Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao

Đỗ Tiến |

Một kỹ sư hạt nhân làm việc cho hải quân Mỹ và vợ người này bị cáo buộc đã chia sẻ một số bí mật về công nghệ tàu ngầm của Mỹ với một quốc gia khác theo một số tài liệu của tòa án tiết lộ hôm 10-10. Đây không phải lần đầu tiên bí mật quân sự của Mỹ bị tiết lộ cho quốc gia khác khi nước này là cường quốc quân sự, công nghệ hàng đầu thế giới. Những bí mật của họ luôn được các quốc gia khác thèm khát.

Vụ việc của Jonathan Toebbe và vợ

Kỹ sư Jonathan Toebbe bị cáo buộc đã bán thông tin về hệ thống đẩy hạt nhân của tàu ngầm tấn công lớp Virginia - công nghệ là tâm điểm trong thỏa thuận gần đây giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS).

Trong khi những đối thủ của Mỹ từ lâu đã tìm kiếm những thông tin chi tiết về hệ thống đẩy của tàu ngầm này thì hiện chưa rõ những thông tin trên được chuyển cho các đồng minh hay đối thủ của Mỹ.

Ông Toebbe đã làm việc trong quân đội từ năm 2017 và trước đó làm việc về hệ thống đẩy hạt nhân từ năm 2012, trong đó có công nghệ giúp làm giảm tiếng ồn và độ rung của tàu ngầm, vốn từng là điểm yếu khiến đối phương có thể xác định vị trí của nó.

Tài liệu mật mà kỹ sư hải quân này tiết lộ bao gồm cả những thiết kế có thể hữu ích với nhiều quốc gia đang quan tâm tới việc thiết kế tàu ngầm. Trong thỏa thuận AUKUS, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia triển khai các tàu ngầm hạt nhân được trang bị hệ thống đẩy hạt nhân, cung cấp tầm hoạt động không hạn chế và di chuyển yên lặng để khó bị phát hiện.

Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao - Ảnh 1.

Công nghệ tàu ngầm của Mỹ là mục tiêu gián điệp mới nhất.

Hệ thống đẩy hạt nhân nằm trong những thông tin được giám sát chặt chẽ nhất của hải quân Mỹ bởi các lò phản ứng chạy bằng uranium được làm giàu ở mức độ cao có thể chuyển thành nhiên liệu để phát triển vũ khí hạt nhân. Việc đảm bảo các lò phản ứng hoạt động an toàn cũng là một nhiệm vụ kỹ thuật khó khăn. Trước khi ký kết thỏa thuận với Astralia, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ này với Anh vào năm 1958.

Theo các tài liệu từ tòa án, cuộc điều tra về vợ chồng Toebbe bắt đầu vào tháng 12-2020, khi FBI nhận được một gói tài liệu được gửi sang một quốc gia khác với những hướng dẫn vận hành, chi tiết kỹ thuật và đề nghị thiết lập quan hệ bí mật.

Gói tài liệu này đã được hệ thống bưu điện của một quốc gia khác chặn lại và gửi tới tùy viên của FBI. FBI đã lần theo những chỉ dẫn trên gói tài liệu và bắt đầu một cuộc trao đổi bằng mật mã tới người gửi trên và người này đã đề nghị bán các bí mật của Hải quân với giá 100.000 USD trao đổi bằng tiền ảo.

Sau một loạt cuộc trao đổi, FBI đã thuyết phục được người trên để lại thông tin tại một “hộp thư chết” (dead drop - một phương pháp thủ công gián điệp được sử dụng để chuyển các vật phẩm hoặc thông tin giữa hai cá nhân bằng cách sử dụng một vị trí bí mật) để thanh toán chi phí. FBI sau đó đã giám sát ông Toebbe và vợ là Diana Toebbe tại Tây Virginia.

Trong khi bà Toebbe làm nhiệm vụ trông chừng thì ông Toebbe để lại một thẻ nhớ SD trong một nửa miếng sandwich bơ đậu phộng trong một túi nhựa. Sau khi đặc vụ giấu mặt nhận được miếng sandwich này thì ông Toebbe sẽ nhận được 20.000 USD.

Các đặc vụ này sau đó đã thiết lập một “hộp thư chết” ở Pennsylvania và Virginia, những nơi mà họ yêu cầu ông Toebbe đặt thẻ nhớ SD trong một gói kẹo cao su. FBI và Cơ quan Điều tra Tội phạm hải quân đã bắt giữ Jonathan và Diana Toebbe ngày 9-10.

Vụ việc của Ariel Weinmann

Ngày 9-8-2006, tất cả các báo của Mỹ đều khởi đăng câu chuyện về sĩ quan hải quân Ariel Weinmann (khi ấy 21 tuổi) làm gián điệp. Theo thông tin từ hãng CNN thì trong vòng 2 năm, Ariel Weinmann đã ít nhất 3 lần chuyển các tài liệu mật của Hải quân Mỹ cho nhân viên tình báo nước ngoài.

Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao - Ảnh 2.

Ariel Weinmann.

Lần đầu là vào tháng 3-2005, sau khi tàu Hải quân Mỹ USS Albuquerque từ Bahrain trở về Groton, Connecticut.

Trong thời gian nghỉ phép, Ariel Weinmann đã tới Vienna (Áo) chơi cùng một người bạn. Trước khi trở về, anh lại bán tài liệu mật của Hải quân Mỹ cho cơ quan tình báo nước ngoài.

Lần cuối cùng trước khi bị bắt, Ariel Weinmann đã bị nhân viên FBI và cơ quan điều tra hải quân bắt quả tang khi chuyển tài liệu mật cho một người trung gian ở Mexico City (Mexico).

Điều đáng chú ý của vụ gián điệp này là trong suốt những lần cung cấp tài liệu mật cho tình báo nước ngoài, Ariel Weinmann lại không hề nhận một xu nào. Dường như chàng lính hải quân này làm việc đó một cách tự nguyện và hồ hởi. Lý do nào lại như vậy?

Điều tra riêng của tạp chí Thời đại cho biết, sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Salem, Ore, Ariel Weinmann luôn luôn mơ ước trở thành một lính thủy nổi tiếng. Tốt nghiệp trung học, anh đã viết đơn xin nhập ngũ vào Hải quân Mỹ. Cuối cùng, Ariel Weinmann được đào tạo làm kỹ thuật viên trong tàu ngầm.

Khi đó, anh đã rất vui kể với vợ về những bài học trên lớp, những chuyến thực hành và cả ước mơ sau này. Tuy nhiên, những lý tưởng cao đẹp của chàng trai đã dần dần biến mất sau một chuyến công tác kéo dài 6 tháng dọc châu Âu và Trung Đông. Khác với hồi mới nhập ngũ, Ariel Weinmann bắt đầu có những suy nghĩ khác về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, phải chăng đó là động cơ để Ariel Weinmann bán bí mật quân sự quốc gia?

Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao - Ảnh 3.

Shuren Qin tới tòa hôm 8-9-2021.

Vụ việc của Alexander Yuk Ching Ma

Ngày 17-8-2020, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Alexander Yuk Ching Ma - một cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng với một người họ hàng, cũng là một cựu nhân viên CIA, đã bị bắt ngày 14-8 với cáo buộc cung cấp thông tin mật cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Theo các nhà điều tra, Alexander Yuk Ching Ma là một công dân Mỹ nhập tịch, bắt đầu làm việc cho CIA vào năm 1982, làm việc tại một đơn vị an ninh tối mật. Các công tố viên cho biết, Alexander Yuk Ching Ma rời CIA vào năm 1989, sống và làm việc ở Thượng Hải, Trung Quốc, trước khi đến Hawaii vào năm 2001.

Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao - Ảnh 4.

Alexander Yuk Ching Ma.

Các tài liệu của tòa án cáo buộc, Alexander Yuk Ching Ma và người họ hàng của ông ta đã làm gián điệp, chia sẻ thông tin quốc phòng tuyệt mật của Mỹ trong hơn một thập niên.

Theo các công tố viên, kế hoạch tuyển chọn của cơ quan đặc biệt Trung Quốc đối với Alexander Yuk Ching Ma và người họ hàng được thực hiện sau 3 ngày làm việc tại Hong Kong vào tháng 3-2001. Theo đó, hai cựu sĩ quan CIA cung cấp thông tin cho cơ quan tình báo Trung Quốc về nhân sự, hoạt động và phương pháp che giấu thông tin liên lạc của CIA.

Các công tố viên cho biết, một số cuộc làm việc giữa Alexander Yuk Ching Ma và người họ hàng với cơ quan đặc biệt Trung Quốc đã được ghi lại trên băng video, trong đó có cảnh quay ghi lại việc Alexander Yuk Ching Ma đếm 50.000 USD tiền mặt để thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo các tài liệu của tòa án, sau khi chuyển đến Hawaii, Alexander Yuk Ching Ma đã tìm kiếm việc làm mới tại FBI. Qua đó, Alexander Yuk Ching Ma được cấp lại quyền truy cập vào các bí mật của chính phủ Mỹ và anh ta có thể đã giao tài khoản này cho phía Trung Quốc.

Văn phòng FBI tại Honolulu ký hợp đồng với Alexander Yuk Ching Ma vào năm 2004. Theo các nhà điều tra, trong 6 năm làm việc tại đây, anh ta thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp các tài liệu chính thức, trong đó có một số tài liệu được đánh dấu là “bí mật” và thường xuyên mang theo chúng trong các chuyến đi đến Trung Quốc.

Vụ án Shuren Qin

Ngay tháng 9 vừa qua, thẩm phán Denise Casper tại Boston, bang Massachusetts tuyên án ông Shuren Qin, người sáng lập một công ty chuyên bán thiết bị hải dương học, sau khi người này thừa nhận đã xuất khẩu trái phép các thiết bị cảm biến thủy âm có thể được dùng để theo dõi dưới nước.

Theo hãng tin Reuters, các công tố viên trước đó đã đề nghị mức án 7,5 năm tù giam đối với ông Qin và yêu cầu doanh nhân này nộp phạt 20.000 USD.

Ông Qin, 45 tuổi, đã bị giam 3 tháng sau khi bị bắt. Các luật sư biện hộ cho biết doanh nhân Qin thành lập Công ty LinkOcean Technologies ở Trung Quốc vào năm 2005 để cung cấp các thiết bị hải dương học cho các nhà khoa học, sau đó cùng gia đình nhập cư Mỹ hồi năm 2014.

Những vụ lộ bí mật quân sự của Mỹ gây xôn xao - Ảnh 5.

CIA và FBI liên tục phải đối mặt với các vụ án gián điệp có tần suất dày hơn trong những năm gần đây.

Các công tố viên cho hay từ năm 2015 đến năm 2016, ông Qin đã “đánh lừa một nhà cung cấp của Mỹ” để xuất khẩu các thiết bị cảm biến thủy âm cho Trường đại học Bách khoa Tây Bắc. Ông này cũng không xin giấy phép xuất khẩu.

Các luật sư của ông Qin cho rằng bị cáo không biết về mục đích dự định của trường đại học Trung Quốc đối với các sản phẩm, vốn cũng có mục đích sử dụng trong dân sự và khoa học. Luật sư Sara Silva cho hay: “Đây không phải là những công nghệ tối mật”.

Ông Qin, sống ở Wellesley, bang Massachusetts, hồi tháng 4 đã thừa nhận 10 tội danh, bao gồm âm mưu vi phạm xuất khẩu, gian lận thị thực, rửa tiền và buôn lậu.

Các công tố viên ban đầu cũng cáo buộc doanh nhân này xuất khẩu phương tiện không người lái trên mặt nước và thuyền robot, đồng thời cáo buộc ông cung cấp hàng hóa trị giá 8 triệu USD cho các thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Tuy nhiên, ông này chỉ thừa nhận các khoản phí liên quan đến 60 thiết bị cảm biến thủy âm trị giá 100.000 USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại