Căng thẳng gia tăng, Ba Lan gấp rút lập "Lá chắn phương Đông" ở biên giới giáp Nga, Belarus

Lâm Yến |

Ba Lan đang gấp rút triển khai kế hoạch củng cố tuyến biên giới phía đông giáp Nga và Belarus, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về an ninh khu vực.

Chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk đã lên kế hoạch cho một loạt biện pháp an ninh, bao gồm cả không gian mạng, cũng như khoản đầu tư 2,5 tỷ USD vào an ninh biên giới phía đông, được gọi là "Lá chắn phương Đông".

Theo Bộ Quốc phòng Ba Lan, hệ thống an ninh mới sẽ là một phần của cơ sở hạ tầng phòng thủ khu vực được xây dựng chung với các nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia - những quốc gia cũng nằm trên sườn phía đông của NATO.

Hệ thống này, với các chốt chặn hiện đại, công sự kiên cố và hệ thống giám sát tối tân, được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả bất kỳ hành vi gây hấn nào.

Bộ Quốc phòng Ba Lan nhận định: "Lá chắn phương Đông sẽ "tăng cường đáng kể khả năng chống chịu của nước này trước các mối đe dọa quân sự từ phía Đông, hạn chế khả năng cơ động của quân đội đối phương đồng thời mang lại sự tự do hành động và khả năng sống sót cao hơn cho quân đội và thường dân của chúng ta".

Là quốc gia thành viên NATO và luôn ủng hộ Ukraine, Ba Lan cho rằng mình đang là mục tiêu của các hoạt động không mấy thân thiện từ Nga và Belarus.

Các quan chức Ba Lan cho rằng đó là nỗ lực nhằm gây bất ổn cho Liên minh Châu Âu (EU), mà Ba Lan là thành viên. Trước đó, chính phủ tiền nhiệm của Ba Lan đã đầu tư 400 triệu USD để xây dựng tường ngăn ở khu vực biên giới với Belarus nhằm ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt bắt đầu từ năm 2021.

Chính phủ hiện tại cho rằng bức tường này cần được củng cố hơn nữa.

Kế hoạch này được công bố trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đông Âu. Cả ba nước Baltic từng là một phần của Liên Xô, trong khi Ba Lan là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô trước những năm 1990. Moscow đến nay vẫn coi khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại