Những nhà sản xuất vũ khí "bé hạt tiêu nhưng có võ"

Bảo Lam |

Không chỉ các nước công nghiệp phát triển, những quốc gia đang phát triển cũng đang bắt đầu ghi dấu ấn của mình trên thị trường vũ khí

Năm nay - năm được nhà lãnh đạo Iran Ali Khamenei tuyên bố là "năm hỗ trợ sản xuất trong nước", các quan chức chính phủ và người dân Iran một lần nữa phải có trách nhiệm quan tâm hàng đầu tới công cuộc phát triển kinh tế và đặc biệt là nền sản xuất nội địa.

Sự quan tâm này được xem là "chìa khóa" để phát triển đất nước, rất cần thiết để vực dậy nền kinh tế Iran.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, không chỉ các nước công nghiệp phát triển, mà cả những quốc gia đang phát triển và thậm chí cả những quốc gia trung bình đều đã có thể ghi dấu ấn của mình trên thị trường vũ khí và đạt được thành công trong quá trình cải cách kinh tế nhờ phát triển lĩnh vực quốc phòng.

Bài viết dưới đây đề cập tới tình hình trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng ở khu vực châu Á và các nước láng giềng của Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ: Quốc gia tiên phong với đông đảo lao động trong lĩnh vực quân sự

Nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, với vai trò là người thừa kế chính của Đế quốc Osman và một trong những thành viên quan trọng của NATO, thường xuyên quan tâm đặc biệt tới việc trang bị cho các lực lượng vũ trang, bởi vậy hiện nay, trong khuôn khổ NATO, quốc gia này xếp thứ hai sau Mỹ về quân số của quân đội.

Trong vòng vài chục năm trở lại đây, nước này đã khởi động nhiều dự án quan trọng và dài hạn về sản xuất sản phẩm quốc phòng trên cơ sở nguồn lực trong nước, cũng như thu hút các đối tác nước ngoài.

Những nhà sản xuất vũ khí bé hạt tiêu nhưng có võ - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Army Ground Combat Systems

Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là trang bị những kiến thức cần thiết cùng với công nghệ sản xuất để chính phủ thu được lợi nhuận. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có sự tham gia của khu vực tư nhân và nguồn lực nhà nước, nên rất nhiều sản phẩm quân sự được tung ra thị trường nội địa và quốc tế.

Cần phải kể đến sự tham gia của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ như Turkish Aerospace Industries (TAI), Roketsan, Aselsan, FNSS Defence Systems và Mechanical & Chemical Industry Corporation (МКЕК). Điều thú vị là tại 5 doanh nghiệp nêu trên có tối đa 15-20 nghìn công nhân đang làm việc trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào các dự án quốc phòng lớn như xe tăng Altay, trực thăng T-129 và máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5. Ngoài ra, quốc gia này còn tích cực nghiên cứu công nghệ chế tạo quân phục tối tân và thiết bị chống đạn dành cho binh lính.

Trong số những nghiên cứu nói trên, có thể kể đến chiếc xe bọc thép Kirpi hiện đang được quân đội Tunisia, Turkmenia và Qatar sử dụng. Ngoài ra, chiếc xe bọc thép này còn chứng tỏ được những ưu điểm của mình trong các cuộc đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với những phần tử cực đoan người Kurd.

Thêm một nghiên cứu mới nhất của lĩnh vực quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ là súng MPT-76- hiện đang được trang bị làm vũ khí cá nhân cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào thời điểm hiện nay, khẩu súng này đã có mặt trong kho vũ khí của quân đội Somali và Azerbaijan. Như vậy trong vài năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhà cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự lớn trên thế giới. Chỉ tính trong năm 2017, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ước vào khoảng 1,7 tỷ USD.

Pakistan: Phát triển sản xuất trong nước với đòn bẩy đặt vào hàng không

Là láng giềng phía đông của Iran, trong những năm gần đây, Pakistan đã mở rộng đáng kể sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đặc biệt chú trọng tới vấn đề nhập khẩu công nghệ, bởi quốc gia này có một đối thủ đáng gờm là Ấn Độ.

Trung Quốc là quốc gia bảo trợ nhiều nhất cho Pakistan, không chỉ về tài chính mà còn giúp đỡ xây dựng lực lượng không quân, tàu chiến mang tên lửa và tàu ngầm.

Pakistan đã xây dựng xong một kế hoạch khá tham vọng về gia tăng doanh thu xuất khẩu vũ khí lên đến 1 tỷ USD, kéo theo đó là tạo số lượng lớn việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Những nhà sản xuất vũ khí bé hạt tiêu nhưng có võ - Ảnh 2.

Tiêm kích JF-17. Ảnh: Livefist

Các quốc gia được quan tâm đặc biệt với vai trò khách hàng đó là Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Ai Cập. Bên cạnh đó, người Pakistan đặt nhiều kỳ vọng vào các máy bay huấn luyện Super Mashshak và các tiêm kích JF-17.

Trong khuôn khổ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của mình, Pakistan phát triển đa dạng ngành nghề, từ sản xuất vũ khí hạng nhẹ cho đến xuất xưởng các mẫu xe tăng, xe vận tải thiết giáp, tàu chiến và máy bay các loại.

Có tới hàng nghìn lao động trong nước tham gia vào lĩnh vực này, bởi vậy Pakistan không chỉ bảo đảm được nhu cầu trong nước mà còn tích lũy được nguồn ngoại tệ.

UAE: Đất nước nhỏ bé với những tiềm năng lớn

Trong vòng một vài năm gần đây, UAE đã thành công trong việc đầu tư nhiều nguồn lực lớn để phát triển một vài ngành nghề của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đặc biệt vào sản xuất các xe chiến đấu và các mẫu vũ khí hạng nhẹ, tung ra thị trường thế giới những sản phẩm chất lượng.

Công ty ôtô Nimr đã vài năm qua đáp ứng nhu cầu cho các lực lượng vũ trang trong nước, cũng như xuất khẩu chủ yếu cho các nước Trung Á.

Doanh nghiệp này mở rộng danh mục sản phẩm, bắt đầu từ các phương tiện giao thông kích thước nhỏ để thực hiện các chiến dịch đặc biệt cho tới những cỗ máy bọc thép với kích thước ấn tượng.

Sản phẩm thành công nhất của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng UAE là xe chiến đấu Nimr, bắt đầu được sản xuất từ năm 2005.

Mẫu xe này được xuất khẩu sang các quốc gia như Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Algeria và Lebanon. Mới đây, Turkmenistan và một vài quốc gia Trung Á khác cũng điền tên mình vào danh sách các nước nhập khẩu mẫu xe này.

Công ty vũ khí Caracal của UAE cũng đạt được những thành công trên thị trường quốc tế. Được thành lập với sự giúp đỡ của Đức, một vài năm gần đây công ty không chỉ bắt tay vào sản xuất tại UAE mà còn mở nhà máy ở Mỹ.

Những nhà sản xuất vũ khí bé hạt tiêu nhưng có võ - Ảnh 3.

Một mẫu súng của Caracal. Ảnh: breachbangclear

Lần đầu tiên công ty này xuất hiện trên thị trường vào năm 2007. Trong danh sách sản phẩm của Caracal được sản xuất ngay ở UAE phải kể đến các loại súng máy hạng nhẹ, súng tiểu liên và súng săn.

Trong tương lai gần, hoạt động sản xuất một trong những mẫu súng máy sử dụng đạn 7mm của công ty này dự kiến sẽ được triển khai tại Ấn Độ.

Với sự hỗ trợ của Pháp, UAE đã tiếp cận với lĩnh vực đóng tàu và xây dựng tại Abu Dhabi xưởng đóng tàu quân sự. Như vậy, UAE đã có thể tự chế tạo 5 trong số 6 chiếc tàu lớp Baynunah, toàn bộ chuyên gia của đất nước và hạ tầng hiện có sẵn sàng cho những dự án mới.

Jordan: Mục tiêu tự đáp ứng cho lực lượng lục quân

Thêm một quốc gia Trung Đông trong những năm gần đây đã tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đó là Jordan.

Cơ sở then chốt trong hệ thống công nghiệp quốc phòng Jordan là Phòng Thiết kế-dự án mang tên Abdullah II (King Abdullah Design and Development Bureau), chuyên nghiên cứu rất nhiều sản phẩm quốc phòng để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang Jordan và xuất khẩu sang những nước khác.

Danh mục các sản phẩm bao gồm các gói nâng cấp khí tài thiết giáp, những tổ hợp tên lửa, đài quan sát, đạn dược và vũ khí hạng nhẹ.

Jordan cũng tăng cường nghiên cứu các hệ thống nâng cấp để gia tăng công suất và tính năng bảo vệ các khí tài thiết giáp, một trong số đó phải kể đến hệ thống Phoenix dành cho xe tăng M-60.

Có thể tất cả 4 quốc gia trên so với Iran vẫn chưa đạt được những thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm quốc phòng và chưa hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, họ nhận thức được rằng cần thiết phải lập hạ tầng riêng và tập trung nguồn lực trong nước, việc hỗ trợ hàng hoá nội địa từ giờ đã trở thành nhu cầu cấp thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại