Những dòng máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất hàng đầu thế giới

Tuấn Sơn |

Tốc độ bay chậm, được bọc giáp chắc chắn và chở theo kho vũ khí tiến công không đối đất mạnh mẽ, máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất (Close air support - CAS) đã tạo ra cuộc cách mạng trong chiến thuật sử dụng không quân yểm trợ lực lượng mặt đất thời Thế chiến 2. Thời điểm hiện tại, vai trò của máy bay CAS vẫn không suy giảm.

Một điểm lợi thế của máy bay CAS so với các dòng máy bay tiêm kích đa năng, cường kích là chi phí chế tạo, sử dụng rẻ.

"Từ kinh nghiệm thực tế chiến trường trong các cuộc xung đột vũ trang trong nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã chỉ ra một vấn đề chính những máy bay chiến đấu đơn giản, bay chậm, chi phí rẻ lại có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hiệu quả hơn các dòng máy bay chiến đấu tiên tiến, đắt tiền", chuyên gia quân sự Andrey Kotz đánh giá.

Chính vì những yếu tố trên, máy bay CAS hiện vẫn là một phần không thể thiếu của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới đây là 4 loại máy bay CAS hàng đầu thế giới hiện nay được giới chuyên gia quân sự thế giới đánh giá cao.

"Xe tăng bay" Su-25

Xuất hiện lần đầu tiên năm 1975, máy bay CAS Liên Xô Su-25 được coi là "người kế thừa" xứng đáng của "xe tăng bay" IL-2 thời Thế chiến 2. Nhờ hiệu quả chiến đấu và tin cậy của Su-25 trong mọi điều kiện chiến trường khắc nghiệt, trong suốt 4 thập kỷ qua đã có gần 1.000 chiếc máy bay CAS loại này được xuất xưởng.

Những dòng máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Máy bay Su-25 / RIAN.

Đánh giá về máy bay CAS Su-25, chuyên gia A. Kotz nhận định: "Su-25 giống như một kho vũ khí trên không với bom, rocket, pháo và tên lửa dẫn đường chính xác đối đất. Su-25 cũng có thể tự vệ bằng các dòng tên lửa không đối không tầm ngắn. Tổng cộng, chiếc máy bay CAS này có thể mang tới 32 loại vũ khí cùng với pháo hàng không 30mm GSh-30-2 tích hợp trong thân".

Ngoài vũ khí mang theo, Su-25 còn nổi tiếng ở khả năng bảo vệ phi công và các bộ phận quan trọng liên quan tới khả năng sống còn của máy bay trên không. Các phi công Liên Xô đã gọi đặt biệt danh vui cho buồng lái của chiếc Su-25 là "bốt điện thoại công cộng" vì khả năng bảo vệ đặc biệt của nó.

Với những tấm titanium dày 10-24mm gia cường, buồng lái của Su-25 có thể chịu được đạn bắn thẳng cỡ 17,2mm và đạn phòng không nổ phá mảnh 30mm. Các bộ phận quan trọng trên Su-25 ngoài việc được bọc giáp, chúng đều được chế tạo theo cặp để đáp ứng khả năng thay thế tức thì khi bộ phận đang hoạt động gặp trục trặc hoặc trúng đạn.

Trong cuộc xung đột tại Afghanistan những năm 1980, máy bay Su-25 đã có màn thể hiện ấn tượng chống lại các phần tử Hồi giáo thánh chiến được CIA hỗ trợ. Tốc độ bay thấp, ổn định và tin cậy đã giúp Su-25 thực hiện các đòn tấn công chính xác ở khu vực đồi núi, địa hình hiểm trở vốn không thể sử dụng được các loại vũ khí yểm trợ hỏa lực truyền thống.

Trong suốt cuộc xung đột tại Afghanistan, Không quân Liên Xô chỉ có 23 chiếc Su-25, nhưng không có phi công nào thiệt mạng. "Đã có trường hợp, một chiếc Su-25 quay về căn cứ với hơn 100 lỗ thủng trên thân. Chính vì điều đó, Su-25 đã có được đặt biệt danh là "xe tăng bay", chuyên gia A. Kotz đánh giá.

"Lợn rừng" A-10 Thunderbolt II

Trước những hiệu quả rõ ràng của máy bay CAS, Mỹ cũng có dòng máy bay của riêng mình, đó chính là A-10 Thunderbolt II (biệt danh Lợn rừng). Nguyên mẫu đầu tiên của máy bay CAS A-10 xuất hiện năm 1970 và được chấp nhận vào biên chế Không quân Mỹ năm 1977.

Ban đầu, khi nguyên mẫu chiếc A-10 được giới thiệu, giới chức Lầu Năm góc đã tỏ ra hoài nghi về khả năng chiến đấu của nó.

Máy bay CAS A-10 dường như là một điều khác biệt hoàn toàn so với xu hướng phát triển máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại như F-15, F-16 thời điểm đó. Những cuộc tranh cãi về số phận của máy bay A-10 còn tiếp tục kéo dài suốt nhiều năm trong thập kỷ 1980.

Những dòng máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Máy bay A-10 Thunderbolt II / DefenseTalk.

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn nhờ thành tích chiến đấu ấn tượng của A-10 tại cuộc chiến vùng Vịnh lần 1 năm 1990. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc, 150 chiếc A-10 tham chiến đã phá hủy tới 3.000 phương tiện chiến đấu của Quân đội Iraq và chỉ mất có 7 máy bay trong toàn chiến dịch.

Con số trên dù vẫn còn nhiều nghi ngờ vì nó diễn ra trong bối cảnh Quân đội Iraq triệt thoái vội vàng khỏi Kuwait và rất nhiều đơn vị đã bị phá hủy trên "Đường cao tốc tử thần" nối Kuwait và Iraq vì máy bay ném bom.

Nhưng rõ ràng, A-10 đã tỏ ra là phương tiện cực kỳ phù hợp với những cuộc chiến tranh bất đối xứng, khi hầu hết các đối thủ đều có tiềm lực yếu hơn Quân đội Mỹ. A-10 sau này còn xuất hiện tại Liên bang Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Lybia và Syria.

Xét về kỹ thuật, bản thân máy bay A-10 có thể coi là "một khẩu súng biết bay", khi toàn bộ thiết kế của máy bay điều xoay quanh khẩu pháo bắn nhanh 30mm có khả năng bắn đạn DU xuyên giáp phương tiện chiến đấu của đối phương.

Mỗi viên đạn 30mm DU nặng tới nửa ki-lô-gam kết hợp cùng sơ tốc rời nòng lớn hoàn toàn có khả năng xuyên thủng và phá hủy các phương tiện chiến đấu hạng nặng nhờ việc tấn công từ trên nóc (nơi được bọc giáp mỏng nhất). Ngoài ra, A-10 còn mang theo bom, rocket và tên lửa dẫn đường tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.

Dù có hỏa lực mạnh mẽ, nhưng nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, hỏa lực của A-10 khá chính xác khi sử dụng pháo chính. Đã có trường hợp máy bay A-10 bắn nhầm vào lực lượng mà đáng ra nó phải hỗ trợ, trong đó có cả dân thường.

"Chính hệ thống ngắm bắn điện tử đơn giản đã không cho phép phi công lái A-10 không phải lúc nào cũng có thể khai hỏa chính xác vào mục tiêu", chuyên gia A. Kotz đánh giá.

EMB-314 Super Tucano của Brazil

Dù Nga và Mỹ đang là những siêu cường sở hữu máy bay CAS tin cậy và mạnh mẽ, nhưng điều đó không ngăn cản nhiều quốc gia khác phát triển dòng máy bay chiến đấu này.

Những dòng máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất hàng đầu thế giới - Ảnh 3.

EMB-314 Super Tucano / DefesneTalk.

Đầu những năm 2000, hãng chế tạo hàng không Brazil Embraer Defense đã giới thiệu dòng máy bay CAS nội địa cánh quạt EMB-314 Super Tucano. Thiết kế ban đầu của EMB-314 là dòng máy bay huấn luyện, cường kích hạng nhẹ 2 chỗ ngồi.

EMB-314 được bọc giáp nhẹ bằng các tấm vật liệu chống đạn Kevlar và pháo 12,7mm, 20mm, cùng các loại bom, rocket lắp trên các giá treo vũ khí dưới thân và cánh. Điều này đã vô tình biến chiếc EMB-314 có thể thực hiện nhiệm vụ của máy bay CAS.

Do thiếu trang bị đặc chủng, EMB-314 không có khả năng chống lại xe tăng đối phương hay có khả năng tự bảo vệ trước đạn phòng không. Tuy nhiên, chuyên gia A. Kotz đánh giá, chi phí sử dụng rẻ, đơn giản đã biến EMB-314 phù hợp chống lại các nhóm phiến quân nhỏ lẻ.

Nhờ hiệu quả tác chiến cao, Quân đội Colombia đã đặt mua máy bay Super Tucano để chống lại các băng đảng buôn bán ma túy; Mỹ cũng đặt mua tới 200 chiếc máy bay dạng này để sử dụng chúng chống tại Taliban ở Afghanistan.

Dassault/Dornier Alpha Jet của châu Âu

Dòng máy bay huấn luyện/cường kích hạng nhẹ Alpha Jet, sản phẩm hợp tác giữa Tây Đức và Pháp giới thiệu trong những năm 1970, đã được sử dụng với vai trò nhưng máy bay CAS trong biên chế không quân 14 quốc gia trên thế giới.

Alpha Jet được thiết kế có thể tiêu diệt cả mục tiêu đang di chuyển lẫn đang đứng yên, cũng như cho các nhiệm vụ trinh sát và huấn luyện phi công.

Những dòng máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất hàng đầu thế giới - Ảnh 4.

Máy bay Alpha Jet / DefenseTalk.

Theo đánh giá của chuyên gia A. Kotz, khả năng thao diễn trên không của Alpha Jet cân bằng với khối lượng vũ khí mang theo. Máy bay CAS này có thể mang theo pháo DEFA 553 30mm, 2 súng máy 12,7mm và 4 đơn vị bom dưới cánh.

Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Đức đã bán toàn bộ 93 máy bay Alpha Jet cho nhiều quốc gia khác nhau. Dòng máy bay CAS này đang được Không quân nhiều quốc gia NATO như Bỉ, Canada, Pháp, Bồ Đào Nha, Anh và nhiều quốc gia tại châu Phi, Cận Đông và châu Á sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại