Tạp chí The National Interest ngày 7-1 cho biết Lầu Năm Góc muốn giữ Vùng 51 tránh xa khỏi tầm mắt của công chúng vì đây là khu vực chứa nhiều loại máy bay thử nghiệm, thậm chí nhiều khả năng có cả phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV).
Vùng 51 bí ẩn tới mức vào tháng 4-2019, Nga điều một chiếc máy bay do thám Tupolev-154M để thám thính cơ sở này.
Tupolev-154M. Ảnh: Wikimedia
Quân đội Mỹ đã mở rộng Vùng 51 - trước đây chỉ bao gồm sân bay nhỏ - để thử nghiệm máy bay do thám Lockheed U-2 vào năm 1955. Hiện tại, cơ sở này nằm trong phạm vi 37-40 km của không phận hạn chế thuộc cơ sở thử nghiệm và huấn luyện bang Nevada rộng hơn 11.600 km2.
Một số căn cứ khác của Mỹ đặt gần Vùng 51 có thể kể đến như căn cứ không quân Nellis và cơ sở thử nghiệm Tonopah - sau này là nơi thực hiện nhiều chương trình bí mật của Lầu Năm Góc.
Theo The National Interest, vai trò ban đầu của Vùng 51 là giúp phát triển các máy bay do thám U-2 và A-12 của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Vùng 51 cũng được cho là nơi lưu trữ các chiến đấu cơ của Liên Xô cũ. Năm 1966, Israel mua lại một chiếc MiG-21 từ một phi công Iraq đào tẩu. Đến năm 1968, 2 phi công Syria lái MiG-17F bị lạc đường và hạ cánh nhầm xuống Israel.
Toàn bộ 3 chiếc này được chuyển tới Groom Lake, bang Nevada để thử nghiệm khả năng đối đầu của chúng với chiến đấu cơ Mỹ, bao gồm tiêm kích F-4 Phantom.
Lockheed U-2. Ảnh: Wallpaper Flare
Vào những năm 1970, đơn vị đặc biệt Phi đội thử nghiệm 6513 (còn gọi là "Mũ đỏ") của không quân Mỹ tiếp tục thực hiện đánh giá về các chiến đấu cơ của Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, vào năm 1984, tướng Richard Bond của không quân Mỹ quyết định lái thử chiếc MiG-23BN “Flogger” và mất kiểm soát máy bay, dẫn đến thiệt mạng. Ông Bond là phi công thứ hai của không quân Mỹ thiệt mạng khi thử nghiệm chiếc MiG-23 trong vòng 2 năm.
Một số hình ảnh và đoạn video cho thấy Mỹ thử nghiệm cả các máy bay MiG-29 và Su-27 trên Vùng 51 nhằm kiểm tra giới hạn của các kỹ sư Nga.
Vào những năm 1990, một số cây bút hàng không uy tín tiết lộ Mỹ sở hữu phương tiện tên gọi “Aurora” có thể bay gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Mặc dù vậy, không có bằng chứng cụ thể Mỹ thử nghiệm phương tiện này tại Vùng 51.
MiG-23BN “Flogger”. Ảnh: The Skytamer
The National Interest cho biết Vùng 51 cũng là nơi thử nghiệm máy bay tàng hình Boeing Bird-of-Prey với phần động cơ được che chắn cẩn thận và thân máy bay không có phần đuôi như máy bay thông thường.
Không quân Mỹ đã thực hiện 39 chuyến bay thử từ năm 1996-1999 trước khi công khai Boeing Bird-of-Prey vào năm 2002. Hiện nó được trưng bày tại bảo tàng không quân Mỹ ở Dayton, bang Ohio.
Một loại máy bay khác xuất hiện ở Vùng 51 là máy bay không người lái (UAV) tàng hình Lockheed P175 Polecat. P175 trông giống như máy bay ném bom tàng hình B-2 thu nhỏ với đôi cánh rộng 27 m, sở hữu khả năng tấn công và giám sát cùng mức tải trọng hàng tấn.
UAV tàng hình này được thử nghiệm vào năm 2006 nhưng đến tháng 12 năm đó, hệ thống điều khiển từ xa của máy bay gặp trục trặc khiến nó lao xuống đất tự huỷ.
Boeing Bird-of-Prey. Ảnh: Boeing
Năm 2017, một nhà chứa máy bay khổng lồ có kích thước lớn hơn sân bóng đá được phát hiện trong Vùng 51. Một số người giải thích rằng nhà chứa liên quan đến hoạt động phát triển máy bay ném bom tàng hình B-21, phiên bản kế thừa B-2 Spirit.
Tuy nhiên, không quân Mỹ sau đó chính thức thông báo B-21 sẽ được thử nghiệm tại các căn cứ không quân Tinkers (bang Oklahoma) và Edwards (bang California).
Đáng lưu ý, một báo cáo trên tạp chí Aviation Week năm 2013 đề cập tới sự hiện diện của máy bay không người lái Northrop-Grumman RQ-180 tại Vùng 51. Đây được cho là "dự án giá rẻ" và có thể được tài trợ bởi khoản tiền 2 tỉ USD bí mật.
Thông số kỹ thuật của RQ-180 được cho là giống với RQ-4 Global Hawk với khả năng tàng hình để xâm nhập không phận đối phương và triển khai tấn công.
Ngoài ra, có những đồn đoán về việc Lầu Năm Góc phát triển máy bay không người lái siêu âm SR-72 dành cho cả vai trò giám sát lẫn ném bom. Người ta tin rằng địa điểm lý tưởng để thử nghiệm chiếc UAV này không đâu khác chính là Vùng 51.
Northrop-Grumman RQ-180. Ảnh: Alchetron