Nô đùa ở bể bơi chung cư, bé trai 12 tuổi bị ngã xuống nước rồi chết đuối thương tâm

Huyền Nguyễn |

Ngay cả những đứa trẻ đã lớn, nguy cơ chết đuối vẫn có thể xảy ra và đó là điều cha mẹ nên cực kỳ lưu tâm khi để trẻ chơi đùa bên bể bơi.

Cho dù là vào những kỳ nghỉ hay chỉ là dạo chơi cuối tuần, bể bơi luôn là địa điểm được trẻ yêu thích. Tuy nhiên nếu để trẻ tự chơi, nhất là khi bể bơi khá sâu hoặc con bạn chưa biết bơi lại tiềm ẩn vô vàn nguy cơ.

Với vai trò là phụ huynh, chúng ta không những phải để mắt tới trẻ nhỏ mà còn cần giám sát cẩn thận với cả những trẻ lớn hơn. Mới đây tại Bedok, Singapore đã xảy ra vụ chết đuối thương tâm của một cậu bé 12 tuổi.

Bé trai 12 tuổi chết đuối thương tâm ở bể bơi chung cư

Nô đùa ở bể bơi chung cư, bé trai 12 tuổi bị ngã xuống nước rồi chết đuối thương tâm - Ảnh 1.

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được thảm kịch trẻ bị đuối nước ở bể bơi (Ảnh minh họa).

Tại bể bơi thuộc chung cư Waterfront Gold (nằm trên đường Bedok Reservoir, Singapore) một cặp song sinh 12 tuổi đang chơi vật nhau vui vẻ. Trong lúc vui đùa, cậu bé và anh trai bị mất thăng bằng và rơi xuống chỗ nước sâu của bể bơi.

Cảnh sát được thông báo về vụ tai nạn đuối nước này vào khoảng 2 giờ 30 chiều 10/12. Đại diện sở cảnh sát cho biết, cậu bé đã được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Changi trong tình trạng bất tỉnh.

Nhưng điều xấu nhất đã xảy ra: do mức độ nghiêm trọng của chấn thương, cậu bé đã không qua khỏi.

Tờ Straits Times đưa tin, cặp song sinh thời điểm đó đang tới chơi nhà ông bà. Người ông đã cố gắng cứu mạng cháu trai mình nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. 

Ngoài ra trên cơ thể bé trai xấu số, người ta cũng phát hiện dấu vết của máu. Tuy nhiên, không thể xác định nguyên nhân chính xác là gì. Hiện tại, cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra. Vụ tai nạn đuối nước trên được xếp vào danh sách những trường hợp tử vong bất thường.

Tai nạn trẻ đuối nước ở bể bơi chung cư phổ biến hơn so với hình dung của nhiều người

Nô đùa ở bể bơi chung cư, bé trai 12 tuổi bị ngã xuống nước rồi chết đuối thương tâm - Ảnh 2.

Trẻ lớn tuổi vẫn có thể gặp tai nạn đuối nước (Ảnh minh họa).

Một báo cáo năm 2016 của Bệnh viện Trẻ em và Phụ nữ KK (Singapore) đã cho thấy một thực tế đáng lo ngại: ngày càng có nhiều trẻ em bị ngã xuống bể bơi và gần như đuối nước.

Trong vòng 5 năm gần đây (2011-2016), có tổng cộng 104 trường hợp như thế xảy ra. Trong số đó, có 10 nạn nhân đã thiệt mạng.

So với giai đoạn 5 năm trước đó, số tai nạn trẻ bị đuối nước ở bể bơi chung cư có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, trước đó, hồ sơ ghi nhận 5 trường hợp trẻ suýt đuối nước và 12 trường hợp tử vong.

Theo báo cáo mới đây nhất, phần lớn các vụ tai nạn trên liên quan tới trẻ 1-6 tuổi. Tất cả trường hợp tử vong đều xảy ra ở bể bơi tư.

Làm thế nào để ngăn ngừa các vụ trẻ em đuối nước?

Luôn có một người lớn ở ngay bên và để mắt tới trẻ

Đây là việc lúc nào cũng phải thực hiện. Không bao giờ xao nhãng việc trông trẻ, dù chỉ vài giây. Bởi tình huống chuyển xấu một cách rất nhanh và bất ngờ.

Không áo phao thì không bơi – dù chỉ là chơi đùa bên cạnh bể bơi

Phớt lờ nguy cơ đuối nước là mối hiểm hoạ thực sự và hậu quả có thể chính là tử vong vì đuối nước.

Nô đùa ở bể bơi chung cư, bé trai 12 tuổi bị ngã xuống nước rồi chết đuối thương tâm - Ảnh 3.

Cha mẹ hãy trau dồi kỹ năng sơ cứu và hô hấp nhân tạo để có thể giúp đỡ khi trẻ không may gặp nạn ở bể bơi (Ảnh minh họa)

Không mặc định rằng con bạn được an toàn dù chúng biết bơi

Phần nhiều các trường hợp đuối nước xảy ra với trẻ đã học bơi. Nó cũng có thể xảy ra với những đứa trẻ lớn hơn khi bị ngã xuống bể bơi, trẻ quá hoảng loạn và quên hết mọi thứ đã học.

Giúp trẻ học về các kỹ năng an toàn khi bơi

Dạy trẻ cách thư giãn trong nước, cách nín thở dưới nước trong các trường hợp khẩn cấp. Sẽ rất có ích nếu trẻ có thể học cách hồi phục hơi thở và bơi về phía cạnh bể khi bắt đầu đuối nước. Điều này đặc biệt hữu ích nếu trẻ đi bơi mà bạn không hay biết.

Thực hiện hồi sức tim phổi cho trẻ khi bất tỉnh vì đuối nước

Nếu bạn từng có kiến thức hay được đào tạo về CPR - hồi sức tim phổi, bao gồm thông khí cứu nguy và đủ tự tin để thực hiện, bạn nên kết hợp ấn lồng ngực và thông khí cứu nguy. Sau đây là cách làm:

1. Đặt phần gót bàn tay lên vị trí chính giữa ngực nạn nhân rồi đặt bàn tay còn lại lên trên rồi ép xuống 5-6cm theo nhịp đều đặn 100-120 lần ép/phút.

2. Cứ sau 30 lần ép ngực, thực hiện 2 lần thông khí cứu nguy (thổi hơi).

3. Nghiêng nhẹ đầu nạn nhân rồi nâng cằm trẻ lên bằng 2 ngón tay. Bóp mũi nạn nhân. Áp miệng bạn vào miệng trẻ và thổi hơi vào một cách từ từ, dứt khoát trong khoảng 1 giây. Kiểm tra xem ngực nạn nhân có phồng lên. Thực hiện 2 lần thông khí cứu nguy.

4. Tiếp tục với chu kỳ 30 lần ép ngực và 2 thông khí cứu nguy (thổi hơi) cho tới khi nạn nhân bắt đầu hồi tỉnh hoặc xe cứu thương tới.

Nguồn: Parent, Strait Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại