Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi

Bài và ảnh, video: ĐÌNH THI |

Thay vì được sum vầy cùng gia đình trên đất liền, những ngày tết này, hàng trăm con tàu với hàng ngàn ngư phủ vẫn lênh đênh trên biển vừa mưu sinh vừa chung tay giữ vững chủ quyền biển đảo.

Khi ánh trăng tháng chạp dần khuyết cũng là lúc các ngư phủ săn cá ngừ đại dương vượt sóng vươn khơi. Thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (SN 1979), cùng 6 ngư dân khác là các thuyền viên trên con tàu cá số hiệu KH-99766-TS ra khơi câu cá ngừ đại dương với những nhu yếu phẩm phục vụ đủ cho 1 tháng ở ngư trường. 

"Tháng nào cũng vậy, hễ đến ngày trăng khuyết thì anh em chuẩn bị ra khơi, tuy nhiên tháng Chạp đặc biệt nhất, trên mỗi con thuyền vươn khơi đều phải có thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét, dưa hành... Đó là hương vị ngày Tết mang ý nghĩa rất quan trọng. Ai cũng hy vọng lộc đầu xuân sẽ đến với thuyền mình" - thuyền Trưởng Thạch chia sẻ.

Bài vọng cổ vang vọng trùng khơi

Đón Tết cổ truyền trên đại dương không còn là xa lạ đối với ngư dân các tỉnh miền Trung. Phóng viên Báo Người Lao Động từng được cùng thuyền trưởng Thạch và các ngư dân trên con tàu KH-99766-TS vươn khơi đợt trong dịp 30-4-2019 để thực hiện tuyến bài "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".

Sau gần 9 tháng trước khi họ ra khơi ăn Tết, gặp lại những gương mặt xưa, trông họ vẫn mang khí chất hào sảng, thật thà của người dân miền biển. Vỗ vai tôi một cái đùng như trời giáng, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch nhìn tôi phán ngay: "Về đất liền lâu vậy mà da chú vẫn đen như ngư dân miền biển ấy nhỉ? Sao, có ý định vươn khơi cùng anh em lần nữa không? Đợt này là đón giao thừa và ăn Tết trên biển thú vị lắm đấy!" - Nói xong, anh Thạch phá lên cười sản khoái.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 2.

Hướng thẳng ngư trường Trường Sa vươn khơi đánh bắt hải sản.

Với những ngư dân nhiều kinh nghiệm như anh Thạch, chuyến ra khơi trong những ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng. Chuyến đi biển này nếu cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá sẽ ăn nên làm ra. Vì vậy, trước khi ra khơi, hầu hết các chủ tàu, các thuyền viên đều làm mâm cơm cúng biển rất tươm tất, thịnh soạn. Họ tin rằng với lòng thành của mình thì Bà Cậu (thần Nam Hải) sẽ mang đến may mắn và cho ngư dân đánh bắt khơi xa.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 3.

Kiểm tra lưỡi câu, cước, cần câu trước khi neo thuyền thả câu giữa trùng khơi.

"Chuyến này, tàu sẽ đi khoảng 20 - 25 ngày ra ngư trường Trường Sa, cách đất liền hàng trăm hải lý, đến khoảng mùng 10 tháng Giêng sẽ quay về bờ. Cầu mong mọi sự thuận lợi, anh em có "lộc" để về ăn Tết muộn đoàn viên cùng với gia đình" - máy trưởng Đỗ Văn Ủy (SN 1986) chia sẻ.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 4.

Giữa trùng khơi thuyền là nhà, biển là quê hương.

Theo nhiều ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên Tết vì đây là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên việc khai thác dễ hiệu quả hơn những chuyến đi khác trong năm. Hơn nữa, tàu về dịp năm mới, các loại thủy, hải sản thường được thương lái mua với giá cao hơn. Với những ngư dân, một tháng có tới hơn 20 ngày lênh đênh trên biển thì tàu chính là nhà, biển chính là cuộc sống. Mỗi chuyến đi biển là mỗi lần hi vọng kiếm chén cơm, hi vọng đổi đời cho không chỉ cho gia đình thuyền trưởng mà cho từng gia đình thuyền viên.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 5.

Bữa ăn giản đơn của ngư dân lênh đênh trên biển cả.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 6.

Đối với ngư dân, niềm vui lớn nhất là chuyến đi biển thắng lợi, cá đầy ắp khoang tàu.

Việc đón Tết trên biển khiến mọi khoảng cách như rút ngắn lại. Trên biển, chẳng cần biết tàu của địa phương nào, hễ thấy cờ Tổ quốc tung bay phấp phới là cảm thấy hạnh phúc bởi ở đó có những người bạn biển, cùng làm ăn sinh sống trên ngư trường truyền thống của ông cha.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 7.

Phút nghỉ ngơi, máy trưởng Đỗ Văn Ủy leo lên bong tàu dò sóng điện thoại gọi nói chuyện với người thân ở đất liền.

Cũng theo thuyền trưởng Thạch, bắt đầu từ chiều 30 tết, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường không ai bảo ai, họ chủ động liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định, thả neo cho tàu đậu cạnh nhau. Thuyền viên trên các tàu sẽ tập trung bánh mứt, rượu thịt để cùng nhau đón mừng năm mới. Tối giao thừa, họ nối Icom nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Thông qua hệ thống máy thông tin trên tàu, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 8.

Thành quả sau nhiều đêm thức trắng

Vào đêm giao thừa, các ngư dân được nghỉ khoảng 15 - 30 phút để làm mâm cơm cúng Tết. Cũng như phong tục truyền thống ở đất liền, thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ. Những con cá, con mực câu được đầu tiên trong năm mới được ngư dân trân trọng dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt bội thu.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 9.

Những nụ cười khi câu được cá

"Đón giao thừa ở biển cũng buồn và nhớ nhà lắm chứ, nhưng đã là "nghiệp" thì chúng tôi chấp nhận. Bởi, chúng tôi quan niệm tàu là nhà, biển là cuộc sống thì ăn Tết ở đâu cũng vậy. Còn biển là còn kiếm cái ăn, kiếm con chữ cho con. Dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí là tính mạng, chúng tôi cũng không bỏ được biển" - ông Trần Quang Minh (thường gọi chú Tám, SN 1965) bộc bạch.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 10.

Tác giả có dịp cùng ngư dân săn cá ngừ giữa đại dương.

Sau thời khắc giao thừa, họ lại tỏa ra đi tìm luồng cá để tiếp tục công việc đánh bắt. Nếu tàu nào trong ngày đầu năm mới mà trúng luồng cá lớn là kể như ngư dân đi trên tàu ấy trúng "lộc biển", điềm báo thắng lợi cho cả một năm.

Những ngư dân đón Tết giữa trùng khơi - Ảnh 11.

Dân và quân đua ghe chào mừng năm mới.

Phóng viên Báo Người Lao Động được "sống" cùng người dân giữa trùng khơi.


Hoàng hôn giữa trùng khơi


Cá đầy khoang tàu là bữa cơm gia đình có miếng thịt, con không bị chậm tiền học phí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại