Al-Zawahiri từng nhúng tay trực tiếp gây ra vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) vào năm 1998 làm chết hàng trăm người. Năm 2008, quân đội Pakistan tuyên bố rằng họ đã gần như bắt giữ al-Zawahiri ở Tây Bắc nước này.
Tới năm 2012, al-Zawahiri ra lời hiệu triệu người Hồi giáo bắt cóc các du khách phương Tây khi họ đi du lịch tới các quốc gia Hồi giáo. Cho đến nay, hành tung của al-Zawahiri vẫn biến hóa khó ngờ.
Bộ Ngoại giao Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin chính xác về vị trí của nhân vật này.
Dawood Ibrahim
Dawood Ibrahim là tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất ở Ấn Độ. Hắn ta là lãnh chúa của nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức khét tiếng Ấn Độ: D-Company. Đứng ra thành lập D-Company vào thập niên 1970, cho tới năm 2003, Ibrahim mới lọt vào tầm ngắm của Interpol. Ibrahim hiện đang sống ở Pakistan, dù giới chức nước này phủ nhận việc đó.
Ibrahim bị tình nghi đã dính líu tới vụ đánh bom Bombay hồi năm 1993 cũng như 12 vụ nổ bom khác ở Mumbai, tước đi sinh mạng của 257 người và làm bị thương 717 người khác. Ibrahim và D-Company chủ yếu hoạt động ở Ấn Độ, Pakistan và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (U.A.E).
Cũng như Ayman al-Zawahiri, Ibrahim cũng bị treo thưởng 25 triệu USD cho bất kỳ ai báo tin về nơi ở của hắn ta.
Abu Bakr al--Baghdadi
Đây là thủ lĩnh của tổ chức khủng bố được biết đến dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), còn được gọi bằng cái tên là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS).
Tổ chức này đã gây ra một loạt vụ tấn công khủng bố tại các thành phố ở châu Âu trong vòng 2 năm qua.
Tay trùm này còn bị cáo buộc gây ra các hành vi bắt cóc, ép làm nô lệ, cưỡng hiếp cô Kayla Mueller, một nhà hoạt động nhân quyền kiêm viện trợ nhân đạo người Mỹ. Có nguồn tin cho rằng al-Baghdadi đang ẩn náu ở Raqqa (Syria).
Bộ Ngoại giao Mỹ đang treo thưởng 25 triệu USD cho bất kỳ ai báo tin để bắt giữ al-Baghdadi hay lấy được xác của hắn ta.
Semion Mogilevich
Semion Mogilevich được cho là “hoàng đế” của các “bố già” mafia Nga trên toàn thế giới. Hắn ta chỉ huy một tổ chức tội phạm khổng lồ có liên quan đến buôn lậu vũ khí, giết người theo hợp đồng, mại dâm, gian lận và cả buôn lậu vật liệu hạt nhân. Mogilevich đã tạo dựng được các liên kết với giới chính trị Nga.
Năm 2009, Mogilevich có tên trong danh sách truy nã toàn cầu của FBI nhưng đến năm 2015 thì bị gạch tên do Mỹ và Nga không có hiệp ước dẫn độ, đồng nghĩa FBI không thể làm gì được hắn ta.
Matteo Messina Denaro
Matteo Messina Denaro là “hoàng đế” của các “bố già” mafia trong một tổ chức tội phạm khét tiếng ở Sicily từng gây ra cái chết cho 2 nhân vật “máu mặt” trong giới mafia Sicily là Bernardo Provenzano và Salvatore Riina.
Ngay cả cảnh sát Ý cũng rất khó đoán định hành tung của Denaro.
Denaro có lối sống và bản chất khác hoàn toàn với các “bố già” mafia khác khi họ luôn quan tâm tới các giá trị gia đình.
Denaro là kẻ bóng bẩy, thích lái “xế hộp” Porsche, đeo đồng hồ Rolex mắc tiền và chỉ xài các sản phẩm thượng hạng của Ray-Ban, Giorgio Armani và Versace. Denaro thường dính líu tới các hành vi tống tiền và buôn lậu ma túy và vì cái này mà FBI đã để mắt tới hắn ta.
Năm 1993, Denaro thực hiện loạt vụ đánh bom tấn công các “bố già” mafia Ý khác, hậu quả làm 10 người chết và 93 người bị thương.
Alimzhan Tokhtakhunov
Doanh nhân người Nga này dính líu tới tội phạm có tổ chức. Hắn bị cáo buộc đã gây ra nhiều vụ phạm tội bao gồm buôn lậu, lừa đảo và cờ bạc phi pháp.
Alimzhan Tokhtakhunov bị cho là đã “hối lộ” các giám khảo môn trượt băng tại Thế vận hội Mùa đông 2002 tổ chức ở thành phố Salt Lake (tiểu bang Utah, Mỹ).
Theo yêu cầu của Mỹ, Tokhtakhunov đã bị chính quyền Ý bắt giữ nhưng hắn ta đã dược phóng thích trước khi có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.
Từng là một cựu cầu thủ bóng đá nên không khó hiểu khi Tokhtakhunov có mắc mớ tới các sự kiện thể thao và có mối quan hệ gần gũi với một số tay vợt chuyên nghiệp Nga.
Tokhtakhunov sống thoải mái ở Nga và phía Mỹ “bất lực” với hắn ta.
Felicien Kabuga
Felicien Kabuga là triệu phú doanh nhân gốc người Rwanda. Quá khứ của hắn ta có liên quan đến tội ác diệt chủng Rwanda, một trong những hành vi đáng phỉ nhổ nhất trong lịch sử nhân loại.
Đồn điền chè của Kabuga đã giúp hắn thực hiện các hành vi diệt chủng, Kabuga đã chi tiền cho Đài Phát thanh Rwanda để kích động bạo lực tiến tới hành vi diệt chủng thô bạo.
Chưa hết, hắn ta còn cung cấp vũ khí cho người Hutu với 500.000 cái rựa. Đã có từ 500.000 đến 1 triệu người Rwanda bị giết hại trong cuộc diệt chủng, nền kinh tế đất nước tiêu điều. Kabuga bị Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hiệp Quốc cáo buộc rất nhiều tội trạng.
Tuy nhiên, hắn ta đã đào tẩu khỏi Rwanda. Ngày nay có tin Kabuga đang điều hành các công ty ở Kenya.
Omid Tahvili
Sinh ra ở Tehran (Iran), Omid Tahvili trở thành “vua” trong một gia đình tội phạm có tổ chức ở Canada. Hắn được cho là điều hành một cộng đồng người Iran ở Canada và có liên kết với các tổ chức tội phạm quốc tế khác.
Hắn từng bị chính quyền Canada bắt nhiều lần nhưng đều đào tẩu thành công bằng nhiều mưu mô xảo quyệt.
Tahvili trở thành tên giang hồ bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Tahvili bị kết tội bắt cóc và tấn công tình dục, lừa đảo thư tín, lừa đảo tiếp thị điện thoại...
Từ năm 1999 đến năm 2002, hắn ta lừa dối những người già ở Mỹ và đúi túi phi pháp số tiền 3 triệu USD.
Ismael Zambada Garcia
Hắn ta là trùm của băng Sinaloa, một nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức chủ yếu hoạt động ở Sinaloa (Mexico). Sinaloa là một trong những tổ chức buôn lậu ma túy quyền lực nhất thế giới.
Khi Joaquin “El Chapo” Guzman bị sờ gáy vào năm 2016, Garcia đã trở thành “người cầm chịch” của Sinaloa. Hắn là lãnh chúa ma túy hoạt động lâu năm nhất ở Mexico.
Garcia vận dụng nhiều phương thức khác nhau để đưa ma túy vào lãnh thổ Mỹ bao gồm bằng máy bay và tàu. FBI trao thưởng 15 triệu USD cho ai báo tin bắt giữ được Garcia.
Joseph Kony
Joseph Kony là thủ lĩnh của Quân đội kháng chiến của Chúa (LRA), đây là nhóm du kích đã hoạt động từ năm 1987.
Trước đây, LRA hoạt động ở Uganda, gần đây chuyển sang hoạt động ở Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. LRA đã gây ra nhiều vụ bắt cóc trẻ em quy mô lớn và buộc chúng thành nô lệ tình dục hay lính trẻ em.
Năm 2005, Kony bị Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague buộc tội ác chiến tranh và tội chống lại loài người. Đầu năm nay, Mỹ và Uganda đã kết thúc hành trình săn lùng Kony do LRA đã suy giảm quân số trong những năm gần đây, cũng do Kony đã già yếu và bệnh tật.