Việc lực lượng Houthi ở Yemen tấn công các tàu thương mại đang thách thức khả năng của quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất thế giới trong việc bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư chiến lược vào Ai Cập .
Kể từ khi Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi lên nắm quyền ở Ai Cập năm 2014, Trung Quốc tăng cường đáng kể hoạt động đầu tư và thương mại dọc Kênh đào Suez, qua đó một lượng đáng kể hàng hóa của Trung Quốc được vận chuyển sang phương Tây.
Theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đô la vào lĩnh vực hậu cần, vận tải và năng lượng của Ai Cập, đồng thời gia hạn khoản vay 3,1 tỷ USD cho quốc gia này.
Vài tháng trước khi Hamas tấn công vào miền nam Israel ngày 7/10, các công ty từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong đã cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào nhiều dự án khác nhau dọc theo tuyến đường thủy huyết mạch của Ai Cập.
Những cuộc tấn công nhằm ngăn cản hoạt động vận tải thương mại qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez có thể khiến các nhà đầu tư Trung Quốc nản lòng, sau khi họ bỏ ra số tiền khổng lồ để phát triển tuyến đường thủy này.
Ngày 7/1 vừa qua, COSCO cùng với Maersk, Hapag-Lloyd, Evergreen và các hãng vận tải lớn khác tạm dừng dịch vụ đến Israel. Tháng 3 năm ngoái, COSCO đầu tư 1 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng cảng của Ai Cập.
Tháng 3 năm ngoái, COSCO cùng CK Hutchison Holdings, một tập đoàn nổi tiếng đặt trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), công bố kế hoạch đầu tư thêm 700 triệu USD để phát triển một bến container mới tại cảng Ain Sokhna ven Biển Đỏ và tại B100, một bến container mới của cảng biển Alexandria ven Địa Trung Hải.
Cũng trong tháng đó, một hoạt động nữa thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc với Ai Cập như điểm liên kết giữa thị trường châu Á, Địa Trung Hải và châu Âu là việc hãng Xinxing Ductile Iron Pipes đưa ra kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các nhà máy sắt thép ở Ain Sokhna.
Tháng 10 năm ngoái, Khu kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập ký một thỏa thuận trị giá 6,75 tỷ USD với Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (China Energy) để phát triển các dự án amoniac xanh và hydro xanh tại Khu công nghiệp Sokhna, cùng thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD với công ty United Energy niêm yết ở Hong Kong để thành lập nhà máy sản xuất kali clorua.
Xung đột mở rộng ở Trung Đông đe dọa sáng kiến Vành đai và Con đường mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Ai Cập, Yemen và Iran đều tham gia.
Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, khiến giới phân tích đặt câu hỏi về cách Bắc Kinh sẽ phản ứng khi có vấn đề nảy sinh giữa các thành viên BRI .
Cuộc xung đột hiện nay đe dọa làm suy yếu mục đích của BRI. Đó là kết nối châu Á với châu Âu thông qua việc tạo ra hành lang thương mại và đầu tư xuyên lục địa.
Trong phát biểu vừa đưa ra tại Ai Cập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh muốn đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xử lý “các điểm nóng” toàn cầu.
Các quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể kiềm chế Iran và được cho là đã ép Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tehran để giúp ngăn chặn xung đột giữa Hamas - Israel lan rộng.
Khi COSCO vẫn cập cảng Israel dù các đối thủ cạnh tranh phải đổi tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi rằng liệu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Iran có phải yếu tố giúp COSCO có thể tiếp tục làm như vậy. Dầu Iran chiếm khoảng 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Bloomberg gần đây đưa tin, ít nhất 5 tàu đi qua Biển Đỏ đã gửi thông tin về “tất cả thuyền viên Trung Quốc” hoặc những thông báo tương tự qua mạng liên lạc để tránh bị tấn công.