2010, Natascha giới thiệu hồi kí đầu tay nhưng mang đầy kinh nghiệm thực tế của mình.
Cô trở nên mạnh dạn hòa nhập cộng đồng bằng việc trả lời báo chí, dẫn chương trình truyền hình “Trò chuyện với Natascha Kampusch”.
Cuốn sách 3.096 ngày sống trong “địa ngục” của cô gái bản lĩnh này đã đánh dấu sự hòa nhập thực sự với cộng đồng của Natascha.
Natascha với cuốn sách của mình.
Natascha đã tự tin hòa nhập với xã hội.
Vào ngày 28/2/2013, Natascha Kampusch đã tham dự buổi ra mắt một bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt.
Bộ phim này được sản xuất dựa trên quãng đời kéo dài 8 năm bị bắt cóc của cô. Bộ phim mang tên: Ác mộng 3.096 ngày, được phát hành khắp Châu Âu.
Vào năm 2016, Natascha đã phát hành cuốn sách thứ hai của mình với tiêu đề "10 năm tự do", kể lại hành trình hồi phục sau khi được giải thoát.
Đó là những tháng ngày cô phải đấu tranh quên đi ký ức đau thương bằng những đợt trị liệu tâm lý. Dần dần, cô đã lấy lại được cuộc sống của mình.
Thu nhập của cô cũng tăng lên đáng kể nhờ vào việc viết sách.
Hiện giờ, cô Natascha Kampusch đã bước sang tuổi 32, tưởng chừng như người phụ nữ xinh đẹp và mạnh mẽ này sẽ có một cuộc sống bình thường như cô hằng mong ước thì trên thực tế lại không hề như vậy.
Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí của Đức vào tháng 10/2019, Natascha cho hay cuộc sống thực tế vốn khắc nghiệt, buộc cô phải nhận ra rằng cơn ác mộng của mình chưa kết thúc.
Một cuốn sách khác của Natascha.
Hiện thực khắc nghiệt
Hơn 12 năm trôi qua kể từ khi được giải thoát, Natascha thừa nhận rằng cô vẫn không cảm thấy hoàn toàn được tự do.
Cô cho hay, dù có sự nghiệp riêng nhưng Natascha vẫn cảm thấy bị tổn thương bởi quá khứ đen tối của mình. Cô vẫn nhận được những tin nhắn tiêu cực của dư luận mỗi ngày nhắc nhở cô về thời kỳ khủng khiếp ấy.
Trong số rất nhiều tin nhắn tiêu cực được gửi đến từ người dùng mạng, có một số tin nhắn đặc biệt gây tổn thương.
Họ gọi cô là kẻ đạo đức giả, là một con người phù phiếm hoặc thậm chí có người còn mong cô hãy chết đi hoặc quay trở lại nơi giam cầm cũ.
Thậm chí có người còn cho rằng câu chuyện bị giam cầm 3096 ngày của cô chứa những chi tiết bịa đặt và đa phần đều bị thổi phồng quá lên.
"Họ nói rằng việc tôi bị giam cầm không hề tệ đến như vậy. Họ nói rằng tôi chỉ đang muốn kiếm tiền, trục lợi mà thôi.
Thậm chí, nhiều hội nhóm trên Facebook còn chế ra những câu chuyện cười về việc tôi bị nhốt ở dưới hầm như thế nào.
Chúng khiến tôi vô cùng đau lòng. Mọi người hành động như thể đó là việc tôi phải cảm thấy may mắn khi bị bắt nhốt như vậy", Natascha Kampusch chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
Thậm chí có có nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện. Họ thắc mắc tại sao Natascha đã không tìm cách chạy trốn khỏi căn hầm càng sớm càng tốt.
"Bạo lực mạng đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Thậm chí có những lúc tôi còn không muốn đi ra ngoài chỉ vì những lời nói gây tổn thương ấy.
Nhưng tôi không muốn mình bỏ cuộc và chính vì vậy, tôi phải nói lên những gì mà mình đang trải qua hiện tại", người phụ nữ cho hay.
Natascha đã cố gắng rũ bỏ quá khứ nhưng đôi khi cô cảm thấy khó khăn khi làm điều đó. Gần đây nhất, cô muốn bán ngôi nhà của kẻ bắt cóc mà cô đã được trao khi hắn qua đời cho một nhóm người tị nạn.
Tuy nhiên, những người hàng xóm và chính quyền địa phương không muốn cô làm như vậy. Cô vẫn phải trả tiền điện, nước, tiền thuế cho chính ngôi nhà mà cô từng bị giam giữ.
Nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay và những cơn ác mộng của Natascha cũng vậy.
Natascha hiện không có bạn trai nhưng đôi khi cô ấy vẫn tưởng tượng ra một ngày mình sẽ làm mẹ như thế nào. "Tôi luôn khao khát có một đứa con nhưng tôi phải sống thực tế hơn, điều đó không thể xảy ra vào lúc này", cô cho hay.
Natascha đang phải chiến đấu với hiện thực khắc nghiệt.
Mặc dù vậy, Natascha cho hay cô đang cố gắng tìm sự bình yên trong tâm hồn mình thông qua niềm đam mê cưỡi ngựa với con ngựa mang tên là "Loreley". Khi ở cùng Loreley, Natascha quên đi mọi thứ.
Khi cô cưỡi ngựa, Natascha cảm thấy quá khứ không còn quan trọng nữa, cô được giải thoát và thực sự được tự do.
"Làm bạn với một con ngựa thật dễ dàng, không phức tạp và mọi thứ đều tốt đẹp. Trong thế giới ngoài kia, tôi đã học được cách phớt lờ những sự căm ghét nhắm vào mình và chỉ thu nhận những điều tốt đẹp mà thôi", Natascha trải lòng.