Tổng thư ký QH: Đề nghị Bộ Công an xác minh thông tin cán bộ đoàn ĐBQH bị nhắn tin khủng bố

Hoàng Đan |

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc các đại biểu Quốc hội tránh gặp gỡ giao lưu tiệc tùng trong thời gian diễn ra kỳ họp là để nêu gương với cán bộ, Đảng viên.

Lần đầu tiên Tổng Bí thư ứng cử để bầu làm Chủ tịch nước

Chiều 18/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14.

Theo chương trình, kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào sáng ngày 22/10 và làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/11.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Đối với công tác nhân sự, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay trong những ngày đầu tiên làm việc.

Đồng thời, Quốc hội xem xét phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, xem xét phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới).

Tổng thư ký QH: Đề nghị Bộ Công an xác minh thông tin cán bộ đoàn ĐBQH bị nhắn tin khủng bố - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc.

Sau phần trình bày của Tổng Thư ký Quốc hội, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, trong phiên họp của Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các ĐBQH tập trung vào công việc, tránh nhận lời mời của các Bộ, ngành tham dự tiệc tùng.

Trả lời câu hỏi này, ông Phúc cho rằng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tránh nhận lời mời của các Bộ, ngành tham dự gặp gỡ, tiệc tùng để nêu gương đối trong lãnh đạo, cán bộ, đảng viên.

Ông nêu rõ, việc liên hoan, tiệc tùng sẽ gây phản cảm, do đó, các đại biểu cần chấp hành nghiêm yêu cầu tránh tham gia tiệc tùng.

Tổng Thư ký Quốc hội thông tin thêm, điểm mới trong kỳ họp này là lần đầu tiên thực hiện công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Tổng Bí thư vào chức danh Chủ tịch nước.

"Từ trước đến nay đây là lần đầu tiên Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư sang ứng cử để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước", ông Phúc nhấn mạnh.

Về việc, tân Chủ tịch nước sau khi được bầu, tuyên thệ có tổ chức họp báo không? Ông Phúc trả lời, trước đây, Chủ tịch nước sau khi được bầu đều không tổ chức họp báo, do đó, với ý kiến này, ông sẽ gửi đến cơ quan chức năng và tân Chủ tịch nước sẽ quyết định.

Đề nghị Bộ Công an làm rõ Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH bị nhắn tin khủng bố

Đối với thông tin, Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH một số tỉnh nhận tin nhắn đe dọa tính mạng, đòi tiền, ông Phúc cho hay, sáng nay, ông đã nhận báo cáo của 2 văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh về việc này.

"Ngày hôm qua, dù chưa có báo cáo từ các địa phương nhưng qua thông tin báo chí, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xác minh thông tin này đúng hay sai.

Tuy nhiên, có một chuyện, là đối tượng nhắn tin, đe dọa, khủng bố nhưng lại cho số tài khoản ngân hàng cụ thể. Chúng tôi không hiểu điều này thế nào và cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ sẽ làm rõ", ông Phúc cho hay.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, không chỉ các Chánh văn phòng đương nhiệm mà một số vị đã nghỉ hưu vẫn nhận được tin nhắn đe dọa, đòi tiền.

"Có thể các đối tượng lấy được số từ danh bạ cũ nên một số cán bộ đã nghỉ hưu vẫn nhận được tin nhắn. Do đó, hiện các cơ quan đang làm rõ và khi nào có kết quả chúng tôi sẽ có thông tin", ông Phúc nói thêm.

Về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi tiến hành phiên chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: "Hoạt động này được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại