Bức tranh tăng trưởng chung của ngành hàng không được Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA) nhìn nhận khá lạc quan. IATA dự báo lợi nhuận ngành này trong năm 2018 sẽ đạt 32,3 tỷ USD và tăng lên thành 35,5 tỷ USD trong năm 2019. Nguyên nhân là do nhu cầu đi lại cao trong khi giá dầu giảm.
Đối với Việt Nam, một nghiên cứu của IATA cũng chỉ ra đây là một trong những thị trường nóng nhất toàn cầu với mức tăng trưởng doanh thu trong 10 năm trên hai con số, trung bình là 17,4%, vượt trội nếu so sánh với mức 7,9% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng là nơi ngành hàng không đang tăng trưởng cao.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt công bố hồi tháng 9/2018, thị phần hàng không Việt Nam chủ yếu là do hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet Air chia nhau, với 42% cho mỗi hãng. Jetstar Pacific và Vasco nắm giữ lần lượt là 14% và 2% thị phần.
Nguồn: Chứng khoán Bảo Việt
Miếng bánh này sắp tới sẽ có thể có nhiều sự thay đổi khi hãng bay thứ 5 là Bamboo Airways gia nhập cuộc chơi. Bamboo Airways dự định sẽ thực hiện chuyến bay kỹ thuật đầu tiên vào ngày 27/12 này.
Mặt khác, trong năm 2019, nếu thuận lợi, hãng hàng không liên doanh Việt Nam AirAsia cũng có thể bay vào khoảng tháng 7, tháng 8. Tuy nhiên vẫn còn rất xa để chờ đón những biến động của thị phần hàng không. Hiện cuộc chơi vẫn nằm trong tay Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Đối với Vietnam Airlines, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018, doanh thu thuần công ty tăng 18%, đạt mức 25.377 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 tổng doanh thu đạt 73.504 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Trong số đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 59.835 tỷ đồng, đóng góp đến 81% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ các hoạt động phụ trợ vận tải hàng không, doanh thu bán hàng và doanh thu khác.
Sau 3 quý, Vietnam Airlines cũng đã báo lãi sau thuế 1.969 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017 và đã hoàn thành, vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.
Với ông lớn còn lại của thị trường là Vietjet Air, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, doanh thu hãng đạt khoảng 12.713 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay.
Tổng lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Nắm khoảng 14% thị phần, Jetstar Pacific được xem là hãng hàng không lớn thứ 3 của Việt Nam. Sau một thời gian kín tiếng, vừa qua, hãng đã bất ngờ công bố kết quả kinh doanh, phá vỡ những nhận định thua lỗ trước đó.
Theo Jetstar Pacific, doanh thu năm 2018 dự kiến đạt 9.100 tỷ đồng với mức tăng trưởng 21%, có lợi nhuận, vượt kế hoạch 161 tỷ đồng.
Một vấn đề mà các hãng hàng không gặp phải là giá nhiên liệu, cụ thể là xăng Jet A1, tăng cao hồi đầu năm cũng sắp được giải quyết khi mặt hàng này đã giảm từ mạnh trong vòng 3 tháng gần đây.
Xăng hiện chiếm từ 40 – 50% chi phí vận hành của một hãng bay. Chính vì thế, giá nguyên liệu đã được Vietnam Airlines dẫn ra khi giải thích cho nguyên nhân doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, cùng với sự xuống giá của dầu trong 3 tháng vừa qua, từ 86 USD/thùng hồi tháng 10, giá dầu Brent xuống còn 56 USD/thùng, giảm khoảng 35%. Dầu giảm kéo theo giá xăng máy bay giảm tương ứng. Cụ thể, từ 100 USD/thùng xuồng còn 80 USD/thùng.
Đây được xem là tin vui bất ngờ cho ngành hàng không vì hầu hết các tổ chức đều dự báo lợi nhuận các hãng bay bị ảnh hưởng trong thời gian dài vì giá dầu xu hướng tăng. Với những kế hoạch lợi nhuận dựa trên giá dầu cao, các hãng hàng không đang có cơ hội ghi nhận lợi nhuận cao hơn kế hoạch đưa ra trước đó.
Giá nhiên liệu giảm mạnh cũng rất tích cực với các hãng hàng không mới gia nhập thị trường, như Bamboo Airways. Trong quá khứ, Vietjet Air đã từng dời lịch bay thương mại đầu tiên với lý do giá nguyên liệu đang ở mức quá cao.