Những con số 'khủng' trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Hoàng An - Minh Đức |

Giai đoạn I khép lại, bà Trương Mỹ Lan bị toà tuyên tử hình, 85 đồng phạm lĩnh các mức từ tù treo đến chung thân; giai đoạn II vụ án, cơ quan chức năng tiếp tục truy tố bà Lan cùng 32 bị can về 3 nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. CQĐT xác định nhóm bị can đã vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD ra nước ngoài; rửa tiền hơn 445 nghìn tỷ đồng...

Hơn 80 bị cáo lĩnh án từ tù treo đến tử hình

Vụ án xuất phát từ ngày 7/10/2022, căn cứ tài liệu thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an, ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giam bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu “khống” của Công ty An Đông, gây hậu quả đặc biệt lớn cho nhà đầu tư.

Tiếp đó, C03 ra quyết định khởi tố bổ sung bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm thêm tội “Rửa tiền”, vì sử dụng, che giấu nguồn gốc tiền do chiếm đoạt mà có. Mở rộng điều tra, C03 khởi tố hơn 80 bị can về nhiều tội danh khác nhau.

Vụ án sau đó chia làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn I, C03 cáo buộc nhóm bà Lan phạm các tội "Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm về quy định cho vay tín dụng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng , hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, CQĐT xác định, bà Lan đã xây dựng "đế chế" hơn 1.000 công ty, chia thành 4 nhóm. Trong đó, có nhóm công ty "ma" được thành lập để rút 1 triệu tỷ đồng từ ngân hàng, bằng các hợp đồng vay vốn giả.

Theo cáo buộc ở giai đoạn I, cơ quan tố tụng cho rằng suốt 10 năm (2012 - 2022), bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, chi phối hoạt động Ngân hàng SCB để chiếm đoạt tiền, dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản, dư nợ tín dụng đặc biệt lớn, hơn 677.000 tỷ đồng gốc, lãi không có khả năng chi trả.

Khi bị cơ quan quản lý Nhà nước thanh, kiểm tra, nhóm bà Lan tìm cách "lót tay', đưa hối lộ nhằm mua chuộc, đối phó.

Cơ quan tố tụng xác định, 18 thành viên đoàn thanh tra đều nhận vật chất từ nhóm bà Lan, trong đó bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) nhận hối lộ 5,2 triệu USD; nhiều cán bộ khác thuộc đoàn thanh tra do bà Nhàn quản lý được nhiều quần áo đẹp, túi xách hàng hiệu hoặc tiền từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Đáng chú ý, quá trình điều tra giai đoạn I vụ án, C03 làm rõ thêm hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của đại gia Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holdings) trong việc hợp tác kinh doanh với Trương Mỹ Lan. Cơ quan tố tụng xác định, ông Trí đã chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng.

Đến 11/4/2024, TAND TP HCM tuyên phạt bà Lan tổng mức án tử hình cho 3 tội; bà Đỗ Thị Nhàn bị phạt tù chung thân tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Cao Trí lĩnh 8 năm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hơn 80 đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan lần lượt lĩnh các mức từ án tù treo đến chung thân.

Những con số 'khủng' trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên sơ thẩm vụ án giai đoạn 1.

Vừa tuyên xong lại nhận thêm tội mới

Giai đoạn II của vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận nhóm bà Lan phạm các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Riêng bà Trương Mỹ Lan cùng 3 thuộc cấp: Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula); Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Acumen);Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị đề nghị truy tố cả 3 tội nêu trên. Gần 30 bị can khác là đồng phạm giúp sức.

Theo kết luận, đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhóm bà Lan phát hành 25 gói trái phiếu “khống” thông qua 4 pháp nhân Công ty (An Đông; Quang Thuận; Sunny World; Setra) với tổng giá trị 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 Nhà đầu tư.

Hành vi thứ hai là Rửa tiền, cơ quan điều tra xác định nhóm bà Lan đã “rửa” hơn 445.747 tỷ đồng (trong đó, hơn 415.666 tỷ đồng là nguồn tiền phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và 30.081 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Hành vi thứ 3, nhóm bà Lan thực hiện Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng số tiền hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng). 21 Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật với tổng số hơn 1,5 tỷ USD và 21 Công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trong nước trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số hơn 3 tỷ USD.

CO3 cho hay, việc chuyển tiền quốc tế của nhóm bà Lan đều thông qua các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp; hợp đồng tư vấn; hợp đồng vay nợ "khống" giữa các Công ty tại Việt Nam và Công ty, tổ chức ở nước ngoài. Mục đích chủ yếu là chuyển ra để trả nợ, chuyển vào là vay nợ.

Quá trình điều tra giai đoạn 1, CQĐT đã kê biên, phong tỏa 1.237 bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, cùng với 589 tỷ đồng, gần 15 triệu USD và nhiều siêu xe, du thuyền.

Ngoài kê biên nhiều tài sản, bất động sản của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cơ quan điều tra cũng áp dụng biện pháp phong tỏa với hàng chục tỷ đồng, hơn 200 sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất và hàng trăm miếng kim loại màu vàng của 3 bị can đã chết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại