Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó

Nam Thanh |

Ngày 28 tháng 11 tới đây, Yasumasa Shibuya - hung thủ của vụ án giết hại bé Nhật Linh tại Nhật Bản sẽ được đem ra xét xử, ghi dấu thêm vào lịch sử tội phạm Nhật Bản một vụ án với motip quá quen thuộc. Vậy, giữa những vụ án này có điểm chung nào đằng sau chăng?

Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước an toàn bậc nhất thế giới với tỉ lệ tội phạm rất thấp, thậm chí có những địa phương, cảnh sát phải dàn bẫy để bắt được các trường hợp tội phạm... tiềm năng.

Nhưng mỗi khi có sự vụ xảy ra thì đều là những vụ án lớn gây chấn động, nhất là rất nhiều các vụ án trong số đó thường có các tình tiết xâm hại tình dục, thậm chí ấu dâm,

ví dụ như vụ án tên sát nhân Otaku Tsutomu Miyazaki hay mới đây là vụ án Yasumasa Shibuya sát hại bé gái 9 tuổi người Việt Nhật Linh.

Vậy, đâu là điểm chung giữa những vụ án như thế này?

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 1.

Những tội ác giết người - xâm hại tình dục - bắt cóc trẻ em ở Nhật Bản nhiều tới mức chỉ cần gõ từ khóa "Japanese crimes" là sẽ ra không dưới hàng chục kết quả trả về như thế này.

1. Những kẻ hận đời

Trong hầu hết các vụ án chấn động ở Nhật Bản, chúng ta đều có thể thấy những tên sát nhân có khá nhiều điểm chung về nhân thân. Chúng hầu hết đều nấp dưới những vỏ bọc khá là vô hại, được bạn bè từ thời đi học, hàng xóm hay đồng nghiệp nhận xét là hiền lành, kín đáo.

Thế nhưng, tuổi thơ cho tới những ngày trưởng thành của mỗi tên sát nhân này đều có những trắc trở riêng.

Nếu như sát nhân Otaku Miyazaki Tsutomu có bàn tay dị dạng, thường bị các bạn học bắt nạt thì Satoshi Uematsu - kẻ giết hại 9 người tàn tật và làm hơn 30 người khác bị thương vào tháng 7 năm 2016 - lại có thanh xuân bị mắc kẹt với công việc nhàm chán trong các cơ sở hỗ trợ người tàn tật ở địa phương.

Gã sau đó còn bị đuổi việc, từ đó tâm lý căm ghét và muốn "hành hình'' những người khuyết tật bắt đầu xuất hiện trong Satoshi.

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 2.

Miyazaki Tsutomu thường bị bắt nạt từ thời đi học vì bàn tay quái dị này.

Xã hội Nhật Bản coi trọng địa vị hơn bất cứ thứ gì cũng đồng thời trở thành kẻ thù của những kẻ không có khả năng tiến xa trong sự nghiệp, gây cho chúng tâm lý buồn bực, thù hận và muốn trả thù cuộc đời bằng cách nhắm vào những người yếu ớt hơn.

2. Nhân cách méo mó và lối sống cô độc của các hung thủ

Một điểm chung giữa những tên sát nhân Nhật Bản, đó là chúng đều khá cô độc - có thể là do hoàn cảnh sống, cũng có thể là do sự lựa chọn.

Takahiro Shiraishi - kẻ thủ ác trong vụ án 9 xác chết bị chặt khúc giấu trong thùng lạnh vốn có một tuổi thơ êm đềm và khá giả nhưng khi lớn lên lại không tìm được mục đích sống,

dần dần hắn sa ngã vào ngành công nghiệp tình dục và trở thành một kẻ hoàn toàn cô đơn sau khi bị bạn gái chia tay vào khoảng năm 2014.

Sau đó, gã thường xuyên lên các diễn đàn trực tuyến về tự tử, dụ dỗ những người đang chán đời và tìm cách ra tay với họ, vừa để thỏa mãn thú tính, vừa để chiếm đoạn tài sản.

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 3.

Tên sát nhân Shiraishi đã từng rất cô đơn.

Hay như Miyazaki Tsutomu, trượt dài với thành tích học tập đi xuống dù vốn là một đứa trẻ xuất sắc, hắn bắt đầu căm ghét cuộc đời và rút sâu vào căn hộ nhỏ, hàng ngày ngồi xem phim ảnh đồi trụy -

những thứ này sau đó đã hình thành nên nhân cách biến thái đáng sợ của Tsutomu khiến gã trở thành ác quỷ thực thụ khi gây ra cái chết cho bốn bé gái Nhật Bản vào những năm 1988 - 1989.

"Nhiều khi tôi cảm thấy hoàn toàn cô độc" - Tsutomu thú nhận.

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 4.

Căn phòng tràn ngập văn hóa phẩm đồi trụy - nơi thu mình khỏi xã hội của Miyazaki Tsutomu.

Một nhà tâm lý học trong vụ án bé Nhật Linh bị sát hại cũng đã kết luận rằng, tuổi thơ méo mó và thường xuyên bị bà mẹ quát mắng của Yasumasa Shibuya cũng góp một phần lớn vào việc hình thành tính cách bệnh hoạn thích ấu dâm của gã.

Do thường xuyên bị phụ nữ lớn tuổi la mắng, gã dần có sở thích tới các bé gái nhỏ tuổi. Cho tới tận cấp Ba, Shibuya vẫn thường xuyên đọc truyện tranh và có sở thích đặc biệt với những đoạn có các bé gái.

Sự biến thái trong nhân cách cộng thêm tâm lý muốn trả thù xã hội sẽ khiến máu bạo lực của những gã sát nhân này nhắm vào những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em,

cộng thêm vào đó là sự cổ súy của các văn hóa phẩm người lớn vốn là "đặc sản" của lối sống dễ dãi, xa lánh cộng đồng sẽ khiến tội ác của những sát nhân này thêm phần dã man.

3. Từ những kẻ yếu đuối dẫn đến suy nghĩ tiêu cực

Một điều không thể phủ nhận, đó là đất nước Nhật Bản đang ngày càng hoàn thiện về mặt khoa học kỹ thuật và những ứng dụng về mặt cộng đồng.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, ô tô ở Nhật Bản sẽ không còn cần người lái, nghề cảnh sát giao thông sẽ trở thành dĩ vãng, các camera an ninh sẽ làm thay nhiệm vụ của những người cảnh sát đạp xe đi tuần hàng đêm.

Chính sự văn minh tuyệt đối cùng tính tự giác của con người lại vô tình biến những kẻ phá luật ở Nhật Bản trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 5.

Chuyện nói ra nghe thì như đùa, nhưng xã hội văn minh khiến cho cảnh sát cũng như các hệ thống cảnh báo an ninh của Nhật Bản làm việc không tốt.

Nhắc lại vụ án cô bé 4 tuổi Lê Nhật Linh bị sát hại ở Nhật Bản. Lối sống văn minh và giáo dục con cái tính độc lập từ bé đã khiến các bậc phụ huynh hoàn toàn tin tưởng vào các camera an ninh cũng như "đội tuần tra khu phố" đảm bảo an toàn cho những cô, cậu bé 4, 5 tuổi như Nhật Linh đi học một mình.

Và thế là, Yasumasa Shibuya, một thành viên của hội phụ huynh, cũng là người theo dõi và đảm bảo an toàn cho tuyến đường đi học của các cháu bé lại càng có cơ hội tiếp cận con mồi dễ dàng hơn bao giờ hết.

Những tên sát nhân gây rúng động Nhật Bản: Ôm nỗi hận đời, lối sống cô độc và nhân cách méo mó - Ảnh 6.

Việc hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ thống camera và ý thức tự quản của người dân khiến cho nhiều em bé vô tình trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc, xâm hại tình dục, thậm chí giết người.

Xã hội Nhật Bản văn minh tới mức, người ta trở nên ít chăm lo cho nhau hơn. Điểm chung lớn nhất giữa những vụ án rúng động dư luận này nằm ở chỗ, các nạn nhân đều quá yếu ớt và dễ bị tiếp cận, dù là vì lý do gì đi nữa.

Những diễn đàn tự tử mọc lên như nấm sau mưa vừa là biểu tượng của sự kết nối những con người cùng cảnh mất niềm tin vào cuộc sống, lại là dấu hiệu cho một xã hội tiên tiến mà cô đơn hơn bao giờ hết.

Người ta có thể dễ dàng vì một hai cú vấp ngã trong đời mà trở nên bi quan, tiêu cực, và đó là lúc họ trở thành con mồi của những nhân cách biến thái đã từng có lúc là nạn nhân của chính xã hội Nhật Bản khắc nghiệt.

Để thỏa mãn cho thú tính của mình, các sát nhân Nhật Bản chẳng dại gì mà nhắm đến những người đàn ông, chúng sẽ nhắm vào những người phụ nữ đang buồn bã, những cô cậu bé được bố mẹ cho một mình ra đường,

đó chính là lý do khiến mỗi vụ án giết người và xâm hại tình dục ở Nhật Bản nổ ra thì nạn nhân thường xuyên là phụ nữ và trẻ em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại