Tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao vẫn lừa đảo được nhiều người

Nhật Quang |

Bốn năm trở lại đây, chúng ta đã rải rác có các bài báo viết về các vụ án liên quan đến các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo tài sản người dân.

Nhưng các vụ việc như giả danh người của cơ quan pháp luật, giả vờ yêu đương xuyên lục địa để lừa đảo tiền của người dân vẫn xảy ra và lượng tiền chảy vào túi các nhóm tội phạm công nghệ cao nước ngoài rất nhiều.

Bài 1: Đã xảy ra khoảng 315 vụ giả danh Công an, Viện kiểm sát… lừa đảo

Theo thống kê chưa đầy đủ ở 41/63 địa phương, đã xảy ra 315 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện thông qua kết nối mạng internet (VoIP), mạng facebook, Zalo, Viber, Whatsapp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân.

Qua công tác điều tra của Cục Cảnh sát hình sự, có thể thấy chủ mưu thực hiện các vụ việc này là người nước ngoài(chủ yếu là người Đài Loan (Trung Quốc). Chúng câu kết với một số người Việt Nam, nhưng chỉ là những chân rết làm công việc mở thẻ nhận tiền, rồi chuyển tiền cho các đối tượng. 

Những kẻ cầm đầu ở nước ngoài cũng chỉ sử dụng nhóm “cộng tác” ở Việt Nam một lần rồi bỏ, lại tìm nhóm khác để tránh bị lộ.

Tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao vẫn lừa đảo được nhiều người - Ảnh 1.

Một người dân đến Cục Cảnh sát hình sự trình báo về việc bị các đối tượng giả danh Công an lừa đảo và một số thẻ ngân hàng các đối tượng sử dụng để rút tiền của bị hại

Tinh vi nhất là việc các đối tượng sử dụng mạng Internet gọi điện bằng VOIP. Đây là phần mềm trên mạng Internet thông qua một tổng đài ảo, tạo ra một số điện thoại bất kỳ thay cho số điện thoại chính mà khi gọi sẽ hiện lên trên máy người nghe. 

Chính vì thế, trong rất nhiều vụ án, khi các bị hại cẩn thận gọi điện thoại lại số hiện trên máy mình thì đúng là số máy của một số đơn vị Công an, Viện kiểm sát của Việt Nam.

Các đối tượng chia nhóm để thực hiện hành vi phạm tội. Nhóm thứ nhất sẽ gọi điện giả danh là “nhân viên tổng đài” bưu điện, gọi cho bị hại thông báo đang nợ tiền cước, khai thác các thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại, CMND của bị hại. Khi bị hại thắc mắc, “nhân viên tổng đài” sẽ nói vụ việc chuyển sang Công an để xác minh làm rõ.

Giai đoạn 2 là của đối tượng giả mạo điều tra viên, cán bộ điều tra của Bộ Công an hoặc Công an một số địa phương để gọi điện cho người bị hại với lý do bên bưu điện chuyển thông tin. 

Sau khi nói chuyện thăm dò, khai thác thông tin tiếp của bị hại về tài khoản ngân hàng, “cán bộ Công an” này sẽ tiếp tục đưa ra thông tin bị hại liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý hoặc rửa tiền quốc tế.

Vì vậy, cơ quan Công an cần thực hiện phong toả toàn bộ các tài khoản của bị hại trong thời gian điều tra.

Nếu không muốn bị phong toả thì phải rút toàn bộ tiền trong ngân hàng để chuyển vào một tài khoản do chúng chỉ định. Trong vòng 24 giờ, nếu xác minh không liên quan, sẽ hoàn trả lại tiền cho bị hại.

Trường hợp giả danh Viện kiểm sát cũng tương tự như vậy. Các đối tượng thường nhằm vào những người có tuổi, có kinh tế. Quá trình lừa đảo diễn ra liên tục, có kịch bản khá chặt chẽ khiến các bị hại dù cẩn thận cũng khó lòng thoát được tấm lưới chúng bủa vây.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn H, trú tại Hải Phòng là như vậy. Lúc 7h, ông H nhận được điện thoại từ máy bàn của gia đình, một phụ nữ tự xưng là nhân viên bưu điện Hải Phòng thông báo ông có một bưu phẩm chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến. Ông H cảnh giác không nhận vì không có thông tin gì về việc có người chuyển bưu phẩm cho ông.

Lập tức, “nhân viên bưu điện” đề nghị ông giữ máy nói chuyện với Công an TP Hồ Chí Minh. Một giọng nam giới tự xưng là Thiếu uý Nguyễn Quốc Bảo, công tác tại PC45, Công an TP Hồ Chí Minh thông báo ông H liên quan đến đường dây rửa tiền trị giá 5 tỷ đồng do Công an TP đang điều tra. 

Sau khi yêu cầu ông H cung cấp thông tin cá nhân, “Thiếu uý Bảo” yêu cầu ông H vào TP Hồ Chí Minh để giải quyết. Một lần nữa, ông H cảnh giác từ chối và đề nghị Bảo liên hệ với Công an TP Hải Phòng giải quyết.

Nhưng “kịch bản” của bọn tội phạm rất chặt chẽ và linh hoạt, nó dụ dẫn người bị hại, dù cảnh giác cuối cùng vẫn bị rơi vào “mê hồn trận”. Chúng nối tiếp điện thoại cho ông H nói chuyện với người tự xưng là Trần Trung Kiên, Phó phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh, nói đang thụ lý vụ trên trên, đã giữ 26 người liên quan và ông H là người thứ 27.

Nếu ông H không muốn bị phong toả tài khoản ngân hàng thì phải chuyển toàn bộ tài sản hiện có vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn Ba, Thanh tra Công an TP Hải Phòng để thẩm định xem trong sổ tiết kiệm có 100 triệu đồng liên quan đến vụ án không. 

Để đánh gục sự nghi ngờ của ông H, Kiên bảo ông giữ máy để nối máy nói chuyện tiếp với một nam giới, tự xưng là Hoàng Minh Hùng, công tác tại Phòng Cảnh sát 113 Công an TP Hải Phòng, xác nhận anh Trần Trung Kiên là Phó Trưởng Phòng PC45 Công an TP Hồ Chí Minh.

Đến khoảng 10h cùng ngày thì mọi sự cảnh giác của ông H đã bị các đối tượng đánh gục, ông H đã mang 6 quyển sổ tiết kiệm đến ngân hàng rút hơn 1 tỷ đồng sau đó chuyển vào tài khoản Nguỹen Văn Ba theo yêu cầu của các đối tượng…

Ngay sau khi bị hại gửi tiền, một nhóm đối tượng lập tức dùng thẻ ATM ra cây ATM để rút tiền trực tiếp hoặc chuyển tiền vào tài khoản khác bằng dịch vụ Internet banking. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, sau đó phần lớn những số tiền chiếm được này đã được chuyển cho nhóm cầm đầu ở nước ngoài.

Liên tục trong thời gian qua, dù các phương tiện thông tin đã đăng bài cảnh báo nhưng vẫn có hàng trăm người mắc vào các bẫy lừa dù không mới của các đối tượng. Cục Cảnh sát hình sự đã có Điện chỉ đạo, hướng dẫn, có công văn hướng dẫn Công an các địa phương về phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này.

Phòng 8 Cục Cảnh sát hình sự và Công an một số tỉnh, thành phố như: Ninh Thuận, Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Nam… đã điều tra, khởi tố một số vụ án liên quan đến loại tội phạm này. Tuy nhiên, trong khi hơn 300 vụ việc đã xảy ra nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá loại tội phạm này rất thấp do thủ đoạn tinh vi của các nhóm tội phạm công nghệ cao ở nước ngoài và công việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, không nên “mất bò mới lo làm chuồng”, công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này phải được cả xã hội quan tâm. 

Không chỉ làm tuyên truyền đơn thuần như trước về phương thức, thủ đoạn phạm tội trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo Thượng tá Trần Văn Bình, Trưởng Phòng 8 Cục Cảnh sát hình sự, chúng ta phải có cách tuyên truyền để đến được từng người dân vì đa số bị hại là người già, không tham gia mạng xã hội và cũng không phải ai cũng quan tâm đến báo chí, truyền hình.

“Việc tuyên truyền phải thực hiện ở từng địa bàn cơ sở. Công an các phường, xã có thể in tờ rơi, hoặc đến từng nhà dân phổ biến cho mọi người, đặc biệt là người già, đối tượng nhằm vào của các nhóm lừa đảo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. 

Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên cho người khác mượn, thuê tài khoản cá nhân của mình để phục vụ cho việc thanh toán, chuyển tiền”- Thượng tá Bình đưa ra phương án.

Cơ quan Công an cũng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thông báo đến toàn bộ hệ thông ngân hàng, tổ chức tín dụng trên toàn quốc về những phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này, kể cả phát hành áp phích cảnh báo khách hàng về thủ đoạn tại các phòng giao dịch ngân hàng trên toàn quốc. 

Đồng thời nhanh chóng phối hợp với cơ quan Công an phong toả, sao kê, cung cấp hình ảnh phục vụ công tác điều tra…

Về phía lực lượng Cảnh sát hình sự, tiếp tục phối hợp với các đơn vị địa phương, các Cục nghiệp vụ phát hiện và xử lý loại tội phạm trên. Chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, rà soát các vụ liên quan trên địa bàn để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và điều tra xử lý đối tượng.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cần thu thập tài liệu, chứng cứ chặt chẽ để nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, không để tẩu tán tài sản, phối hợp với các cơ quan tố tụng đưa ra xử lý nghiêm các đối tượng theo pháp luật nhằm răn đe các đối tượng khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại