S-400 - Hệ thống tên lửa phòng không siêu việt
S-400 Triumf (tiếng Nga: C-400 «Триумф», định danh NATO: SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm cao đa năng do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz (LB Nga) phát triển từ 1/1990 dưới mật danh S-300 PMU-3 (về sau đổi thành S-400), được sản xuất loạt và đưa vào trang bị năm 2007.
S-400 khác biệt với các phiên bản S-300 ở những nâng cấp sâu hơn về các thiết bị điện tử và tích hợp các loại tên lửa mới tầm hoạt động 40 - 400 km để tấn công các loại mục tiêu khác nhau, có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có chế áp điện tử cao.
Cấu phần và tính năng tổ hợp phòng không S-400. Nguồn: pmissile124.rssing.com
Tổ hợp S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600km ở độ cao 40-50km; theo dõi đồng thời 300 mục tiêu khác nhau và chỉ bằng một lần phóng, bắn hạ 36 mục tiêu di chuyển với tốc độ lên tới 4.800 m/giây; tiêu diệt khí cụ bay ở khoảng cách tới 400km, tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60km; số lượng tối đa mục tiêu có thể đồng thời đánh chặn: 80; số lượng tên lửa có thể đồng thời triển khai: 160; thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu: 3 phút.
Là một tổ hợp tên lửa đa tầm, S-400 có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km cũng như các mục tiêu bay cách mặt đất chỉ 5-10m - điều không hệ thống tên lửa phòng không nào có thể làm được.
Với hệ thống radar có thể phát hiện cả máy bay tàng hình, mục tiêu của S-400 là các máy bay ném bom chiến lược, tác chiến điện tử, trinh sát, cảnh báo sớm, tiêm kích, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo…
Với tên lửa tầm xa mới 40N6E và hỗ trợ của radar ngoài đường chân trời (hoặc máy bay cảnh báo sớm), hoặc radar thế hệ mới, S-400 cũng có thể tấn công mục tiêu ngoài đường chân trời và đánh chặn vệ tinh ở quỹ đạo gần Trái Đất.
Tổ hợp này có thể kết nối với radar giám sát không gian tầm xa, phối hợp tác chiến với các tổ hợp khác như S-300, Pantsir và những tổ hợp phòng thủ mặt đất khác.
Các tổ hợp S-400 có thể hoạt động trong khoảng nhiệt độ từ âm 45°C đến 50°C, vượt hố nước sâu 1,4m và rộng 2m, có khả năng hoạt động được ở mọi nơi trên toàn thế giới.
Tổ hợp này vẫ hoạt động tốt sau khi được để đông lạnh đến âm 45°C trong khi cả tiêm kích F-35 và máy bay P-8A đều có nguy cơ trở thành vô dụng khi bị đông cứng (nếu không dùng loại hóa chất làm tan băng urea (gây hại môi trường) để bảo vệ vào mùa đông). Nga sẽ bố trí S-400 đồn trú tại địa điểm chiến lược Bắc Cực - nơi đóng góp 15% GDP của Nga trong tương lai.
So với hệ thống MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số: thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi nhiều hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).
Được the Economist đánh giá là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới năm 2017, S-400 là món hàng bán chạy nhất của Moscow, cũng là ‘cơn ác mộng thực sự’ đối với NATO - nhà báo Kramper viết trên tờ Stern của Đức.
Tổ hợp S-400 của Nga đã được lên kế hoạch chuyển giao tại 13 quốc gia khác nhau, trong khi các hệ thống Patriot của Mỹ hiện chỉ được sử dụng tại 11 quốc gia.
Được ký vào cuối năm 2017, thỏa thuận Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 2,5 tỷ USD để Moscow cung cấp các hệ thống S-400 cho Ankara vào tháng 7/2019 là chỉ dấu cho thấy, chất lượng của hệ thống phòng không này đã thuyết phục được khách hàng theo 4 yêu cầu chính: giá cả, ưu thế về công nghệ, sản xuất nhanh chóng, và giao hàng không cần điều kiện ràng buộc ban đầu.
S-400 trong buổi huấn luyện dã ngoại. Nguồn: ausairpower.net
Sự hiện diện của chỉ một sư đoàn S-400 của Nga đã khiến cho các chiến đấu cơ của phương Tây không thể kiểm soát bầu trời Syria, với 4 sư đoàn S-400, tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải sẽ gia tăng mạnh.
Nhờ tầm hoạt động và hỏa lực của của S-400, vị thế địa-chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ được cải thiện. Khác với các hệ thống phòng không của Mỹ ở chỗ có thể sử dụng chống lại bất kỳ đối phương nào, S-400 được xem là tiên tiến hơn hệ thống Patriot trong khi giá lại rẻ gần một nửa.
Sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng S-400, Mỹ và các đồng minh phương Tây không giấu nổi sự lo lắng và đã tìm mọi cách để phá. Giới chức NATO và Mỹ tin rằng, hợp đồng S-400 giữa Moscow và Ankara thành công sẽ là cơ hội mở đường cho Nga tiếp cận, tìm hiểu về các thiết bị quân sự của phương Tây, đặc biệt là các chiến đấu cơ F-35.
Trong khi một số nước NATO khác (Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia) vẫn đang sử dụng các hệ thống S-300, Mỹ đã cương quyết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ việc mua S-400, viện cớ các tổ hợp này không tương thích với bất cứ hệ thống phòng không nào của NATO, nếu tìm cách liên kết S-400, sẽ làm lộ công nghệ của NATO để phía Nga cải tiến và đổi mới S-400 - mối nguy hiểm cho nền quốc phòng phương Tây…
Washington đã đe dọa sẽ không bán các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ankara (cho dù, Thỏa thuận về chương trình F-35 đã được ký kết giữa 9 nước, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép một bên đơn lẻ có quyền loại một bên khác ra khỏi dự án), xem xét lại việc hợp tác với Ankara trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hoặc thực hiện thêm các lệnh trừng phạt theo Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA) năm 2017.
Lầu Năm Góc đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ, các phi công đang học lái F-35 sẽ phải rời Mỹ trước ngày 31/7 và phía Mỹ sẽ không tiếp nhận đào tạo phi công mới, thỏa thuận với một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất linh kiện (của thân máy bay F-35, thiết bị hạ cánh và màn hình buồng lái) cho F-35 sẽ bị hủy. Nhà Trắng dự định đưa ra 3 gói trừng phạt bổ sung đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 do mua các tổ hợp S-400.
Gần đây, Quốc hội Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về quyết định của New Delhi mua 5 trung đoàn tên lửa S-400 Triumf từ Nga với giá trị hợp đồng lên đến 5 tỉ USD, để trang bị cho Không quân Ấn Độ mà trung đoàn S-400 đầu tiên sẽ đi vào trực chiến từ mùa thu 2020.
Mỹ đã và tiếp tục úp mở dùng CAATSA nếu Ấn Độ vẫn quyết định theo đuổi thương vụ S-400 với Nga. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Mỹ khó có thể trừng phạt Ấn Độ vì thỏa thuận S-400 do Mỹ luôn xem Ấn Độ là một đối tác quan trọng và đáng tin cậy mà nước này không muốn đánh mất.
Vũ khí là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của mỗi nước. Người kiểm soát nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự có thể khống chế chính trị - điều được Mỹ và phương Tây áp dụng triệt để và đã có nhiều tiền lệ nguy hiểm về việc sử dụng các hợp đồng vũ khí như một con bài chính trị ở Cận Đông, Trung Á, Mỹ Latin…
Nga đã thay đổi trong tư duy khi xem xuất khẩu vũ khí là một hướng làm ăn kinh tế mà S-400 là một sản phẩm chủ lực, trên cơ sở khai thác 3 lợi thế chính: có tính năng vượt trội so với các hệ vũ khí cùng phân khúc của thế giới; giá thành rất cạnh tranh; và việc xuất khẩu không kèm theo bất kỳ điều kiện chính trị nào hay các gói hợp đồng kiểu "bán bia, kèm lạc".
Cũng giống như các siêu cường quân sự khác, Nga đặt yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự để "vòng tuần hoàn" công nghiệp quốc phòng vận hành trơn tru, cũng như giảm sức ép và giá thành lên các sản phẩm quốc phòng cung cấp nội địa.
Đang xây dựng hệ thống phòng không mới dựa trên các tổ hợp như S-500, S-350 Vityaz…, việc đẩy mạnh xuất khẩu S-400 sẽ góp phần giúp Nga nhanh chóng thay máu hệ thống phòng không hiện có.
S-400 - công cụ cạnh tranh địa - chính trị
Theo tờ Turkiyecủa Thổ Nhĩ Kỳ, khi Mỹ triển khai chiến dịch quân sự chống Iraq năm 1991, theo yêu cầu của Washington, Ankara đã chấp nhận ngừng giao thương xuyên biên giới và cắt đường ống dẫn dầu tới Iraq, khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị những tổn thất lớn, tuy nhiên, phía Mỹ lại không có bất cứ động thái nào cho thấy muốn "đền bù".
Trước khi bắt đầu chiến dịch thứ hai chống Iraq, Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho "mượn" lãnh thổ làm bàn đạp tấn công, Anhkara đã từ chối, khiến quan hệ hai nước đóng băng.
S-400 huấn luyện chiến đấu. Nguồn: aa.com.tr
Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO triển khai các hệ thống tên lửa Patriot để đối phó với các mối đe dọa từ Syria, nhưng Đức và Hà Lan đã rút Patriot của họ khỏi nước này vào đầu năm 2016 để gây áp lực chính trị.
Từ năm 2015, khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã bắt đầu phải chịu các cuộc tấn công tên lửa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vào Syria, tên lửa đạn đạo xuất phát từ Iran và các nước láng giềng cũng là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới chức nước này, năng lực của NATO chỉ có thể bảo vệ được 30% không phận Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hệ thống S-400 sở hữu tất cả các những điểm ưu việt nhất mà người Thổ Nhĩ Kỳ cần đến.
Ankara cũng từng đề nghị mua Patriot nhưng Washington đã không đáp ứng lại với một kế hoạch tài chính và chuyển giao đáng tin cậy. Lúc đầu, Mỹ đã không chấp nhận các điều khoản của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua sắm các hệ thống Patriot.
Tiếp theo, Mỹ chống thỏa thuận giữa Ankara và Bắc Kinh về việc cung cấp các hệ thống phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9) cũng với lí do không tương thích. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức đấu thầu, đưa ra các điều kiện trước đó, và một lần nữa, Mỹ không hài lòng.
Từ tính chất thực dụng của chính sách đối ngoại, Mỹ chỉ mong những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về mua S-400 bị cản trở, hay ít nhất cũng làm giảm các bước tương tự trong tương lai.
Chưa hết, luật pháp Mỹ quy định, mọi thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài với số tiền trên 50 triệu USD phải được sự chấp thuận của Hạ viện. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bị hủy đơn hàng ở bước này. Mỹ muốn các vũ khí mua bán của Thổ Nhĩ Kỳ không phải từ họ thì cũng không phải từ một quốc gia nào khác.
Bởi vì, Mỹ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tiền lệ xấu; Washington biết rất rõ mối quan hệ quân sự luôn gắn liền với chính trị; Mỹ vẫn tự nhận mình là “lãnh đạo khối”; và Mỹ muốn ngăn chặn sự xuất hiện của cấu trúc nằm ngoài hệ thống của NATO , mà không thể kiểm soát.
Nhưng quan trọng hơn, Ankara thực sự cảm thấy mình bị đe dọa bởi những hành động khác thường của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi trong những năm vừa qua. Thay vì giúp Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với các mối đe dọa từ Syria, Iraq hay những nơi khác, Mỹ lại tiếp tục hậu thuẫn chính trị và vũ trang cho Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria, đe dọa tới an ninh quốc gia cơ bản của Ankara.
Mỹ muốn ngăn cản các nỗ lực từ phía Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm sự lệ thuộc vào Mỹ trên lĩnh vực kinh tế và quân sự, trong khi giảm sự phụ thuộc vào các nhân tố quốc tế trong các vấn đề an ninh quốc gia trọng yếu - một trong những ưu tiên cơ bản của Ankara suốt 2 thập kỷ qua.
Sở hữu S-400, Ankara đảm bảo an ninh cho thềm lục địa của mình ở Địa Trung Hải, có được lợi thế chiến lược về mặt địa chính trị năng lượng ở Trung Đông, đồng thời loại bỏ sự hiện diện của các tổ chức khủng bố trong khu vực - điều gây khó chịu cho Mỹ đang sợ mất đi tầm ảnh hưởng.
Israel - một đồng minh thân cận của Washington, cũng đang sợ S-400 do đang dòm ngó và có kế hoạch dài hạn với thềm lục địa Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ tại đây. Có S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm hỏng hết các kế hoạch mà Mỹ cũng hy vọng kiếm chác này.
Mỹ lo ngại với việc sở hữu các hệ thống S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu thực hiện một chính sách độc lập và tích cực hơn ở Trung Đông. Khi Ankara triển khai chiến dịch chống lại các đại diện của Đảng Công nhân Kurd (PKK), quân đội Mỹ sẽ khó lòng có thể hỗ trợ đường không cho nhóm này với sự hiện diện của S-400.
Theo các nhà quan sát, động thái cứng rắn của Ankara khiến Mỹ "nóng mắt" vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách theo đuổi lợi ích của riêng mình, thoát khỏi sự o ép của Mỹ và một vài đồng minh NATO khác.
Sự nghi ngờ của người Thổ đối với Mỹ đã tăng lên rất nhiều vì các chính sách mà chính quyền Trump theo đuổi. Washington đã đe dọa phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara quyết định tấn công người Kurd ở Syria. Người Thổ hiểu rằng, Mỹ sẵn sàng hy sinh Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích của họ.
Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng có vấn đề cá nhân với Washington, nhiều lần cáo buộc Washington hợp tác với nhà truyền giáo Gulen - người có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhận thấy việc các đồng mình NATO áp dụng “chính sách kép” trong việc cung cấp vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình, loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc bên ngoài, vì vậy thỏa thuận với Nga rất hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan đã trở nên độc lập hơn và bây giờ, Ankara cự tuyệt sự ép buộc của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông. Trong khi đó, Moscow cũng cần có Ankara ở Syria để giải quyết các vấn đề an ninh và khi Washington tăng cường áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đang dịch chuyển gần hơn về phía Moscow.
Gần đây, Washington đã đề nghị cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ các điều kiện thuận lợi để mua các hệ thống Patriot của Mỹ, mà còn đảm bảo cung cấp đủ số lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu và còn bắn tin, Nhà Trắng sẵn sàng thảo luận về việc bồi thường hàng tỷ USD cho việc phá vỡ hợp đồng nếu Ankara từ chối mua S-400 của Nga.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này sẽ vẫn mua S-400. Nếu Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ đối với thỏa thuận S-400, thì Ankara sẽ trả đũa…
Có thể thấy, tổ hợp phòng không S-400 đã và đang trở thành một công cụ của chiến tranh kinh tế, địa - chính trị, một vũ khí chiến lược điển hình của Chiến tranh lai đang hiện hữu.
Mũi tên đã trúng nhiều đích, thương vụ cung cấp S-400 của Nga đạt được mục đích tạo ra mâu thuẫn và một sự chia rẽ lớn trong NATO đang thành công; việc loại bỏ đối tác chiến lược quan trọng trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ với vị trí địa lý và tiềm lực quân sự khỏi chương trình F-35 có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Nga - giảm thiểu rủi ro đối với không quân Nga từ lực lượng F-35 NATO đồn trú ở Thổ Nhĩ Kỳ; sự thiếu hụt chiến cơ thế hệ 5 buộc Thổ Nhĩ Kỳ lấp đầy khoảng trống bằng việc chuyển hướng mua máy bay chiến đấu Nga, củng cố thêm lợi ích chiến lược cho Moscow trên cửa mở vào Trung Đông./.