Có rất nhiều thông tin xoay quanh cuộc đời, con người của Từ Hi Thái Hậu nhưng không thể phủ nhận một điều, những cống hiến của bà suốt 5 thập kỷ của triều đại nhà Thanh chính là tiền đề cho những cải cách xã hội ảnh hưởng đến cả sau này.
Chân dung Từ Hi Thái Hậu.
Từ Hi sinh năm 1835 trong một gia đình tiểu quan lại tại Đạo Huệ, Quảng Thái, Ninh Trì, tỉnh An Huy, trở thành phi tần của Hoàng đế Hàm Phong năm 1851 sau khi vượt qua 60 cô gái cùng tham gia thi tuyển tú nữ.
Năm 1854, Từ Hi được tấn phong làm Ý Tần và 1 năm sau mang thai đứa con đầu lòng.
Ngày 27/4/1856, Ý Tần sinh hạ hoàng tử Tải Thuần, con trai duy nhất của Hoàng đế Hàm Phong – sau này chính là “con rối” đầu tiên để Từ Hi Thái Hậu điều khiển, thống trị vương triều nhà Thanh suốt 47 năm (1861 – 1908).
Hình ảnh Từ Hi Thái Hậu trên tạp chí Pháp “Le Rice” vào 14/7/1900.
Sử sách ghi chép rất nhiều về bà, về những công trạng, cải cách hay những hành vi độc ác, hoang dâm… Các nhà sử học cả trong và ngoài Trung Quốc đã dành nhiều công sức để đánh giá về công và tội của Từ Hi Thái hậu.
Một số học giả cho rằng bà là một người phụ nữ độc ác, chuyên quyền, phải chịu trách nhiệm cho sự cáo chung của nhà Thanh. Một số người khác lại ca ngợi những thay đổi và cải cách mà bà mang lại cho Trung Quốc.
Cuộc đời chính trị của bà đã quá phổ biến trên sách vở, vậy còn đời sống cá nhân? Đáng ngạc nhiên khi Từ Hi Thái Hậu là một người như thế này đây:
Một “fashionista” chính hiệu
Từ Hi Thái Hậu được biết đến là người ưa chưng diện và cũng rất thích chụp ảnh. Bảo tàng Cung điện ở Bắc Kinh đã bảo tồn được hơn 100 bức ảnh còn sót lại của bà trong hơn 30 bộ váy và trang phục lộng lẫy khác nhau.
Những trang phục này đều là quần áo lụa được thêu ngọc trai chất lượng cao, trang sức đeo quanh người, trâm vàng cài tóc…
Hình ảnh được cho là chụp vào năm 1903, Từ Hi với mái tóc đặc trưng thời nhà Thanh với hai bên tóc được chẽ ra.
Nhìn riêng vào mái tóc của Từ Hi Thái Hậu đã thấy một sự kỳ công trong tạo kiểu. Một bộ công cụ tạo kiểu được sử dụng trong cung điện thường có đến 25 công cụ khác nhau để sắp xếp và sáng tạo ra những kiểu tóc khác nhau theo ý Thái Hậu cũng như các phi tần.
Bộ dụng cụ làm tóc được trưng bày ở Bảo tàng Cố cung.
Tự xây dựng một đường sắt riêng để đi lại trong cung
Để giành được sự ủng hộ của Từ Hi Thái Hậu trong việc phát triển mạng lưới đường sắt của đất nước, Lý Hồng Chương - một nhà chính trị, tướng và nhà ngoại giao nổi bật - đã gợi ý xây dựng một tuyến đường sắt độc quyền trong Tây Uyển, khu vườn phía tây Tử Cấm Thành.
Tuyến đường sắt trong cung để phục vụ Thái Hậu.
Tây Uyển có hồ Bắc Hải và hồ Trung Nam Hải, là nơi mà Từ Hi thường sinh sống sau năm 1888.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên trong hoàng cung tại Trung Quốc bắt đầu năm 1886 và hoàn thành năm 1888. Đoạn đường dài 1.510 m, xuất phát gần Nghi Loan Điện, nơi ở của Từ Hi ở Trung Nam Hải, và chạy đến Tĩnh Tâm Trai ở Bắc Hải, nơi vị thái hậu ăn uống.
Tuyến đường có một trạm dừng ở giữa ngay tại Tử Quang Các, nên được đặt tên là "đường sắt Tử Quang Các".
Sơ đồ tuyến đường sắt.
Để làm nổi bật quyền uy của vị thái hậu, các toa tàu được trang trí rèm che có màu sắc khác nhau: màu vàng tượng trưng cho Từ Hi và hoàng đế Quang Tự, màu đỏ cho các thành viên còn lại của hoàng tộc và màu xanh dương cho quan lại.
Không may là tuyến đường sắt này bị phá hủy bởi liên quân 8 nước vào năm 1900.
Ăn 150.000 quả táo mỗi năm, mỗi bữa 120 món
Bên cạnh Ngự Thiện Phòng phục vụ cho các phi tần của hoàng đế, Từ Hi có một nhà bếp riêng được xây dựng bên trong Tử Cấm Thành, gọi là "Bếp Tây". Nhà bếp này được chia thành 5 phòng chuyên 5 loại món: món thịt, món chay, các món cơm - mì - bánh bao, món ăn vặt và món bánh ngọt.
Đội ngũ tại Bếp Tây có thể làm hơn 400 loại bánh ngọt, 4.000 món ăn, trong đó có những món sơn hào hải vị hiếm thấy như yến sào, vi cá và chân gấu.
Một bữa ăn của Từ Hi Thái Hậu – Phục dựng tại Bảo tàng Cố cung.
Theo cuốn Từ Hi Thái hậu của tác giả Từ Triệt, một học giả và chuyên gia về triều Thanh, mỗi bữa ăn của "lão Phật gia" có đến 120 món. Tuy nhiên, một số món bà chỉ ăn 2, 3 thìa vì sợ bị đầu độc. Đồ còn thừa, bà cũng thường cho phép phi tần, thái giám và quan lại thưởng thức nốt.
Tuy nhiên, thông tin Từ Hi ăn hơn 150.000 quả táo một năm là không chính xác. Sự thật là bà chỉ ngửi. Vị Thái Hậu khác người này có sở thích với mùi hương của các loại trái cây như táo, lê, đào.
Thái Hậu rất thích ăn lẩu. Các nồi lẩu trong cung thường được làm bằng gốm sứ, bạc, bạc mạ vàng hoặc men.
Có nô tài hầu hại riêng cho chó cưng của Thái Hậu
Nuôi chó làm thú cưng là sở thích phổ biến trong cung, Từ Hi Thái Hậu có đến 20 con chó cảnh, trong đó bà đặc biệt yêu quý một con thuộc giống cho Bắc Kinh. Thay vì nhốt trong chuồng, Từ Hi để chúng sống trong một căn nhà tre với 4 thái giám túc trực chăm sóc.
Từ Hi Thái Hậu chụp ảnh cùng các phi tần, cung nữ, thái giám và chó cưng.
Ngoài ra, chó cưng của Thái Hậu còn được may cho rất nhiều quần áo hàng năm. Các bộ đồ này đều được làm từ vải satin, thêu hoa cúc, hoa hải đường bằng chỉ lụa vàng. Quả thật còn sang hơn người thường.
Một bộ quần áo cho chó cưng của Thái Hậu.
Từ Hi Thái Hậu được mai táng cùng trang sức tương đương 1,2 triệu lạng bạc
Từ Hi Thái Hậu qua đời vào ngày 15/11/1908 tại Nghi Loan Điện, một ngày sau cái chết của hoàng đế Quang Tự, hưởng thọ 72 tuổi.
Đám tang của bà được tổ chức một cách linh đình, thậm chí các hoạt động tang lễ diễn ra liên tục trong 12 tháng.
Theo các thông tin xuất bản, bà được chôn cất cùng rất nhiều trang sức và các vật phẩm xa xỉ khác trị giá 1,2 triệu lạng bạc (thời đó, một lạng tương đương khoảng 37,8 gram bây giờ).
Con thuyền khổng lồ để đưa tiễn Từ Hi Thái Hậu.
Một trong các nghi lễ lớn nhất trong lễ tang của bà là đốt một chiếc thuyền "vàng mã" khổng lồ vào ngày 30/8/1909.
Con thuyền dài 72 m và rộng 7m, làm bằng gỗ quý và được che phủ bằng vải lụa đắt đỏ. Trên thuyền, người ta đặt rất nhiều loại đồ mã như tháp, đình, phòng ốc cũng như hàng chục hình nhân người hầu với kích cỡ thật, mặc quần áo như người thật.
Thuyền được đốt ở địa điểm gần cửa Tây của Tử Cấm Thành, được cho để giúp vị thái hậu có được cuộc sống tốt ở thế giới bên kia.
Mô hình người hầu, cung nữ bằng giấy với kích thước và quần áo thật.
Bà được an táng tại Thanh Đông Lăng ở Tuân Hóa thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 125 km về phía đông bắc, cùng 5 vị hoàng đế của nhà Thanh gồm Thuận Trị, Khang Hi, Càn Long, Hàm Phong và Đồng Trị.
Tuy nhiên, ngôi mộ của bà đã bị cướp phá bởi lãnh chúa Sun Dianying và quân đội của ông năm 1928.