Nếu bạn cũng từng có một đoạn nhạc bị mắc kẹt trong đầu, thì bạn đang chia sẻ một hiện tượng được gọi là "earworm" với hơn 90% dân số còn lại trên thế giới. Earworm hay những con "sâu tai" là thuật ngữ đã có từ thế kỷ 20 - nhằm để chỉ những giai điệu và lời bài hát tự động vang lên trong tâm trí bạn một cách vô thức, trong khi rõ ràng bạn không hề có ý định nhớ đến chúng.
Những đoạn nhạc này thông thường chỉ dài 15-30 giây, nhưng nó có thể tồn tại dai dẳng đến nỗi bạn không thể dứt được mình ra khỏi chúng. Một nghiên cứu mới bây giờ còn cho thấy "sâu tai" có thể tấn công cả vào giấc ngủ và làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bạn.
Vì vậy, lời khuyên từ các nhà khoa học là bạn không nên nghe nhạc ngay trước khi ngủ. Mặc dù bạn nghĩ rằng âm nhạc có thể giúp mình thư giãn, nhưng nếu dính phải một con "sâu tai" thì mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ rắc rối. Bạn sẽ khó có thể thể đuổi nó ra khỏi đầu và ngủ ngon được cả đêm.
"Sâu tai" là gì? Tại sao bạn lại bị nhiễm chúng?.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Baylor, Hoa Kỳ. Trong đó, họ đã khảo sát 199 tình nguyện viên và tuyển dụng 50 người trong số họ tham gia vào các thử nghiệm để tìm hiểu ảnh hưởng của việc nghe nhạc trước khi ngủ.
Kết quả khảo sát cho thấy những người thường xuyên nghe nhạc vào ban ngày có nhiều khả năng sẽ bị những con "sâu tai" làm phiền vào ban đêm khi ngủ. Và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của họ.
"Bộ não của chúng ta tiếp tục xử lý âm nhạc ngay cả khi không có đoạn nhạc nào đang phát, và kể cả khi chúng ta đã đi ngủ", nhà khoa học thần kinh Michael Scullin từ Đại học Baylor cho biết.
Trong nghiên cứu của mình, Scullin gọi những con "sâu tai" này là "biểu trưng âm nhạc không chủ ý". Nó cho thấy đúng bản chất thần kinh học của hiện tượng những đoạn nhạc mắc kẹt. Và để tìm ra thêm bằng chứng cho những ảnh hưởng không thể chối cãi của chúng tới não bộ, Scullin và các đồng nghiệp đã thực hiện một thí nghiệm.
Với 50 tình nguyện viên được mời tới phòng thí nghiệm giấc ngủ, các nhà khoa học đã cho họ nghe một số bản nhạc dễ tạo ra "sâu tai" bao gồm: Shake It Off của Taylor Swift, Call Me Maybe của Carly Rae Jepsen và Don't Stop Believin 'của Journey.
Sau đó, các tình nguyện viên được nối cơ thể vào máy kiểm tra polysomnography, một hệ thống theo dõi giấc ngủ toàn diện, cho phép ghi lại các thông số sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, nhịp thở, chuyển động của mắt và chân tình nguyện viên.
Kết quả cho thấy những người bị ảnh hưởng bởi "earworm" cần nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ. Tín hiệu điện não cũng cho thấy họ có giấc ngủ nông kéo dài hơn, và bị tỉnh dậy nhiều lần hơn vào giữa đêm.
Đó là bằng chứng rõ ràng cho việc những giai điệu hấp dẫn có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nhưng điều ngạc nhiên hơn mà các nhà khoa học phát hiện, đó là nghe beat hay phiên bản không lời của bài hát có thể khiến các tình nguyện viên dễ bị dính "sâu tai" hơn.
Cụ thể, tỷ lệ nhiễm sâu tai của họ khi nghe beat tăng tới gấp 2 lần và nó cũng gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn.
"Trước nghiên cứu này, chúng tôi đã dự đoán mọi người nghe nhạc sẽ bị nhiễm sâu tai vào giai đoạn họ cố gắng chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi không nghĩ họ sẽ thường xuyên bị đánh thức giữa đêm bởi chúng", Scullin nói. "Nhưng rồi chúng tôi đã thấy điều đó trong cả cuộc khảo sát và thử nghiệm".
Các bản quét não cho thấy tín hiệu dao động chậm hơn trong giấc ngủ của người nhiễm "sâu tai" - một dấu hiệu của việc kích hoạt lại trí nhớ. Vùng vỏ não âm thanh đã bị kích thích chính là vùng liên quan đến quá trình xử lý sâu tai khi mọi người còn thức.
Vì vậy, kết quả này có thể phản biện lại một số nghiên cứu trước đây cho rằng việc nghe nhạc trong đêm có thể khiến mọi người ngủ ngon hơn, nhất là những người mắc chứng mất ngủ, vì nghe nhạc giúp cơ thể họ thư giãn.
Scullin cho biết hiệu ứng ngược lại có thể diễn ra, nghe nhạc, nhất là những bản nhạc khiến bạn dính phải "sâu tai" sẽ quấy rầy giấc ngủ của bạn. Bởi ngay cả khi giai điệu đã dừng lại, não bộ của chúng ta vẫn tiếp tục xử lý chúng trong vài giờ tiếp theo.
Bởi vậy, Scullin khuyên bạn nên tránh nghe nhạc ngay trước khi đi ngủ để hạn chế nguy cơ dính phải các giai điệu mắc kẹt trong tâm trí. Thay vào đó, ông gợi ý một số hoạt động khác, chẳng hạn như lập danh sách công việc cho ngày hôm sau sẽ giúp đầu óc bạn tỉnh táo hơn.
"Mọi người đều biết âm nhạc sẽ mang lại những cảm giác tốt. Thanh thiếu niên và thanh niên thường nghe nhạc gần giờ đi ngủ. Nhưng đôi khi quá nhiều lại trở thành không tốt", Scullin nói.
"Càng nghe nhạc nhiều, bạn càng có nhiều khả năng bị những con sâu tai làm phiền và chúng sẽ không biến mất ngay cả khi bạn đã ngủ. Một khi điều đó xảy ra, rất có thể giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng".
Nghiên cứu của Scullin và đồng nghiệp đã được công bố trên tạp chí Psychological Science .