Chỉ hai tháng sau khi Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) được thành lập, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố triển khai hàng chục máy bay chiến đấu tới Syria để tham gia cuộc chiến chống khủng bố IS theo đề nghị từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Năm năm bom đạn oanh tạc, Nga đã giúp Syria lật ngược tình thế trên chiến trường với lợi thế nghiêng về quân chính phủ Damasucs và hiện nay vẫn đang tiếp tục đánh phá yểm trợ cho các lực lượng của Tổng thống Assad đập tan thành trì cuối cùng của phiến quân ở tỉnh Idlib phía Tây Bắc đất nước.
Tuy nhiên, các chiến dịch không kích cũng đã tiêu tốn của Quân đội Nga ít nhất 19 máy bay có người lái (11 máy bay trực thăng và 8 máy bay chiến đấu) trong khoảng thời gian từ 2015 - 2018 và dẫn tới cái chết của phi hành đoàn gồm 23 người cùng 37 hành khách.
Để so sánh, từ năm 2014 - 2020, Quân đội Mỹ chỉ mất hai máy bay chiến đấu trong các chiến dịch chống IS ở Syria: Một tiêm kích phản lực F-16 vào năm 2014 do tai nạn ngay sau khi cất cánh và một máy bay trực thăng cất hạ cánh thẳng đứng V-22 năm 2017.
Su-24M bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi
Trong những chiến dịch không kích đầu tiên tấn công lực lượng phiến quân Turkmen, các chiến đấu cơ phản lực Nga thường xuyên bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây Bắc Syria.
Ngày 24/11/2015, một máy bay Su-24M của Không quân Nga bị một tiêm kích F-16 Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tên lửa AIM-120 bắn hạ với cáo buộc nó đã xâm phạm không phận của Ankara ở vùng Hatay.
Thiệt hại do hỏa lực mặt đất tấn công
Trong vụ việc trên, thiệt hại của Quân đội Nga không chỉ dừng lại ở chiếc máy bay ném bom Su-24M. Ba giờ sau khi Su-24M bị bắn rơi, hai máy bay trực thăng Mi-8AMTsh được Nga điều động tới thực thi sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn nhưng một trong số đó đã bị trúng hỏa lực của phiến quân, buộc phải hạ cánh xuống khu vực lân cận.
Một lính thủy đánh bộ Nga đã thiệt mạng trong vụ tấn công và các thành viên còn lại của phi hành đoàn cùng các quân nhân khác trên trực thăng Mi-8 đã được sơ tán an toàn về căn cứ không quân Khmeimim. Tuy nhiên, chiếc Mi-8 sau đó đã bị phá hủy hoàn toàn.
Ngày 8/7/2016, một trực thăng tấn công Mi-25 của Syria do Nga sản xuất đã bị bắn hạ khi đang tấn công các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gần thành phố Palmyra. Vào thời điểm đó, các phi công hướng dẫn người Nga đã điều khiển trực thăng Mi-25 thực hiện chuyến bay sau khi nhận được đề nghị giúp đỡ từ chính quyền Syria.
Các phần tử khủng bố sau đó bị đẩy lùi, tuy nhiên trực thăng Mi-25 đã bị tên lửa bắn trúng phần đuôi và đâm xuống đất sau khi trút hỏa lực vào một nhóm phần tử cực đoan.
Ryafagat Khabibulin, phi công quân sự nổi tiếng từng được trao huân chương vì cứu sống nhiều người trong 25 năm phục vụ trong quân ngũ, đã thiệt mạng trong vụ tấn công này cùng một đồng nghiệp khác.
Đống đổ nát được cho là máy bay Su-25 của Nga bị phiến quân bắn rơi tại Idlib hôm 3/2 Ảnh: Reuters
Bốn tháng sau, một chiếc Mi-35M đã phải hạ cánh khẩn cấp khi bị hỏa lực mặt đất tấn công. Một chiếc trực thăng Mi-8 Hip hạ cánh cách đó vài chục mét đã tìm cách giải cứu được phi hành đoàn. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau khi Mi-8 cất cánh, một vụ nổ đã xóa sổ chiếc Mi-35M mặc dù Mi-8 đã thoát nạn.
Ngày 1/8/2016, một chiếc Mi-8AMTsh khác đã bị bắn hạ bởi hỏa lực mặt đất trong khi đang trên đường tiếp tế cho hai thị trấn bị bao vây trở về khiến cả 5 người trên khoang thiệt mạng.
Đầu tháng 2/2018, các máy bay cường kích Su-25 của Nga tham gia tấn công đoàn xe phiến quân tháo chạy khỏi địa bàn Đông Aleppo thì một chiếc đã bị hư hại do hỏa lực phóng đi từ một xe tải kỹ thuật.
Sau đó, vào ngày 3/2, một tên lửa vác vai Igla lại bắn trúng một chiếc Su-25SM khác khiến động cơ bên trái của nó bốc cháy. Phi công nhảy dù thành công nhưng sau đó đã quyết định tự sát bằng lựu đạn để tránh bị bắt.
Một tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) được cho là cũng đã bắn rơi một trực thăng tấn công tiên tiến Ka-52 Alligator vào ngày 7/5/2018 khiến cả hai phi công thiệt mạng.
Thảm kịch của máy bay trinh sát IL-20
Một sự cố nghiêm trọng khác xảy ra vào 17/9/2018 khi các máy bay chiến đấu Không quân Israel tập kích phá hủy một kho vũ khí của Syria ở tỉnh Latakia và bị các hệ thống phòng không Damacus khai hỏa đáp trả nhưng lại bắn nhầm vào chiếc IL-20 của Nga đang chuẩn bị hạ cánh.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cáo buộc Israel đã gây ra hành động vô trách nhiệm này với tuyên bố chiếc IL-20 đã bị đưa ra làm lá chắn.
IL-20M, loại máy bay đã bị bắn hạ ở Syria. Ảnh: Alexander Kopitar
Những tai nạn nghiêm trọng khác
Ngày 12/42016, trực thăng “Thợ săn đêm” Mi-28N đã lao xuống mặt đất cướp đi sinh mạng của chỉ huy của Trung đoàn trực thăng 55 cùng phi công phụ lái ngồi ghế sau. Ngày 31/122017, một chiếc Mi-35M đã đâm vào đường dây điện khi hộ tống một đoàn xe khiến 2 trong số 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Cả hai máy bay trực thăng bị rơi đều có thiết kế hiện đại.
Ngày 3/5/2018, một máy bay Su-30SM vừa cất cánh từ Căn cứ không quân ở tỉnh Latakia thì đột ngột chúi mũi lao xuống Địa Trung Hải khiến cả 2 phi công tử vong. Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết máy bay đã đâm phải chim.
Tháng 10/2017, một chiếc Su-24M khác đã gặp phải lỗi kỹ thuật trượt khỏi đường băng trong quá trình cất cánh tại sân bay Khmeimim. Máy bay vỡ vụn còn hai phi công cũng đã tử nạn khi không kịp thoát ra ngoài.
Sau đó, vào tháng 4/2018, một chiếc máy bay vận tải An-26 đang chuẩn bị hạ cánh xuống Khmeimim thì lỗi từ kính chắn gió làm cho nó mất kiểm soát rồi đâm xuống mặt đất cách đường băng 500m khiến tất cả 33 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn tử vong. Đây là mất mát nặng nề nhất của Quân đội Nga ở Syria.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/11/2016 thông báo một máy bay chiến đấu Su-33 của nước này đã gặp nạn khi hạ cánh xuống tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ở Địa Trung Hải. Cụ thể, sau khi thực hiện nhiệm vụ quân sự ở không phận Syria, máy bay Su-33 đã bị trượt khỏi boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov khi đang hạ cánh do đứt cáp thắng. Phi công đã bật dù khỏi máy bay an toàn.
Máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không S-200 Syria