Hôm nay ông tướng già (86 tuổi), từng chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt của lực lượng đặc công nước, đi dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Lữ đoàn 126 đặc công hải quân.
Những người cựu binh đặc công nước huyền thoại năm xưa siết chặt tay, ôn lại những trận oanh liệt trên mặt trận Cửa Việt-Đông Hà năm nào.
Trận đầu ra quân
Trong ký ức của thiếu tướng Mai Năng, nguyên Đoàn trưởng 126, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, trận đánh đầu tiên đánh chìm tàu cuốc ở Cửa Việt khó thể phai mờ.
Ông là người chỉ huy trực tiếp trận đánh mở màn của lực lượng đặc công hải quân ở mặt trận bắc Quảng Trị thời ấy.
Cửa sông Hiếu phía bờ nam, đêm 31/3/1967. Trong bóng tối mịt mùng, mấy bóng người đen trũi ẩn mình bên bờ.
Họ là những chiến sỹ đặc công nước Đội 1 thuộc Đoàn 126 nhận lệnh đánh chiếc tàu cuốc Nam Hàn đang nạo vét cửa sông, cách cảng Cửa Việt chừng nửa cây số. “Xuất phát”. Đội trưởng Mai Năng, người chỉ huy tổ chiến đấu, giương nắm đấm ra lệnh.
Hai người lính dưới quyền ông là Đỗ Khắc và Nguyễn Văn Kiểm mình trần trùng trục, ôm theo hai quả mìn nam châm, nhẹ nhàng trườn xuống nước, mất hút dưới sông.
Hai người lính đặc công nước như những con rái cá đẩy mìn tiến về phía con tàu. Phía bờ nam, đèn pha chiếu sáng trắng lòng sông. Trên tàu, những lính gác đi lại quan sát.
Hai người lính đặc công trồi lên mặt nước quan sát, chờ những lính gác đi khuất, họ nhanh nhẹn tiến vào mép tàu. Hai quả mìn nam châm được ốp vào thân tàu, hẹn giờ phát nổ. Xong họ lẳng lẽ biến vào sóng nước mênh mông.
Nửa tiếng sau, phía con tàu cuốc một tiếng nổ long trời lở đất. Chiếc tàu cuốc bốc cháy, cột lửa bốc lên ngùn ngụt. Tiếng còi báo động rít lanh lảnh, toàn bộ khu vực cảng Cửa Việt náo loạn.
Vùng cửa sông đèn dù, đèn pha soi sáng rực, tàu tuần tiễu quần lượn truy tìm. Tất cả tĩnh lặng. Rạng sáng, Đội trưởng Mai Năng cùng đội hình chiến đấu an toàn rút về căn cứ.
Tiếp đó, 5 giờ 30 phút sáng 8/5/1967, chiếc tàu cuốc thứ hai của địch đang nạo vét cảng Cửa Việt lại bị mìn của đặc công nước công phá, chìm nghỉm.
Rạng sáng 15/5/1967, chiếc tàu vận tải LCU đang neo đậu giữa sông khu vực Cửa Việt bị đánh chìm tại chỗ sau hai tiếng mìn nổ long trời lở đất.
Từ những trận đánh mở màn ban đầu bằng vũ khí thô sơ, lực lượng đặc công nước non trẻ từng bước rút ra kinh nghiệm chiến đấu đặc thù, dùng các tổ chiến đấu nhỏ, xuất quỷ nhập thần tiếp cận tiêu diệt tàu địch.
Hàng loạt phương tiện vận tải thủng của địch bị đánh chìm. Tuyến đường tiếp viện của địch bị chặt đứt.
Đánh chìm tàu dầu trên biển
Hoang mang khi thí tài chiến tranh liên tục bị phá hủy địch phải thay đổi phương thức vận chuyển. Các tàu lớn neo ở ngoài biển, dùng tàu nhỏ tăng bo vào cảng.
“Tình thế trên chiến trường buộc những chiến sỹ đặc công nước Đoàn 126 phải tìm ra phương pháp chiến đấu mới: tiêu diệt tàu địch trên biển”-thiếu tướng Mai Năng kể.
Ngày 5/9/1969, nhận tin có một tàu dầu của địch đỗ ngoài khơi, cách Cửa Việt 3 cây số chờ tàu nhỏ tăng bo hàng vào cảng, Đoàn 126 quyết định sử dụng người nhái đánh con tàu này.
Tổ chiến đấu 3 người thuộc Đội 1 do tổ trưởng Bùi Văn Hy chỉ huy được phân công trực tiếp đánh tàu. Một tổ tiếp vận 4 người mang theo thuốc nổ đến bờ bắc Cửa Việt cho tổ chiến đấu.
Trong đêm, tổ chiến đấu vượt sông sang bờ nam, ẩn mình trong những cồn cát.
Chiều 8/9/1969, theo lệnh của tổ trưởng Hy, hai chiến sỹ đặc công là Trần Quang Khải và Trần Xuân Hỗ mang trang phục người nhái ôm mìn lao mình xuống lòng sông. Cả hai đẩy khối thuốc nổ bơi ra biển.
Sóng gió to lại mang theo khối thuốc nổ lớn, phải hơn 3 giờ sau hai người mới tiếp cận với dây neo tàu dầu. Sau khi ra ám hiệu cho nhau, hai người tách ra, Hỗ luồn về mạn trái, Khải luồn sang phải.
Hai người tiếp cận hai bên mạn khoang chứa dầu, cạo hà bám ở vỏ tàu rồi áp mìn vào mạn.
Sợ nam châm yếu quả mìn khó bám chắc vào vỏ tàu, Khải cắt đứt phao mìn. Phao mìn nổi lên, lính gác trên tàu phát hiện xả súng báo động. Hai chiến sỹ vội vã vượt qua làn đạn bắn như mưa xuống quanh tàu, bơi về phía bờ.
Quân địch biết có đặc công nước Bắc Việt tấn công liền điều động hàng loạt máy bay, tàu tuần tiễu sục sạo truy tìm nhưng những người lính đặc công nước như người tàng hình biến mất.
Tuy nhiên, Khai bị một mảnh đạn bắn vào đùi. Hỗ bị sức ép của nước ù tai. Sợi dây liên lạc của hai người bị đứt. Cả hai tự tìm cách bơi vào bờ.
Chiếc tàu dầu lo sợ có mìn của đặc công nước vội vã tháo chạy về hướng cảng Cửa Việt. Nhưng mới chạy được một quãng ngắn, hai tiếng nổ toang lớn vang lên xé toang màn đêm.
Một quầng lửa đỏ kèm khói đen cuồn cuộn bốc lên. Chiếc tàu dầu trang bị hiện đại từ từ chìm xuống đáy biển.
Bẻ gãy “xương sống miền Trung”
Năm 1967, sau khi từ miền Bắc được điều động vào mặt trận Quảng Đà, Đội 3 Đoàn 126 đặc công hải quân được giao nhiệm vụ đầu tiên là đánh sập cầu Thủy Tú, cây cầu huyết mạch trên tuyến giao thông chi viện của địch ở mặt trận Quảng-Đà và Trị-Thiên-Huế. Cầu Thủy Tú được xây dựng kiến cố bê tông cốt thép dài 720m có 12 trụ, được bố phòng cực kỳ nghiêm mật.
Cách mỗi trụ cầu 5m có lớp dây thép gai bao bọc và 2 bóng đèn công suất lớn quét. Mỗi đầu cầu có một lô cốt, súng máy đặt qua lỗ châu mai sẵn sàng nã đạn. Trên cầu có một đại đội tuần tra canh gác.
Cách cầu về phía thượng nguồn có lớp rào dây thép gai qua sông, cứ 2 giờ có 2 xuồng tuần tra.
Ba chiến sỹ đặc công nước Đội 3 nhận nhiệm vụ đánh cầu Thủy Tú với tinh thần cảm tử.
Trước khi xuất trận đơn vị làm lễ truy điệu sống cho họ. Khối thuốc nổ TNT 120kg được chuyển tới khu vực núi Hòn Vàng ở thượng nguồn cầu Thủy Tú cho tổ chiến đấu.
20 giờ tối 2/4/1967, tổ trưởng chiến đấu Nguyễn Sự cùng hai tổ viên vẫy tay chào đồng đội rồi đưa khối thuốc nổ ra giữa sông. Ba người bơi theo đội hình chữ V xuôi dòng về phía cầu.
Lúc này có một đoàn xe kéo pháo của địch rùng rùng chạy qua, toán lính tuần tra đang co cụm theo dõi bảo vệ đoàn xe.
Chớp thời cơ này, 3 chiến sỹ đặc công mở lớp rào dây thép gai đã cắt từ trước, đưa khối thuốc nổ vào trụ cầu. Tổ trưởng Nguyễn Sự ra lệnh cho hai tổ viên rút về nơi tập kết, còn ông ở lại.
30 phút sau, một tiếng nổ vang kèm ánh chớp lóe lên làm rung chuyển những nhà dân gần đó. Trụ cầu bị đánh gãy, 2 nhịp cầu gục xuống lòng sông. Trận đánh cầu Thủy Tú thắng lợi nhưng tổ trưởng Nguyễn Sự hy sinh khi cây cầu gãy đổ.
Trận đánh được báo chí Sài Gòn lúc ấy đưa tin ví như xương sống miền Trung bị đánh gãy.
Sau đó, Đoàn 126 tiếp tục đánh hàng loạt cầu trên tuyến giao thông huyết mạch chi viện của địch ở miền Trung như Vân Trình nối Thừa Thiên với Quảng Trị, cầu Ngô Xá Đông, Lai Phước, cầu đường sắt Quảng Trị, cầu Quảng Trị, cầu Yên Hội, cầu Lăng Cô, cầu Giao Thủy, Thanh Quýt…
Theo thống kê của Lữ đoàn 126, từ năm 1967-1972, lực lượng đặc công Hải quân đã tham gia các chiến dịch đường 9- Bắc Quảng Trị, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch đường 9-Nam Lào, tham gia đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, tham gia chiến dịch Trị-Thiên, giải phóng Quảng Trị và đánh bại âm mưu tái chiếm Quảng Trị năm 1972. Lực lượng đặc công hải quân đánh chìm và làm tê liệt 372 chiếc tàu chiến và tàu vận tải của địch.
Cùng với việc chiến đấu lập nên những chiến công oanh liệt tại mặt trận Bắc Quảng Trị, Đoàn 126 đã tham gia giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc; tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia; bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.