Trong chuyến thăm bất ngờ tới thành phố Lviv, miền Tây Ukraine, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola ngày 5/3 hi vọng các cuộc đàm phán gia nhập khối của quốc gia Đông Âu có thể bắt đầu ngay trong năm nay. Bà đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ Ukraine nhằm đáp ứng các điều kiện của Liên minh châu Âu.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Roberta Metsola vì sự hỗ trợ dành cho Ucraina, đồng thời nhấn mạnh nước này đặt mục tiêu hoàn thành việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu càng sớm càng tốt để có thể bắt đầu đàm phán về việc gia nhập. Trái với Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên tới nay vẫn cho thấy sự thận trọng đối với hồ sơ xin gia nhập khối của Ucraina.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 5/3 một lần nữa tuyên bố, các nước phương Tây không phản đối việc Ucraina gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng Kiev sẽ cần đáp ứng một số yêu cầu.
Đây cũng là lập trường mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhiều lần nhấn mạnh: “Không có mốc thời gian cứng nhắc, nhưng có những mục tiêu mà các bạn phải đáp ứng được, chẳng hạn như cải cách để cải thiện tình hình ở quốc gia ứng cử viên để sau đó có thể bắt tay vào các cuộc đàm phán gia nhập”.
Trong một bước đi có tính biểu tượng cao, khối 27 quốc gia đã trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên vào mùa hè năm 2022 - một quyết định nhanh chưa từng có trong lịch sử Liên minh châu Âu. Tuy nhiên theo chuyên gia phân tích Richard Youngs tại Quỹ Carnergie về hòa bình quốc tế, để có thể trở thành thành viên chính thức, thì đây lại là một tiến trình không hề đơn giản. Ukraine sẽ phải tiến hành những cải cách sâu rộng để phù hợp với 35 chương đàm phán của Liên minh châu Âu.
“Đó là một quá trình rất dài và phức tạp, với nhiều giai đoạn. Liên minh châu Âu sẽ phải đàm phán trong nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau hay còn được gọi là các chương đàm phán. EU có thể quyết định làm mọi thứ chậm lại hoặc tăng tốc ở một mức độ nào đó nếu họ muốn nhanh chóng kết nạp Ukraine. Tuy nhiên như chúng ta đã thấy đối với trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước Balkans, đó có thể là một tiến trình lâu dài và mệt mỏi”, ông Youngs nhận định.
Thực tế việc kết nạp Ukraine từ lâu đã là vấn đề không nhận được sự đồng thuận giữa các nước thành viên. Trong khi một số lo ngại sự cân bằng quyền lực đang dịch chuyển về phía đông, thì số khác, trong đó có Đức và Hà Lan lại không muốn bị gia tăng gánh nặng về kinh tế. Hơn nữa, nếu Ukraine gia nhập EU trong thời điểm đang xảy ra xung đột, EU sẽ trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, như được quy định trong Điều khoản phòng vệ lẫn nhau của Hiệp ước Lisbon./.