Những lý do khiến Mỹ chưa thể dùng tên lửa Tomahawk ở bán đảo Triều Tiên

Ngọc Việt |

Dù với bất cứ lý do gì thì việc “Tomahawk Mỹ chưa thể bay vào Triều Tiên” cho thấy các “tiểu quốc” bị ảnh hưởng rất lớn bởi cạnh tranh giữa các “cường quốc” trong chính sách ngoại giao nước lớn.

Triều Tiên hay bất cứ "tiểu nhược" nào khác có khi chỉ là mục tiêu, còn mục đích của các "đại cường" nằm ở những nước đi đa tác dụng với những lợi ích đan xen.

Tomahawk chưa thể bay vào Triều Tiên vì Mỹ chưa xác định được mục đích?

Không khí sôi sục tại khu vực Đông Bắc Á chưa hạ nhiệt vì Kim Jong-un vẫn liên tục khiêu khích, còn Donald Trump thì cho biết sự kiên nhẫn cũng đã cạn dần. Một cuộc chạm trán quân sự lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ giữa Mỹ và Triều Tiên tưởng như khó tránh khỏi, nhưng cuối cùng vẫn chỉ là sự đe doạ, thách đố lẫn nhau.

Nguy cơ bùng nổ xung đột Mỹ - Triều được nhìn nhận là có khả năng cao khi Tổng thống Trump vừa quyết định tấn công quân sự Syria. Trong khi “vũ khí hoá học Syria” còn đứng sau “vấn đề hạt nhân Triều Tiên” trong sự quan tâm của Trump nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới theo ý đồ của Washington, song cuối cùng vẫn chỉ là võ miệng.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày, từng giờ khi Bình Nhưỡng liên tục có hành động được cho là đã tới “giới hạn đỏ” của Trump, còn Hải quân Mỹ được cho là đã điều hàng không mẫu hạm với đủ đồ chơi nhằm “dạy cho Kim Jong-un một bài học”, vậy mà cuối cùng vẫn chỉ là màn diễu võ giương oai.

Cho đến giờ phút này, với những gì đang diễn ra, giới phân tích cho rằng những quả tên lửa Tomahawk của Mỹ chưa thể, thậm chí là không thể bay vào Triều Tiên.

Giới quan sát rất ngạc nhiên, còn dư luận thì bán tín bán nghi với kế hoạch trừng phạt Triều Tiên của Trump. Phải chăng Mỹ chưa xác định được mục đích để có thể tấn công. Điều này là rất có cơ sở.

Trước lễ kỷ niệm 105 ngày sinh của nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành, Washington cho biết đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson hướng về bán đảo Triều Tiên.

Nhưng sau khi “Ngày Thái Dương” tại xứ Bắc Hàn trôi qua thì truyền thông quốc tế cho biết hàng không mẫu hạm này còn đang tập trận ở tận tây Thái Bình Dương, cách bán đảo Triều Tiên tới hơn 5.600 km.

Đặc biệt đáng lưu ý là : “Việc USS Carl Vinson tiến về phía Triều Tiên được Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, ra lệnh vào ngày 8/4.

Ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lại lưu ý rằng không có sự cố cụ thể nào thúc đẩy việc cắt giảm chương trình tập luyện để USS Carl Vinson đi về phía bắc”, Defense News tường thuật.

Ông Mattis nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc rằng tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở tây Thái Bình Dương, hoạt động tự do lên và xuống Thái Bình Dương. Đó là nơi mà Washington cho là thích hợp với USS Carl Vinson tại thời điểm này. Không có tín hiệu nhu cầu cụ thể hoặc lý do cụ thể nào khiến USS Carl Vinson đến Đông Bắc Á cả.

Rõ ràng, theo kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ thì những quả tên lửa Tomahawk của Mỹ chưa thể bay vào Triều Tiên. Do vậy, chỉ chưa đầy 24 tiếng sau, Kim Jong-un đã cho phóng thử tên lửa và bị xịt, dù Washington cảnh báo đã hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng, nhưng giới phân tích cho rằng đó là tất cả phản ứng của Washington.

Phải chăng đó là lý do mà The New York Times nhận định rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh xảy ra tại Đông Bác Á, dù Washington luôn có động thái cho thấy dường như đạn đã được đầy lên nòng súng?

Tại sao đến lúc này Mỹ vẫn chưa tìm ra mục đích cho hành động trừng phạt Triều Tiên?

Rõ ràng, kế hoạch tấn công Triều Tiên là có thật, việc cho hàng không mẫu hạm tiến về phía bán đảo Triều Tiên cũng đã được hạ lệnh, vậy nhưng đến giờ phút này thì mọi kế hoạch, hành động của quân đội Mỹ nhằm răn đe Kim Jong-un đã bị đình lại.

Mà lý do lại là không có dấu hiệu cụ thể nào để Washington ra tay, dù Bình Nhưỡng thách thức và tên lửa cũng đã được phóng thử. Phải chăng vì tên lửa Triều Tiên phóng đi bị xịt hay còn nguyên nhân nào phía sau sự mềm dẻo ấy của Washington?

Thứ nhất, Washington không muốn lại kiểu tấn công như cho “Tomahawk Mỹ bay vào Syria”?

Bởi lẽ, cho dù kết quả điều tra quốc tế về vụ tấn công vũ khi hoá học tại Idlib có bất lợi cho hành động của Trump như thế nào đi nữa thì việc gỡ rối sau việc “Tomahawk Mỹ bay vào Syria” dễ hơn gấp nhiều lần so với việc “Tomahawk Mỹ bay vào Triều Tiên”, nếu nó xảy ra.

Chiến trường Syria có quá “nhiều phe lắm phái” nên việc mặc định một thực thể là thủ phạm của một hành động tàn nhẫn trên chiến trường, có thể chấp nhận có xác suất, song với Triều Tiên thì sự việc là rõ ràng và mặt đối mặt, do vậy Trump phải thận trọng hơn rất nhiều.

Những lý do khiến Mỹ chưa thể dùng tên lửa Tomahawk ở bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Hướng bay của những quả Tomahawk Mỹ sẽ bị điều chỉnh bởi những lợi ích đan xen

Thứ hai, đó có thể chỉ là đòn gió của Washington với Nhật, Hàn - nguy hiểm hoá mối đe doạ từ xứ Bắc Hàn để thăm dò thái độ về thay đổi sự đóng góp của Tokyo và Seoul với “sự nghiệp bảo trợ” của Washington đối với các đồng minh? Điều này Trump đã nhắc nhở nhiều lần và “Ngày Thái Dương” ở xứ Bắc Hàn có thể được xem là cơ hội tốt nhất cho hành động đó.

Càng khích được Kim Jong-un thử tên lửa thì việc nguy hiểm hoá của Washington càng đạt hiệu quả cao, qua đó việc gia tăng chi phí cho “dịch vụ bảo trợ” của Mỹ sẽ phải được tính toán lại theo đề xuất của Trump. Hoặc những lợi ích khác mà Mỹ có được từ các đồng minh chiến lược sẽ gia tăng, nhất là chia sẻ với Washington trong những kế hoạch “hao tài tốn của”.

Thứ ba, đó có thể chỉ là đòn gió của Washington với Nga, Trung - thể hiện sự kiên quyết với Bình Nhưỡng, vốn vừa là đồng minh chiến lược của Bắc Kinh, vừa là nơi tạo ảnh hưởng của Moscow trong ngoại giao nước lớn? Thực tế là cả Moscow và Bắc Kinh đều có động thái “nghênh đón” Washington tại Đông Bắc Á.

Việc Trump làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á, làm nóng tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là thách thức không nhỏ với cả Bắc Kinh lẫn Moscow.

Thực tế đó có thể đưa Washington vào thế yếu, thể hiện rõ nhất là các đồng minh chiến lược của Mỹ tại Đông Bắc Á cùng lúc đối mặt với cả 3 “kẻ thù hùng mạnh”. Do vậy, Trump không thế chủ quan.

Thứ tư, Bắc Kinh đã thành công trong việc kiềm chế Washington bằng những đổi trao, khi Trung Nam Hải khai thác và đáp ứng mong muốn của Washington qua chính sách “ngoại giao tên lửa hành trình” của Trump?

Việc “Trump đánh Syria mà không tránh bữa ăn của Tập Cận Bình” là một nước đi không sắc sảo trong ngoại giao quốc tế khiến Trung Nam Hải dễ bắt bài.

Lợi ích từ Trung Hoa đại lục có thể điều chỉnh mọi hướng bay của Tomahawk Mỹ. Giới phân tích cho rằng khi Bắc Kinh dùng lợi ích làm đòn bập bênh thì có thể hoá giải mọi kế hoạch của Washington, nếu bị nhận diện có thể gây bất lợi cho Trung Nam Hải hay được nhìn nhận là cơ hội cho Bắc Kinh lật ngược thế cờ với Washington.

Thứ năm, đã có sự không thống nhất tại Washington cho việc tấn công, răn đe Triều Tiên, từ đó khiến cho hành động giữa các bộ phận không đồng bộ?

Sự không thống nhất có thể bởi khác biệt trong nhận định về nguy hại từ thái độ của Kim Jong-un, hoặc cũng có thể bởi nhận định về kết quả chương trình của tiền nhiệm Obama, mà có thể giúp Trump “bất chiến tự nhiên thành”.

Từ năm 2014 cựu Tổng thống Obama đã thúc đẩy một chiến dịch bí mật nhằm phá hoại kỹ thuật tên lửa của Kim Jong-un bằng “cuộc chiến đấu điện tử”. Dù chưa thể đánh giá kết quả chương trình phá hoại của ông Obama, song việc phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã gặp thất bại nhiều hơn kể từ khi Obama khởi phát chiến dịch, theo The New York Times.

Dù với bất cứ lý do gì thì việc “Tomahawk Mỹ chưa thể bay vào Triều Tiên” cho thấy các “tiểu quốc” bị ảnh hưởng rất lớn bởi cạnh tranh giữa các “cường quốc” trong chính sách ngoại giao nước lớn. Triều Tiên hay bất cứ “tiểu nhược” nào khác có chỉ là mục tiêu, còn mục đích của các “đại cường” nằm ở những nước đi đa tác dụng với những lợi ích đan xen.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại