Niềm tự hào của không quân: Có MiG-31, kẻ địch khiếp sợ!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Chả hề ngẫu nhiên, các chuyên gia tính rằng, 4 chiếc MiG-31 có khả năng kiểm soát khu vực rộng 800 x 900km phía trước, không tốp máy bay tiêm kích nào trên TG có thể làm được.

Bầu trời quốc gia Nga rộng lớn, nhiều thập kỷ qua được bảo vệ tin cậy nhất, từ một loại máy bay phòng không chiến lược, có thể đánh chặn bất kỳ vật thể bay nào, kể cả tên lửa hành trình cho đến vệ tinh, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm ở bất kỳ tốc độ nào. Đó là MiG-31 "Foxhound - chó săn chồn.

Đã có nhiều lời bàn tán về loại máy bay cự phách mới trong phòng không chiến lược của Nga, như MiG-41 sẽ ra đời trong nay mai… Trong khủng hoảng chung của Liên bang, nước này vẫn cần đến MiG-31 tới hơn 10 năm nữa. Người Nga làm thế nào để MiG-31 đảm đương được "gánh nặng" này.

Giải đoán và sự thật

Mikoyan MiG-31 là một máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển để thay thế cho MiG-25, hoàn thiện dây chuyền năm 1981 tại nhà máy hàng không Sokol ở Gorky (nay là Nizhny Novgorod). Những chiếc đầu tiên được đưa ngay vào trang bị trong Quân chủng Phòng không Xô Viết (PVO).

Viktor Belenko, một thượng uý phi công đào ngũ đến Nhật Bản vào năm 1976 cùng với chiếc MiG-25 của Nga.

Belenko đã hèn hạ mô tả một mẫu máy bay "Super Foxbat" của Nga sắp xuất hiện. Belenko nói: Nó sử dụng 2 phi công, loại máy bay này có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.

Cùng với các tin tình báo chiến lược… lập tức Mỹ điều khiển vệ tinh do thám của mình "cắt lớp" từng thay đổi trên các sân bay Nga, nhất là vùng Trung Nga.

Niềm tự hào của không quân: Có MiG-31, kẻ địch khiếp sợ! - Ảnh 1.

Quả không uổng, một vệ tinh gián điệp đã phát hiện ra hình dạng MiG-31, tại trung tâm thử nghiệm bay Zhukovsky gần thị trấn Ramenskoye. Sau đó ít lâu, một phi công Na Uy trên vùng biển Barents năm 1985 đã chụp được một tấm ảnh đầu tiên về MiG-31.

Các chuyên gia hàng không của Mỹ đã nhận ra 2 cửa hút hình chữ nhật, hai cánh đứng của nó cùng đường chéo trên các cạnh của thân. Đó là cấu hình giúp cho máy bay tính ổn định tốt, khi nó bay thấp và bay cao. Cố nhiên, Mỹ cũng suy đoán, với động lực kép là hai động cơ, chắc chắn nó rất khoẻ.

Trang Globalsecurity (An ninh toàn cầu) sau này còn năm chắc và tiết lộ, vật liệu hàng không mà MiG-31 được chế, so với Mig-25 (lượng thép niken trong khung thân) giảm từ 80% chỉ còn 49%. Còn lại MiG -31 được chế bằng hợp kim nhôm 33%, titan 16%, và 2% là composit…

Đúng! Moscow đã quyết định chế tạo một loại máy bay chiến lược có khả năng giám sát vùng trời cực rộng trên độ cao lớn của Nga một cách nhanh chóng. Khi bề mặt lãnh thổ, chỉ riêng nước Nga đã là 17 triệu km2, trải dài 9 múi giờ.

Để thiết kế nó chắc chắn, bay nhanh, bay cao, bay xa, trọng lượng máy bay giảm là vấn đề lớn.

Một báo cáo tại Duma Nga rằng, nước Nga có hơn 60 nghìn km đường biên giới. Radar phải căng sóng ngày đêm trong hàng chục ngàn cây số. Phát hiện ra máy bay lạ sớm, từ xa, phải có máy bay nhanh cơ động tới khống chế, yêu cầu làm chủ cả tầng cao và thấp, thì phải là MiG-31.

Với các sĩ quan Liên xô và Nga, tiêm kích "Foxhound" (Chó săn chồn) MiG-31 thật sự là niềm tự hào. MiG-31M, ở tốc độ bay cực đại, nó nhanh hơn bất kỳ máy nào trên thế giới.

Cánh và khung máy bay của MiG-31 được gia cố khỏe hơn so với MiG-25, nên ở tầng không gian cao, nó bay "quá nhanh" đạt Mach 2.83 (3,000 km/h).

Ở độ cao thấp nó vẫn có thể bay với vận tốc siêu âm với Mach 1.2 (1,500 km/h). Điều mà rất nhiều máy bay chặn kích thèm muốn. Tuy nhiên, MiG-31 không được thiết kế cho cận chiến và quay trở nhanh. Chức năng đánh quần vòng, tốc độ chậm thích hợp với dòng MiG-29 và Su-27…

Với nhiệm vụ khẩn trương, cần chiến đấu xa khoảng 720 km, MiG-31 bay với tốc độ Mach 2,35. Còn khi bay tuần tiễu (nhiệm vụ thường xuyên) nó có thể hoạt động xa 3.300 km. Với trần bay đạt 20.600 m, vận tốc leo cao của nó lại đáng nể (208 m/s), nên MiG-31 dư sức làm chủ vùng không gian cao và vùng trời rộng lớn.

Thật kinh ngạc, năm 1977, phi công thử nghiệm người Nga Fedotov đã bay MiG-31 vọt lên tầm cao không gian, đạt kỷ lục thế giới 37.650m. Máy bay MiG-31 đã thiết lập 29 kỷ lục thế giới.

Năm 2015, lần đầu tiên phi công MiG-31BM đã thực hiện chuyến bay đêm liên tục 6 giờ, qua chặng đường hơn 4.000 km. Máy bay đã được tiếp nhiên liệu trên không 3 lần, từ sân bay "Domna" (vùng Ngoại Baikal) đến sân bay "Sokol" (vùng Perm, Trung Nga).

Niềm tự hào của không quân: Có MiG-31, kẻ địch khiếp sợ! - Ảnh 2.

Thấy trước đối phương

Đầu năm 2016 mới đây, thật tài tình, phi công MiG-31 của Quân khu trung tâm (CVO) Nga, vừa thực hiện một chuyến MiG-31BM, tổng cộng đoạn đường 8.000km, liền một mạch trong bảy giờ, bốn phút. Phá vỡ mọi kỷ lục về thời gian từ các chuyến bay không dừng.

Phát ngôn viên Raschupkin của (CVO) bộc bạch: "Chuyến bay này là dài nhất trong toàn bộ lịch sử hoạt động 36 năm của MiG-31.

Đó là tiêu chuẩn của máy bay hiện đại ngày nay, mà MiG-31 đã sớm có từ 2 thập kỷ. MiG-31 được coi là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới được trang bị radar "quét mạng pha điện tử bị động" Zaslon S-800.

Tầm thám sát tối đa của nó, đối với các mục tiêu có kích thước như máy bay chiến đấu xấp xỉ 200 km. Radar này có thể theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu trong số đó với tên lửa Vympel R-33.

Radar Zaslon S-800 tích hợp với hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST) đặt trong bộ phận có thể thò ra thụt vào dưới mũi máy bay. Một phi đội 4 chiếc MiG-31 bay tuần tra có thể thông tin với nhau qua đường truyền dữ liệu, radar kiểm soát nhờ phi công ngồi sau.

Thời chiến tranh Lạnh, chiếc MiG-31 của Đại tá Myagkiy đã phá vỡ bức tường âm thanh ở độ cao 8.000 m. Sau khi lên tới độ cao 16.000 m, MiG-31 đã khóa vào mạch ngắm hồng ngoại chiếc SR-71 trinh sát Mỹ, trên radar cho thấy, mục tiêu đang cách họ 120 km.

Ở độ cao 20.000 m, máy tính thông báo lệnh "tấn công". Chiếc SR-71 Blackbird lúc đó đang bay phía trên máy bay mà phi công Myagkiy điều khiển khoảng 2km.

Nhưng lúc này nó đã ở ngoài không phận Nga. Thực tế là không có cơ hội nào để chiếc máy bay (SR-71) có thể tránh một tên lửa R-33", Đại tá Myagkiy nói.

Trong một diễn biến khác, vào ngày 3-6-1986, Nga đã lệnh tới 6 chiếc MiG-31 lên đánh chặn SR-71 trên vùng biển Barents làm cho SR-71 phải chịu một cuộc tấn công từ tất cả các góc.

Sau vụ 6 máy bay MiG-31 bao vây SR-71, nó (SR-71) đã không bao giờ dám bén mảng tới gần biên giới Liên Xô. 3 năm sau (1989), CIA đã hủy bỏ chương trình SR-71.

Đến tận ngày nay, MiG-31 vẫn được Nga dùng trong những lần xua đuổi máy bay nước ngoài khi áp sát không phận Nga.

Mới đây nhất là ngày 21-4-2016, một chiếc MiG-31 đã chặn máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ và hộ tống áp sát P-8 Poseidon ở khoảng cách 15 mét trên bầu trời Kamchatka.

Sau khi SR-71 của Mỹ thôi bay, mặc nhiên MiG-31 là dòng chiến đấu cơ đánh chặn bay nhanh nhất thế giới.

Tháng 8-1995, MiG-31M đã được trưng bày ở MAKS-95 tại Zhukovsky và gây ra sự chú ý lớn. Bởi lẽ tiêm kích Rafale của Pháp và Typhoon của châu Âu ra đời sau MiG-31 hàng chục năm nhưng tầm bay và trần bay của 2 loại tiêm kích này tỏ ra thua kém hơn tiêm kích Nga.

Cụ thể, trong khi trần bay tối đa của Typhoon là trên 19.000 m, Rafale là 18.000 m thì đối với MiG-31 đạt trần bay lên tới gần 21.600 m.

Vẫn còn "dư địa" sử dụng trên 10 năm nữa

Tổng giám đốc công ty MIG Sergey Korotkov, từng cho biết, phiên bản MiG-31 hiện đại hóa hiện nay sẽ bảo vệ nhà nước từ bầu trời, chúng sẽ phục vụ đến năm 2026. Tuy xuất hiện cách đây hơn ba thập kỷ nhưng MiG-31 vẫn tiếp tục dẫn đầu với nhiều chỉ số.

Ưu thế hàng đầu của MiG-31 là tốc độ và liên lạc điện tử giữa các máy bay trong chuyến bay. Cụm các chiến đấu cơ làm nhiệm vụ có khả năng giám sát 600 km biên giới, mang theo nhiều loại tên lửa. Nó có thể đóng vai trò chỉ huy báo động sớm và tự hoạt động xa, mà không cần lực lượng hỗ trợ.

Ngoài ra các chuyên gia dự kiến rằng, chỉ có duy nhất MIG-31 có đủ khả năng để phát triển tốc độ lên tới 6.000 km/giờ! Số lượng máy bay này được trang bị trong Không quân Nga khoảng 190 chiếc.

Tới nay, MiG-31 đã nâng cấp sâu, MiG-31BM đã được lắp động cơ D-30F6M, mang thêm được 300 lít nhiên liệu, hệ thống điều khiển số, thêm 2 giá treo tên lửa, trọng lượng tối đa lên tới 52.000 kg, có khả năng điều khiển tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc, cả trên không, mặt đất, mặt biển.

Hệ thống đồng hồ đo được thay thế bởi màn hình hiển thị tinh thể lỏng (LCD) đa chức năng (MFDs) hiện đại. MiG-31 có phiên bản mang tên lửa chống vệ tinh chuyên dụng, là MiG-31D và MiG-31A. MiG-31 mới còn lắp hệ thống đối phó điện tử được nâng cấp và các POD gây nhiễu thế hệ mới tùy chọn treoowr đầu cánh.

MiG-31E lắp radar RP-31E mảng pha tiên tiến, là phiên bản được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu trên không ở độ cao rất thấp và rất cao ở cả bán cầu sau, trong cả ban ngày và đêm khi đối thủ gây nhiễu chủ động và thụ động. Vũ khí của MiG-31E bao gồm tên lửa P-33E đạt Mach 3.5, rất hiệu quả khi đánh mục tiêu tốc độ cao.

Phiên bản MiG-31M, MiG-31D và MiG-31BS cũng lắp radar nâng cấp (PESA) với ăng-ten to và phạm vi dò tìm lớn hơn với mục tiêu là máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

Trong chiến tranh, AWACS của Mỹ thường bay lởn vởn an toàn ở ngoài vùng không chiến. Bây giờ thì nó phải dè chừng MiG-31.

"Tin xấu" cho nó, phiên bản máy bay MiG-31BM mới nhất, đã thay thế hoàn toàn hệ thống điện tử, đặc biệt là việc lắp đặt một radar mới "Barrier-M" phát hiện được 24 mục tiêu ở khoảng cách 320km và có thể tiêu diệt 6 mục tiêu ở khoảng cách tối đa 280km bằng tên lửa không đối không R-37, tốc độ 6 Mach.

Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia chiến lược tính rằng, với 4 chiếc MiG-31, phi công Nga có khả năng kiểm soát khu vực rộng phía trước 800 x 900km. Điều mà cho tới nay không có tốp máy bay của bất kỳ loại nào trên thế giới có thể làm được.

Hiện Nga vẫn còn khoảng 100 chiếc MiG-31 đang hoạt động. Đến năm 2020, 60 chiếc MiG-31 sẽ được nâng cấp thành MiG-31BM.

Theo trang VPK, Nga: Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã báo cáo 12 mục tiêu thiết yếu khi chiến tranh tấn công bằng bom, thì chính phủ nước Nga sẽ sụp đổ. Trong số đó hai nhà máy điện lớn nhất thế giới của Nga tại Surgut Gres (Сургутская ГРЭС) vùng xa xôi Siberia.

Ông Vyacheslav Tetekin, thành viên của Ủy ban Duma về Quốc phòng, năm 2013 cho rằng: "Tại thời điểm này, MiG-31 là máy bay chiến đấu duy nhất, có khả năng bảo vệ cho không phận của Nga tại khu vực Siberia và Bắc Cực, bao gồm cả các cơ sở công nghiệp dầu khí và các hệ thống vận chuyển năng lượng.

Đến đây thì người đọc có thể lý giải, vì sao MiG-31 lại được nước Nga tin tưởng, tiếp tục chọn, chuyên chiến đấu tại các vùng trời xa căn cứ, như Siberi, Viễn Đông hoặc biên giới (Bắc Cực) của Nga.

"Máy tính bay" giả lập

Không còn nghi ngờ về tính năng bay nhanh, bay xa, bay cao và tác chiến hiệu quả của MiG-31. Nhưng đội ngũ phi công cho hàng trăm MiG-31 thì Nga đã có sẵn?

Báo Sao Đỏ Nga, giữa tháng 7 năm nay vừa bộc lộ, bên cạnh các bài bay phức tạp do các giáo viên MiG-31 huấn luyện, các phi công trẻ ở các trung đoàn bay của Nga giờ đây đã có thê huấn luyện ngay tại trung đoàn, trên các cabin rèn luyện kỹ năng chiến đấu.

Đó là hàng loạt thiết bị bay mô phỏng MiG-31, vừa được lắp đặt. Chúng là các "máy tính bay" giả lập. Nơi tạo ra những tình huống trên không "cao hơn thực chiến" để rèn luyện cho đội ngũ phi công Mig-31.

Tại trung đoàn MiG-31 tại vùng Kamchatka, các chuyến bay ảo được cài đặt tối đa phần mềm đối kháng với máy bay "địch". Bây giờ, các phi công có cơ hội được đào tạo không chiến và thử nghiệm sử dụng vũ khí thành thục gần với thực tế.

Các nhà khoa học máy tính quân sự Nga nói: Hầu như không có giới hạn khi mô phỏng một tình huống chiến đấu, phát triển hành động trong những tình huống khẩn cấp.

Trung tá Sergey Koderle, của phi đội MiG-31 ở Viễn Đông nói: Sự phức tạp của mô phỏng hàng không trước đây không đáp ứng yêu cầu hiện đại để đào tạo phi công máy bay chiến đấu. Giờ đây, những vấn đề này đã được san bằng.

Bằng chứng là các phi công trẻ hoàn thành nhiều bài tập chiến đấu bao gồm cả việc sử dụng tên lửa "thật", nâng cao tính chuyên nghiệp.

Đại diện của BTL chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Dave Benham, nói về vụ MiG-31 Nga áp sát máy bay trinh sát Mỹ P-8 Poseidon, hồi tháng 4 vừa qua, rằng MiG-31 đã tiếp cận máy bay Mỹ một cách "an toàn và chuyên nghiệp"

Cũng theo Trung tá Sergei Koderle, với giả lập cũ, đồ hoạ chỉ phản ánh 12 km cảnh đồ chiến đấu. Bây giờ phi công nhìn thấy hình ảnh ở một khoảng cách lớn hơn nhiều.

Phi công trưởng kíp và hoa tiêu MiG-31 là Aleksandr Surmin và Sergey Ushakov thường xuyên tổ chức các chuyến bay giả lập trên cabin hang chục giờ. Alexander Surmin cho rằng: Đây là một cơ hội tuyệt vời để phi công MiG-31 thực hành các kỹ năng chiến đấu, vượt qua tình huống khó khăn.

Được biết, để MiG-31 hoạt động tốt trong 10 năm nữa, sau Hội nghị điều trần, tại Duma Nga tháng 4 năm 2013, với nội dung "Cần thiết, hay không cần thiết giữ lại máy bay đánh chặn tầm xa MiG-31", cả nước Nga đã quan tâm đến MiG-31.

Chính phủ đã chi số tiền lớn, các nhà máy quốc phòng đã khởi động trở lại nhiều dây chuyền, trong đó có các thiết bị điện tử "thuần Nga" lần đầu được thử nghiệm.

Tổng giám đốc của RAC "MiG" Sergei Korotkov khẳng định rằng, sự hợp tác để nâng cấp dòng máy bay này có tới 180 công ty tham gia.

Với những cứ liệu trên, có thể khẳng định, dòng chiến đấu cơ MiG-31 "Foxhound" (chó săn chồn) Nga đang bước vào tuổi 36 thật mạnh mẽ. Xứng đáng thiên chức lực lượng phòng không chiến lựơc tin cậy của nước Nga rộng lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại