Belarus mới đây đã thông qua khái niệm về học thuyết quân sự và an ninh quốc gia. Theo Bộ trưởng Quốc phòng nước này Viktar Khrenin, cả hai tài liệu trên đều được cập nhật để phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine và "chính sách xét lại của Mỹ". Trước cuộc bỏ phiếu thông qua là bài phát biểu của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và các tài liệu mới chỉ rõ chính sách của các nước NATO là nguồn đe dọa chính.
Những thay đổi trong quan niệm về an ninh quốc gia của Belarus
Theo Anna Maria Dyner, nhà phân tích thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), khái niệm an ninh quốc gia là tài liệu quan trọng nhất xác định nguồn gốc của các mối đe dọa, đồng thời bao gồm cả những kế hoạch khung để ngăn chặn và đối phó chúng. Tài liệu có cấu trúc và độ dài tương tự như khái niệm năm 2010, nhưng phiên bản mới có một số nội dung cập nhật về tình hình an ninh hiện tại ở châu Âu, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Bà Dyner lưu ý, những mối nguy hiểm quan trọng nhất đã được chiến lược an ninh mới của Belarus chỉ ra, trong số những mối nguy hiểm khác: tìm cách can thiệp vào nền độc lập và công việc nội bộ của Belarus, chủ nghĩa cực đoan hoặc việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của các quốc gia khác. Đại dịch, các mối đe dọa đối với hoạt động của những cơ sở hạ tầng quan trọng, các hoạt động thù địch trên không gian mạng và sự lây lan của hệ tư tưởng phát xít cũng được đề cập là những thách thức an ninh lớn.
Học thuyết quân sự mới
Chính quyền Belarus giải thích việc áp dụng học thuyết quân sự mới, cũng như khái niệm an ninh quốc gia, là do sự thay đổi tình hình an ninh ở châu Âu, các chính sách được cho là "hung hăng và xét lại" của các nước phương Tây cũng như diễn biến quân sự ở Ukraine. Tài liệu quân sự mới dài gấp đôi tài liệu trước, có cấu trúc thay đổi, chỉ ra bản chất khác của các mối đe dọa và tập trung vào việc tổ chức ở cấp nhà nước cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng cùng các công tác chuẩn bị cho người dân đối phó với nó.
Về bản chất, chiến lược mới mang tính "đối đầu" hơn nhiều so với học thuyết quân sự năm 2016. Học thuyết trước đó phản ánh tình hình năm 2014, tức là việc Nga sáp nhập Crimea và các hành động quân sự ở Donbas. Trong phiên bản hiện tại, Belarus xác định chính sách của các thành viên NATO, trong đó có Ba Lan, Mỹ và các nước vùng Baltic, là những mối đe dọa nguy hiểm nhất. Tài liệu cũng đề cập đến việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus như một yếu tố răn đe quan trọng.
Lần đầu tiên, chiến lược quân sự bao gồm điều khoản cho phép Belarus tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang quốc tế bên ngoài biên giới của mình như một phần của các hoạt động đồng minh. Trong nhiều năm, chính quyền Belarus không chấp nhận việc triển khai quân ở nước ngoài, ngoại trừ việc thỉnh thoảng tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Thay đổi đáng kể đầu tiên trong chính sách này là sự tham gia của binh sĩ Belarus trong sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Kazakhstan vào năm 2022.
Ngoài ra, các quy định mới của cả hai tài liệu sẽ làm sâu sắc thêm sự hội nhập quân sự giữa Belarus và Nga. Cả khái niệm an ninh và học thuyết quân sự đều nhấn mạnh rằng liên minh Belarus - Nga trong Nhà nước Liên minh có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ Belarus.
Chuyên gia Dyner kết luận, các tài liệu mới cũng cho thấy, thông qua tăng cường tiềm lực quốc phòng, Belarus sẽ tập trung vào việc đảm bảo an ninh thông tin cho quân đội, phát triển lực lượng phòng thủ, lực lượng tự vệ quốc gia. Belarus cũng sẽ tập trung vào sản xuất vũ khí, mua và phát triển hệ thống chỉ huy và kiểm soát, trinh sát điện tử, hệ thống không người lái, công nghệ tên lửa, pháo binh và các phương tiện bọc thép cũng như vũ khí cỡ nhỏ. Những kế hoạch này là kết quả của những kết luận rút ra từ cuộc chiến ở Ukraine.