Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên tiêu chí đánh giá tổng hợp thực lực của cả 3 quân chủng: Hải quân, không quân và lục quân của các nước. Không ngạc nhiên khi đứng đầu theo tiêu chí đánh giá của The National Interest là "bộ tam" cường quốc quân sự Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Hải quân
Các nước có lực lượng hải quân mạnh nhất trên thế giới là: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Nhật Bản, trong đó, hải quân Mỹ vẫn giữ vị trí số 1.
The National Interest cho hay, Mỹ hiện có số lượng tàu không lớn, ít hơn cả Trung Quốc nhưng chất lượng và tổng lượng giãn nước thì lớn hơn so với cả Nga và Trung Quốc gộp lại.
Hiện hải quân Mỹ đang sở hữu 10 tàu sân bay, trong tương lai có thể lên đến 12 chiếc, cùng với vài chục tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn, có thể mang theo các chiến đấu cơ hiện đại, được triển khai trên khắp các đại dương của thế giới.
Số lượng tàu sân bay và tàu đổ bộ khiến Mỹ có thể phát huy sức mạnh không quân-hải quân trên khắp các đại dương, lực lượng hải quân Mỹ cũng có thể đổ bộ lên bất cứ lục địa nào từ hướng biển.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư cực lớn cùng số lượng chiến hạm tăng với tốc độ chóng mặt.
Hiện hải quân Trung Quốc có số lượng tàu nổi và tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng các trang bị này vẫn chưa thể so được với Nga, Mỹ, thậm chí là Anh, Pháp về chất lượng. Đồng thời, khả năng tấn công tầm xa của Trung Quốc hiện vẫn còn hạn chế, không sánh được với các cường quốc trên.
Nga dù có truyền thống được coi là cường quốc lục quân nhưng hải quân Nga cũng sở hữu số lượng lớn các tàu chiến. “Hải quân Nga có 79 chiến hạm, trong đó có một tàu sân bay, 5 tuần dương hạm, 13 khu trục hạm và 52 tàu ngầm”,
The National Interest cho hay. Về chất lượng, hiện hải quân Nga sánh ngang với Mỹ và vượt trội phần còn lại. Với ưu thế từ hạm đội tàu ngầm hạt nhân hùng mạnh và lực lượng tàu mặt nước (kể cả tàu rất nhỏ) có khả năng tấn công đối hải/đối đất mạnh mẽ, hải quân Nga xứng đáng là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ.
Lục quân
Trong danh sách lục quân mạnh nhất trong bảng xếp hạng của The National Interest gồm có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Anh. Trong đó, tạp chí Mỹ đánh giá lực lượng lục quân mạnh nhất là của quân đội Mỹ với ưu điểm lớn nhất là kinh nghiệm tác chiến, đúc rút từ hàng loạt cuộc chiến trên thế giới.
Khả năng chiến đấu cao của quân đội Mỹ sẽ được cung cấp đầy đủ bởi ngành công nghiệp quốc phòng phát triển. Tuy nhiên, Mỹ đã đầu tư dàn trải vào những loại vũ khí quá đắt tiền mà bỏ qua những vũ khí thông thường khiến lục quân Mỹ đang dần đánh mất ưu thế trước lục quân Nga và Trung Quốc.
Hơn nữa, những áp lực thường xuyên từ nhiều cuộc chiến liên miên mà Mỹ hiện diện ở khắp nơi trên thế giới mang tới rất nhiều mối đe dọa, có thể dẫn tới tình trạng “kiệt sức hoàn toàn”.
Lục quân Trung Quốc cũng được đánh giá cao với số lượng quân và phương tiện tác chiến khổng lồ.
Nga là quốc gia có truyền thống về lục quân, hiện quân số bộ binh Nga lên tới 285.000 quân tinh nhuệ, huấn luyện tốt và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, bộ binh của Nga đã, đang và sẽ nhận được những thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới theo hướng cơ giới hóa và tự động hóa.
Tác giả tài liệu cũng nhấn mạnh rằng, trong hệ trang bị của quân đội Nga sắp tới sẽ có xe thiết giáp độc đáo trên nền tảng khung gầm Armata. Đây sẽ là bước ngoặt đối với lục quân Nga, khiến cán cân lực lượng tác chiến mặt đất trong những năm tới sẽ nghiêng về phía Nga.
Không quân
Về không quân, The National Interest chỉ đánh giá cao 4 quốc gia là: Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ dĩ nhiên vẫn chiếm vị trí số 1 với hàng nghìn máy bay chiến đấu tiên tiến của lực lượng không quân.
Về không quân chiến thuật, số liệu trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về tiềm lực không quân chiến thuật, với tổng số khoảng 2.700 máy bay chiến đấu, Trung Quốc và Nga lần lượt xếp thứ hai và thứ ba với khoảng trên dưới 1.500 chiếc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của The National Interest, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa với các dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm và các chiến đấu cơ mạnh mẽ thế hệ thứ tư, còn không quân Nga hiện đã bước vào thời kỳ hiện đại hóa bền vững.
Hiện nay, không quân Nga có 1.500 máy bay chiến đấu và 400 máy bay trực thăng quân sự, trong đó có các máy bay thế hệ 4 hàng đầu thế giới như Su-34, Su-35. Trong năm tới, Nga sẽ biên chế các chiến đấu cơ thế hệ 5 Sukhoi T-50 PAK FA, khiến thực lực không quân tăng lên vượt bậc.