Những siêu vũ khí Mỹ khiến quân đội Nga phải "ao ước"

Thiên Minh |

Mặc dù là lực lượng đáng gờm nhưng quân đội Nga vẫn còn tồn tại một số thiếu sót quan trọng nếu so với Mỹ.

Theo nhà phân tích Robert Farley, trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ luôn ra sức bắt kịp những loại vũ khí tốt nhất của nhau. Các loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu ngầm và xe tăng trong thời kỳ này đều do 2 phía nhìn nhau mà thiết kế.

Khi Chiến tranh Lạnh đến hồi kết thúc, Liên Xô mất đi khả năng cạnh tranh với Mỹ ở một số lĩnh vực then chốt. Sự sụp đổ của tổ hợp công nghiệp - quốc phòng sau khi Xô Viết sụp đổ càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Ngày nay, mặc dù vẫn là một lực lượng đáng gờm nhưng quân đội Nga còn tồn tại một số thiếu sót quan trọng nếu so với Mỹ.

Dưới đây là 5 phương diện mà chuyên gia Farley cho rằng Nga mong muốn được như Mỹ:

1. Tiêm kích thế hệ 5

5 năm trước, mẫu tiêm kích Sukhoi PAK FA được kỳ vọng sẽ giúp Nga thu hẹp khoảng cách với Mỹ và trở thành máy bay chiến đấu tiền tuyến của Moscow.

Hiện nay, chương trình này đang gặp khó khăn, các vấn đề về kinh tế và kỹ thuật đã khiến Nga giảm đáng kể số lượng đặt hàng so với kế hoạch.

Trong khi đó, Mỹ đã thành công đưa F-22 vào phục vụ ở tiền tuyến.

Những siêu vũ khí Mỹ khiến quân đội Nga phải ao ước - Ảnh 1.

Tiêm kích PAK FA của Nga (trên) và F-22 của Mỹ (dưới).

Mặc dù Nga vẫn tiếp tục chế tạo và vận hành các chiến đấu cơ đáng gờm khác nhưng không loại nào có thể sánh được với F-22 (theo giới chuyên gia phương Tây).

Cho tới trước khi PAK FA hoặc một mẫu máy bay mới khác được đưa vào hoạt động thì Mỹ vẫn nắm lợi thế quyết định trong cuộc chiến giành ưu thế trên không.

Màn trình diễn ấn tượng của F-22 tại triển lãm RIAT 2016

2. Vũ khí dẫn đường chính xác

So với 2 chiến dịch quân sự ở Gruzia và Ukraine, Nga đã bắt đầu sử dụng rộng rãi hơn các loại vũ khí dẫn đường chính xác tại Syria nhưng nước này vẫn xếp sau Mỹ về tần suất triển khai chúng.

Những siêu vũ khí Mỹ khiến quân đội Nga phải ao ước - Ảnh 3.

Bom dẫn đường KAB-500S lắp dưới cửa hút gió của máy bay ném bom Su-34.

Một phần lý do là vì học thuyết quân sự khác nhau, song phần khác là vì Nga vẫn chưa tích trữ được lượng lớn vũ khí dẫn đường chính xác như Mỹ đã có được qua nhiều thập kỷ.

Hơn nữa, các chiến đấu cơ Nga nhìn chung chưa được trang bị các pod cảm biến đặc trưng như trên máy bay phương Tây khi thực hiện nhiệm vụ không-đối-đất.

Điều này khiến cho chiến dịch không kích của Nga có nhiều khác biệt (ở một số khía cạnh kém hiệu quả hơn) so với phương Tây.

3. Tổ hợp tình báo-giám sát-trinh sát (ISR)

Trong buổi xế chiều của Chiến tranh Lạnh, các nhà tư tưởng quân sự Liên Xô đã nhận thấy rằng, sự kết hợp giữa khả năng tấn công tầm xa và công nghệ thông tin sẽ mang lại năng lực thống trị trong thời đại mới.

Họ cũng thấy rằng Liên Xô đã thiếu đi hệ thống đổi mới cần thiết để cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ máy tính và thông tin liên lạc.

Đối với quân đội Nga ngày nay, một số mặt đã được cải thiện, một số mặt khác thì chưa. Họ vẫn thiếu những khả năng đặc trưng cho phương thức tác chiến của Mỹ, như tình báo, thông tin liên lạc, năng lực phối hợp.

Mặc dù các lực lượng vũ trang Nga đã tác chiến hiệu quả tại Gruzia, Ukraine và Syria nhưng họ sẽ gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa nếu được bổ sung thêm máy bay không người lái, thiết bị thông tin liên lạc hạng nhẹ, hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và máy tính tốc độ cao.

4. Phương tiện tác chiến đổ bộ

Năm 2011, Nga ký hợp đồng với Pháp để mua 4 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral. Theo thỏa thuận, Pháp sẽ đóng 2 tàu đầu tiên, sau đó hỗ trợ Nga chế tạo cặp tàu tiếp theo.

Các con tàu này hứa hẹn sẽ giúp Nga lấp đầy lỗ hổng trong năng lực tác chiến đổ bộ vốn đã bị bỏ bê từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Những siêu vũ khí Mỹ khiến quân đội Nga phải ao ước - Ảnh 4.

Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga.

Tuy nhiên, việc Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào tình hình Ukraine đã khiến Pháp hủy bỏ hợp đồng, phá vỡ kế hoạch trang bị các tàu đổ bộ hiện đại của Moscow.

Nếu Hải quân Nga có được các tàu Mistral thì có lẽ giờ này chúng đang được triển khai ngoài khơi Syria.

Thay vào đó, Hải quân Nga vẫn tiếp tục phụ thuộc vào những chiếc tàu đã hoạt động lâu năm, trong lúc ngành công nghiệp đóng tàu của nước này đang phải gắng sức lắp ráp những con tàu hiện đại, với kích cỡ lớn hơn.

Những siêu vũ khí Mỹ khiến quân đội Nga phải ao ước - Ảnh 5.

Tàu đổ bộ USS America của Mỹ được đánh giá là mạnh ngang tàu sân bay.

Siêu tàu đổ bộ USS America nhìn từ trên cao

5. Lực lượng chuyên nghiệp

Nga đang gặp nhiều vấn đề với hệ thống tuyển quân nghĩa vụ đã lỗi thời. Giới chức quân sự nhìn chung cũng đánh giá lính nghĩa vụ có chất lượng rất thấp.

Moscow đã phát triển một loạt các kế hoạch để xây dựng quân đội chuyên nghiệp nhưng nước này vẫn gặp phải những vướng mắc nhất định về tư tưởng truyền thống và khó khăn tài chính.

Nếu xây dựng được một đội quân tự nguyện, chuyên nghiệp, hiệu quả tác chiến của quân đội Nga chắc chắn sẽ được tăng cường đáng kể.

Kết luận

Nhìn chung, quân đội Nga vẫn cực kỳ đáng gờm, song họ còn phải tiếp tục đấu tranh với những tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tình hình kinh tế khó khăn, giá dầu giảm là các yếu tố bất lợi lớn. Tuy nhiên, vẫn có lý do để tin rằng người Nga đã nhận thức rõ rệt những thiếu sót của mình và đang nỗ lực để khắc phục chúng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Robert Farley, giảng viên cấp cao tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson, Đại học Kentucky (Mỹ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại