Chúng tôi trích dịch chương "Thần linh trong không gian vô tuyến" của cuốn sách "Những góc khuất trong chiến sử Việt Nam" xuất bản năm 1995 của TS Giôn Pra-đốt (John Prados), sử gia Mỹ.
Các nỗ lực nghe lén của QĐND Việt Nam ban đầu bị ngăn chặn vì các trang bị vô tuyến điện (VTĐ) thô sơ, vì có tới một tá các loại điện đài vô tuyến được sản xuất ở nhiều nước được sử dụng tại các đơn vị chiến đấu.
Đây là những trang bị không tương thích với điện đài AN/PRC-25 được dùng trong mạng thông tin tác chiến cấp chiến thuật của quân đội Mỹ. Các điệp viên QĐND Việt Nam đã tìm mọi cách đoạt các máy bộ đàm PRC-25 ở mọi nơi có thể.
Ban đầu, các điện đài lấy được của Mỹ chỉ ưu tiên dành cho các đơn vị trinh sát điện tử. Nhưng tới năm 1969, số PRC-25 đoạt được khá nhiều khi điện đài này trở thành một chuẩn mực trong các đơn vị chiến đấu của Mỹ. Người Mỹ sau đó phải đưa vào sử dụng AN/PRC-27, một máy đàm thoại vô tuyến được bảo mật.
Nghi binh là chiến thuật phổ biến trong thời kỳ mở cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968. QĐND Việt Nam đã thâm nhập vào mạng VTĐ của quân đội Mỹ và Sài Gòn, phát đi những bức điện đánh lừa.
Trinh sát điện tử của quân đội Mỹ...
Các chuyên gia Mỹ đã tung ra một nỗ lực mới khai thác tính tức thời của thông tin nghe lén để lặp lại các chiến quả đạt được như trong trận tại đường Minh Thạnh tháng 7-1966. Đó là dự án Người khiêu vũ (Project Dancer), cho phép đưa người của chính quyền Sài Gòn cộng tác cùng các VTĐ viên của Mỹ để dịch thuật kịp thời những gì có lợi cho các đơn vị đang tác chiến.
Sau đó, dự án này được mở rộng sang không quân. Dự án Người khiêu vũ dễ gây ra những mạo hiểm đáng kể về an ninh, vì nếu người của chính quyền Sài Gòn là điệp viên cộng sản, họ sẽ tiếp cận vô cùng gần với một số thiết bị và kỹ năng tối mật.
Những biện pháp phụ trợ được áp dụng để bảo đảm an ninh, chẳng hạn như thẩm vấn các nhân viên Sài Gòn được tuyển mộ vào dự án, cô lập không gian công tác của họ… đã làm chậm tiến độ dự án này và làm giảm quy mô tin tức mà tình báo Mỹ có thể chuyển cho các đơn vị đang tác chiến.
Kết quả nghe lén điện vô tuyến đã làm bộc lộ một số cuộc hành quân của đối phương, nhưng lại khiến tướng Oét-mo-len (Westmoreland), Tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam chúi vào các cuộc cơ động của các đơn vị QĐND Việt Nam từ miền Bắc.
Nó cũng cho thấy tuyên bố về sau rằng trinh sát vô tuyến điện tử Mỹ (COMINT) đã dự báo được cuộc tiến công Tết Mậu Thân là phóng đại… Trên thực tế, các số liệu nghe trộm được làm cho Oét-mo-len theo hướng chú trọng vào Khe Sanh.
Tuy vậy, một báo cáo của An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) ngày 25-1-1968 đã cảnh báo các mục tiêu trên toàn Nam Việt Nam đang bị đe dọa. Nhưng sĩ quan tại trụ sở chính của CIA xử lý tin này lại nhìn nhận cảnh báo như thế theo hướng khác.
Dù nhất trí với báo cáo của NSA rằng "các bức điện khẩn qua lại giữa các sở chỉ huy của đối phương đã đạt tới một dung lượng gần như chưa từng thấy…", nhưng nhân viên CIA này lại ghi chú rằng báo cáo cho thấy "có khả năng sẽ xảy ra hoạt động" nhằm đoạt lấy vùng Sài Gòn và vùng cực nam của Nam Việt Nam. Khó mà coi đây là một cảnh báo rõ rệt về cuộc tiến công Tết Mậu Thân.
Rồi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bùng phát, với cường độ trong không gian VTĐ lớn ít thấy trong toàn cuộc chiến.
Những "tai mắt" trên sóng điện cũng hoạt động ráo riết. Tại Phú Bài (Huế), nơi có tới 1.076 binh sĩ của đơn vị sục sạo bằng VTĐ mang tên RRU số 8, tòa nhà của Trinh sát điện tử Mỹ đã trở thành mục tiêu phóng rốc-két của đối phương vào lúc khuya, ngay trước khi trận Tổng tiến công bắt đầu.
Đây hẳn là phương án làm "đoản mạch" sóng điện của Mỹ. 15 quả rốc-két đã đánh trúng khu nhà của RRU 8.
... và QĐND Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Truyền thông Mỹ.
Tết Mậu Thân cũng là lúc lính tác chiến điện tử Min-nốc (W.Minnock Jr), lính nghĩa vụ duy nhất được thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh, là một chuyên gia nghe lén tại Đơn vị sục sạo VTĐ (DRD) số 404, thuộc đội hình Lữ đoàn không vận 173, được cấp những tin tình báo có giá trị trong trận chiến Đắc Tô tháng 11-1967, Min-nốc đã hỗ trợ phần nào cho phòng thủ của Mỹ tại An Khê và Tuy Hòa.
Vài tháng sau, Min-nốc lại cảnh báo rõ ràng về kế hoạch tiến công của QĐND Việt Nam nhằm vào Tuy Hòa, khiến cho quân Mỹ chặn được cuộc tiến công này.
Để quản trị được ngần ấy hoạt động trên chiến trường thời Tết Mậu Thân, QĐND Việt Nam buộc phải chấp nhận mức lưu thông chưa từng có của các điện mật vô tuyến.
Một cuốn sách xuất bản ở Hà Nội cho hay, thời đó số bức điện mà Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu phát đã tăng khoảng 5.000 bức điện mỗi tháng, lên tới đỉnh cao là 13.000 mỗi tháng. Với ngần ấy bức điện, khả năng của Mỹ nghe lén và xác định đài phát của đối phương lẽ ra phải đạt cao hơn.
Ngay trước Tết, khi Oét-mo-len nghĩ rằng chiến trường chính là ở Khe Sanh, các chuyên gia định hướng Đài phát sóng đối phương (RDF) của Mỹ đã ước định được tọa độ của một Sở chỉ huy cấp cao của QĐND Việt Nam ở Lào.
Một trong số những trinh sát điện tử Mỹ cho rằng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang ở đó. Oét-mo-len đã "trám" hang này bằng khoảng 900 tấn bom giội xuống trong hai đợt B-52 rải thảm. Nhưng thực tế, ông Giáp đã không có mặt tại Sở chỉ huy này. Sau năm 1968, QĐND Việt Nam đã tiến hành tách Trung tâm thông tin khỏi Sở chỉ huy mà nó phục vụ.
Ha-vơ Xa-an (Harve Saal), một nhân viên bám chiến trường làm cho Nhóm Nghiên cứu và Quan sát thuộc MACV cho hay, nhóm đặc nhiệm của ông ta (có thể là nhóm mang bí số 403 thuộc đại đội trinh sát cấp trung đoàn/ RRC số 101) đã đạt kết quả cao trong nghe lén, đến mức quân Mỹ có thể nói đùa rằng, không cần phải hành quân tác chiến nữa.
Cùng kỳ, các nhân viên Nhóm Nghiên cứu và Quan sát phàn nàn rằng, QĐND Việt Nam thường nắm được các cuộc tuần tra của quân Mỹ, vào lúc các phân đội này vừa tiếp đất từ trực thăng. Theo sách Nhóm Nghiên cứu và Quan sát (SOG) của Thiếu tá Giôn Plát-tơ (John Plasters), vấn đề này hóa giải được phần nào bởi RRC 101.
Đơn vị tác chiến điện tử này của Mỹ, đã kết hợp gửi một số báo cáo cho quân đội Sài Gòn, nhưng với các thông tin về tọa độ trên bản đồ sai lệch đi để điệp viên "Việt Cộng" trong quân đội Sài Gòn bị vô hiệu hóa phần nào, do thông báo các tọa độ Mỹ đổ quân không khớp với thực tế.
Tháng 5-1970, Biệt động quân của quân đội Sài Gòn ở Kon Tum đã thu được của đối phương những hệ mật mã tinh vi được MACVSOG sử dụng, với những ký hiệu đánh dấu trên một số trang cho thấy đối phương đã khôi phục lại bất cứ tuyến đường thuộc hành lang giao thông bí mật nào mà họ có được lúc đó.
Quân đội Mỹ và Sài Gòn triển khai những cố gắng đặc biệt để chống lại trinh sát điện tử của QĐND Việt Nam trong suốt năm 1969. Tới lúc đó, hoạt động của trinh sát vô tuyến của đối phương đã đạt tới mức được xem như cản trở chủ yếu đối với hoạt động tác chiến của Mỹ và Sài Gòn.
Một nghiên cứu của Bộ chỉ huy quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương về an ninh chiến dịch Xuân 1969 đánh giá rằng, QĐND Việt Nam có thể đã sử dụng tới khoảng 4.000 trinh sát điện tử để thâm nhập vào mạng của quân Mỹ. Một số nguồn khác cho rằng có tới 5.000 người.
QĐND Việt Nam đã giành được những kết quả đáng kể. Các tài liệu bắt được tháng 7-1969 cho thấy, họ giải mã được một số trong những mật mã thông dụng của quân Mỹ và khoảng 15 loại mật mã dạng mã hóa 3 chữ số thường dùng trong quân đội Sài Gòn.
Tháng 12-1969, một trung đội thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn BB Mỹ số 1 đã tiến công một trạm trinh sát vô tuyến của đối phương mang bí số A3, thu được trang bị và tài liệu của họ.
Quân Mỹ khởi sự Dự án Tiếp đất như một nỗ lực tăng cường để đạt được am hiểu mức cao nhất về hoạt động trinh sát vô tuyến. Tuy nhiên, QĐND Việt Nam vẫn tỏ ra từng trải ở quy mô rộng lớn, ghi lại được hàng nghìn cuộc hội thoại vô tuyến của quân lực Mỹ hoặc quân đội Sài Gòn và giải mã được chúng. Tóm lại, đối phương đã trở thành những chuyên gia về trinh sát vô tuyến.