Hiện nay, thói quen mua hàng trực tuyến, qua các nền tảng mua sắm điện tử hoặc thông qua các cửa hàng online đang ngày càng trở nên phổ biến. Thay vì phải dành một khoảng thời gian nhất định để tới tận các cửa hàng, trực tiếp nhìn hay chạm vào món đồ mình muốn mua, mọi người, đặc biệt là những người trẻ chỉ hỏi thông tin sản phẩm kèm hình ảnh chi tiết qua cửa hàng online và chốt đơn ngay tại đó. Hình thức thanh toán hiện được ưa chuộng cũng là thanh toán theo kiểu chuyển khoản.
Việc mua sắm cũng như thanh toán mọi mặt hàng, hóa đơn online giúp tiết kiệm thời gian, công sức, cũng như đảm bảo an toàn, hạn chế lây nhiễm trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp vào khoảng thời gian 2019 - 2021.
Việc mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng và trở nên phổ biến. (Ảnh VOV)
Tuy nhiên có một vấn đề khi mua hàng trực tuyến, đó là không phải lúc nào người nhận hàng cũng sẵn sàng túc trực để nhận hàng. Những khi họ không có mặt tại địa chỉ nhận hàng, họ sẽ phải nhờ những người khác như hàng xóm, đồng nghiệp, bảo vệ, lễ tân tòa nhà nhận hộ hoặc báo người giao hàng không thể nhận hàng ngay. Việc này vô tình gây mất thời gian với chính khách mua hàng và những nhân viên giao hàng, năng suất giao hàng của họ sẽ bị giảm vì cần phải quay lại điểm đến này vào một ngày khác.
Khi nhận đồ ship lên một tầm cao mới
Năm 2019, ở Trung Quốc đã xuất hiện một hình thức để khắc phục phần nào tình trạng này, đó là các trạm nhận hộ hàng mua trực tuyến. Lụa Nguyễn, một cô gái Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc chia sẻ trên tài khoản cá nhân của mình, những trạm nhận hộ hàng này cô thấy xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là trong các khu chung cư, ở tầng 1 hoặc gần khu vực sảnh.
Nhân viên giao hàng thay vì liên hệ với người nhận, mà sẽ đưa thẳng những gói hàng đến các trạm nhận hàng hộ này, sau đó cập nhật thông tin đơn hàng qua ứng dụng điện tử. Từ đó, người dùng sẽ theo dõi được đơn hàng của mình đã đến hay chưa, rồi tới trạm nhận hàng hộ, đọc mã số của đơn hàng và lấy hàng một cách nhanh chóng.
Cô gái hiện đang sinh sống và làm việc ở Trung Quốc chia sẻ hình thức những trạm nhận hàng hộ như thế này đang rất được ưa chuộng. (Video Tiktok Luanguyen.ld)
Cũng theo chia sẻ của Lụa Nguyễn, mỗi đơn hàng lưu trữ theo hình thức này sẽ mất thêm 0,5 NDT, tương đương với 2000 đồng. Tuy nhiên chi phí này sẽ là bên đơn vị vận chuyển chi trả chứ không phải người dùng.
Xuất phát từ ngày hội mua sắm lớn nhất năm ở nước này
Hình thức nhận hàng hộ này bắt đầu xuất hiện từ tháng 11 năm 2019, có tên chính xác là Cainiao Yizhan và được phát triển bởi tập đoàn Alibaba - một trong những tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng nhất thế giới. Nó được coi là bước tiến mới trong ngành thương mại điện tử khi các bưu cục công nghệ cao và các trạm dịch vụ tái chế xanh dần được xuất hiện nhiều hơn tại các khu dân cư, tòa nhà chung cư hay ngay cả tại những trường đại học.
Vào thời điểm mới được ra mắt, đại diện của Cainiao Yizhan cho biết, nó được phát minh ra nhằm phục vụ dịp mua sắm lớn nhất trong năm tại Trung Quốc là Lễ Độc thân, 11/11. Vào ngày này, người Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ sẽ mua sắm nhiều hơn ngày thường, nhằm tôn vinh niềm tự hào vì là người độc thân.
Các đơn hàng được đánh mã số và sắp xếp trên các kệ khác nhau. (Ảnh Getty)
Thực tế, ngày này cũng được CEO của Alibaba khởi xướng bắt đầu từ năm 2009. Theo thông tin trên Wikipedia, đến nay, ngày lễ này đã trở thành ngày hội mua sắm ngoại truyến và trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Riêng xét trên hãng Alibaba, con số doanh thu trong ngày 11/11 năm 2017 đạt 168,2 tỉ NDT (tương đương 25,4 tỉ đô la Mỹ).
Trạm nhận hàng hộ Cainiao Yizhan lần đầu tiên xuất hiện tại trường học là vào tháng 9 năm 2019, tại khuôn viên lớn nhất của Đại học Sư phạm Thiên Tân. Li Mi, một sinh viên của trường cho biết: "Chúng tôi thường phải tìm kiếm gói hàng của mình dưới đất trong vô vàn các gói hàng khác nhau. Việc này rất rắc rối và còn khó chịu hơn vào những ngày mưa". Chính vì vậy, những trạm nhận hàng hộ như Cainiao Yizhan đã giải quyết được toàn bộ vấn đề này.
Công cụ chính dùng để quản lý hệ thống hàng hóa được lưu trữ là một chiếc máy quét thông minh. Người nhận có thể tự quét mã và báo với nhân viên, hoặc nhờ nhân viên quét hộ thông qua mã đơn hàng, từ đó họ có thể nhận đơn hàng một cách nhanh chóng. Zhang Jinheng, một quản lý của trạm nhận hàng hộ ở Thiên Tân cho biết, chỉ cần chưa đầy một phút để hoàn tất quy trình nhận hàng khi người nhận quét mã bưu kiện và nhận mã mật khẩu trên điện thoại di động của họ.
Một sinh viên hoàn thành việc nhận đơn hàng của mình bằng việc quét mã qua chiếc máy thông minh. (Ảnh Getty)
Các nhà điều hành Cainiao Yizhan nói thêm, với sự trợ giúp của thiết bị công nghệ cao, việc những chiếc hộp bị thất lạc hay hàng dài khách hàng phải khó chịu xếp hàng chờ đợi để lấy bưu kiện của họ giờ đã là quá khứ.
Theo Exploringtianjin.com, tổng số bưu kiện được chuyển tới các Cainiao Yizhan có thể vượt quá 20.000 đơn trong những dịp mua sắm cao điểm như Lễ Độc thân.
Bên cạnh việc nhận hàng hộ, các trạm Cainiao Yizhan còn cung cấp dịch vụ tái chế những thùng, gói hay bọc hàng cũ. Sau khi mở gói hàng ra, thay vì vứt ngay những thùng bìa carton đi, chỉ cần đem ra trạm, thả vào những thùng tái chế màu xanh lá cây. Các thùng này có thể được đưa vào sử dụng thêm một vài lần nữa, nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Các thùng tái chế tại các trạm nhận hàng hộ. (Ảnh Getty)
Dữ liệu công ty cho thấy vào năm 2019, doanh nghiệp đã triển khai hơn 5000 thùng tái chế tại hơn 200 thành phố trên toàn quốc, với khoảng 13 triệu hộp được tái chế trong dịp mua sắm Lễ Độc thân.