Sau khi giá cao su tăng liên tục từ năm 2006, phong trào trồng cao su đã lan rộng khắp các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ các tên tuổi truyền thống thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam mà những “tay mơ” như Quốc Cường Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Gemadept, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)…cũng khá hào hứng với loại cây được mệnh danh “vàng trắng” này.
Chỉ trong thời gian ngắn, HAGL đã mở rộng quỹ đất trồng cao su lên tới hàng chục nghìn ha, trải rộng khắp Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2011, giá cao su lên đỉnh gần 6.000 USD/tấn, trong khi giá vốn chỉ khoảng 850 USD/tấn, Bầu Đức tự tin nói rằng “bán nhà cũng trồng cao su”.
Năm 2012, lứa cao su đầu tiên của HAGL được khai thác và đem về cho tập đoàn này 46 tỷ đồng doanh thu. Đến năm 2013, doanh thu từ cao su đã lên tới 240 tỷ đồng, chiếm 9% tổng doanh thu tập đoàn. Lợi nhuận gộp từ cao su trong năm 2013 lên tới 165 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 69%.
Có thể nói, năm 2013 là đỉnh cao của HAGL trong lĩnh vực cao su bởi ngay sau đó, mảng kinh doanh từng được kỳ vọng trở thành “mỏ vàng” của HAGL bỗng chốc trở thành gánh nặng khi giá cao su không ngừng lao dốc và có thời điểm xuống mức 1.000 USD/tấn.
Giá cao su giảm sâu đến mức HAGL gần như không dám khai thác dù đã có thể cạo mủ bởi nếu không sẽ thêm lỗ. Báo cáo KQKD 9 tháng đầu năm 2016 cho biết, doanh thu cao su HAGL giảm mạnh chỉ còn 51 tỷ đồng, trong khi giá vốn đã lên tới 87 tỷ đồng.
Điều này có nghĩa hoạt động khai thác cao su trong 9 tháng đầu năm lỗ 36 tỷ đồng, con số đã cho thấy sức ảnh hưởng nặng nề của việc giá cao su giảm sâu.
KQKD mảng cao su HAGL lao dốc vì giá cao su sụt giảm
Cũng như cao su, một mảng kinh doanh khác của Bầu Đức cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi giá hàng hóa giảm sâu, đó là dầu cọ. Năm 2012, HAGL bắt đầu trồng thử nghiệm 4.000 ha cọ và đến năm 2015, diện tích cọ đã lên tới gần 30.000 ha.
HAGL từng đánh giá, 1 ha cây cọ mang lại lợi ích kinh tế hơn hẳn 1 ha cao su do thời gian đầu tư của cây cọ chỉ 30 tháng kể từ khi trồng, bằng 1/2 so với cao su.
Tuy vậy, điểm đáng nói là năm 2011, giá dầu cọ ở vùng đỉnh 1.100 USD/tấn thì đến cuối năm 2015, giá dầu cọ đã xuống dưới 500 USD/tấn.
Mặc dù quy mô cọ hiện chưa lớn bằng cao su, tuy nhiên việc giá dầu cọ giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ tới những kế hoạch phát triển tập đoàn nông nghiệp của Bầu Đức.
Giá dầu cọ thế giới giảm mạnh sau khi tạo đỉnh vào năm 2011
Niềm vui những ngày cuối năm
Trong năm 2016, giá hàng hóa nguyên liệu trên thế giới đã phục hồi ấn tượng và cao su, dầu cọ cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Tính tới ngày 12/12, giá cao su trên sàn Tocom đã lên sát mốc 260 yên/kg, tăng khoảng 75% so với mức đáy thiết lập hồi đầu năm.
Theo dự báo của các chuyên gia, đà tăng của cao su thiên nhiên sẽ không dừng lại khi được hưởng lợi từ yếu tố thời tiết không thuận lợi, giá dầu hồi phục và nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh.
Cần lưu ý, giá bán ra của các doanh nghiệp thường có độ trễ nhất định so với giá cao su thế giới. Do đó, việc giá cao su thế giới đang hồi phục mạnh trong năm 2016 được kỳ vọng giúp giá cao su bán ra của các doanh nghiệp trong nước được cải thiện trong thời gian tới.
Mới đây, HAGL ra thông báo tuyển thêm 200 kỹ thuật viên khai thác cao su và đây thực sự là tín hiệu tích cực cho thấy Bầu Đức đã sẵn sàng trở lại với loài cây này.
Giá cao su thế giới hồi phục mạnh trong những tháng cuối năm 2016
Tương tự cao su, giá cọ dầu cũng hồi phục tích cực và hiện đang ở mức 651 USD/tấn, tăng 35% so với giá đáy trong năm 2015.
Với việc nhà máy chế biến dầu cọ tại Campuchia đi vào vận hành trong năm 2016, cùng với nhà máy tại Lào sẽ đi vào vận hành trong năm 2017, mảng kinh doanh này của HAGL cũng được kỳ vọng sẽ trở nên khả quan hơn.
Sau những năm dài chịu nhiều áp lực khi giá hàng hóa nguyên liệu giảm sâu, có thể nói niềm vui đang dần trở lại với Bầu Đức.
Trên TTCK, cổ phiếu HAGL (HAG) hay HAGL Agrico (HNG) dù chưa thực sự thoát khỏi vùng đáy nhưng những tín hiệu phục hồi gần đây đã cho thấy nhà đầu tư đang dần quan tâm trở lại với công ty của Bầu Đức.
Cổ phiếu HNG đang dần hồi phục trong thời gian gần đây