Những lựa chọn của Tổng thống Biden với vùng Balkan

Hà Linh |

Cách đây 3 thập niên, ông Joe Biden khi còn là thượng nghị sĩ đã quan tâm đến vùng Balkan. Ông chỉ trích Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic khi đó và ủng hộ hoạt động quân sự của Mỹ tại Bosnia cùng Kosovo.

Bức ảnh chụp năm 1993 khi ông Joe Biden là thượng nghị sĩ đến thăm Bosnia. Ảnh: AP

Bức ảnh chụp năm 1993 khi ông Joe Biden là thượng nghị sĩ đến thăm Bosnia. Ảnh: AP

Những quốc gia tách khỏi Nam Tư đến nay đều đã có bước đi riêng. Croatia trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bắc Macedonia gần đây gia nhập NATO và lên lịch trình đàm phán để trở thành thành viên EU.

Montenegro cũng là một thành viên NATO và hiện tham gia đối thoại với EU. Serbia chủ trương không gia nhập NATO nhưng đang hướng đến việc đàm phán trở thành thành viên EU. Bosnia không có dấu hiệu rõ ràng về việc gia nhập EU và NATO trong tương lai gần. Triển vọng của Kosovo gia nhập hai tổ chức này cũng khá xa vời.

Theo kênh Al Jazeera, các chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây phần lớn đều phớt lờ khu vực Balkan. Cựu Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi chính sách ngoại giao với kết quả không rõ ràng. Hội nghị thượng đỉnh tại Nhà Trắng vào tháng 9/2020 với sự góp mặt của lãnh đạo Serbia và Kosovo chưa thể xử lý được vấn đề gây áp lực nhất với hai quốc gia: là việc công nhận sự độc lập của Kosovo.

Theo các chuyên gia, Tổng thống Biden có thể sửa chữa hậu quả của nhiều năm lơ là và chính sách chưa cân bằng của những người tiền nhiệm bằng việc áp dụng hành động dứt khoát về Kosovo và Bosnia.

Đầu tiên, nhà lãnh đạo Mỹ có thể thúc đẩy việc hoàn thiện quá trình mở rộng của NATO sang Đông Nam châu Âu.

Kosovo háo hức muốn gia nhập khối quân sự này, còn Bosnia vấp phải ý kiến trái chiều từ nội bộ lãnh đạo. Bất chấp việc dư luận không ủng hộ Bosnia trở thành thành viên NATO thì thành viên đại diện cho cộng đồng người Serbia trong Hội đồng Tổng thống Milorad Dodik lại bật đèn xanh cho hợp tác với NATO, bao gồm việc Bosnia góp mặt trong tập trận “Người bảo vệ châu Âu 2021” do Mỹ dẫn đầu.

Qua việc hỗ trợ để Kosovo gia nhập NATO, chính quyền Tổng thống Biden đồng thời gửi tín hiệu rõ ràng với Serbia rằng Kosovo hướng đến việc bình thường hóa hoàn toàn. Từ đây khiến Serbia công nhận quốc gia láng giềng và bình thường hóa quan hệ.

Thứ hai, Mỹ có thể lựa chọn thúc đẩy để EU tiếp nhận Bosnia và Kosovo là thành viên. Qua đó, Bosnia sẽ có cơ hội tiếp cận thêm nhiều nguồn tiền của EU để đầu tư vào các dự án giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Cơ hội để Tổng thống Biden thực hiện những kế hoạch này có thể xuất hiện vào ngày 14/6 tới đây tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại