Những điểm nhấn đặc biệt quan trọng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14

Hoàng Đan |

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 khai mạc vào sáng 22/10 với rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc bầu Chủ tịch nước và tiến hành phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Sáng 22/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội và dự kiến bế mạc vào 21/11. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, Quốc hội dự kiến dành 9,5 ngày để xây dựng pháp luật. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.

Bầu Chủ tịch nước

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngay sau buổi sáng khai mạc, trong chiều 22/10, Quốc hội bắt đầu tiến hành các quy trình để bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự.

Các đại biểu Quốc hội sẽ bầu bằng phiếu kín và việc công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10.

Theo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được BCH Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

"Từ trước đến nay đây là lần đầu tiên Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư sang ứng cử để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Hiện bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước đang giữ quyền Chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Ngoài ra, theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nội dung này được thực hiện trong 2 ngày, 23 - 24/10.

Những điểm nhấn đặc biệt quan trọng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 - Ảnh 1.

Ảnh các đại biểu tham dự một phiên họp của Quốc hội tại Hội trường.

Lấy phiếu tín nhiệm

Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014.

Từ chiều 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch Quốc hội; 12 Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 Phó thủ tướng, 20 Bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

Kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông do tính đến thời điểm lấy phiếu hai người giữ chức danh này chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.

Trong danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm lần này có 14 vị đã từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (2013) và 15 vị vào lần thứ hai (2014).

Trước kỳ họp Quốc hội khoảng một tháng, 48 người trong danh sách đều đã gửi báo cáo đánh giá hoạt động của mình tới Quốc hội.

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Đây sẽ là kỳ họp đi vào lịch sử, khi Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước.

Nếu thông qua, Việt Nam là nước thứ 5 trong số 11 nước thông qua hiệp định này. CPTPP có hiệu lực khi có ít nhất 6/11 nước thông qua.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao của nước ta, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động.

Xem xét thông qua, cho ý kiến về nhiều dự án Luật quan trọng

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án Luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.

Cụ thể, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo như kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại