Những chiếc van thở in 3D này đã cứu sống các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Italy như thế nào

Nguyễn Hải |

Khi lượng van thở trong bệnh viện đang dần cạn, còn nguồn cung cấp thì không thể đến kịp, công nghệ in 3D đã trở thành cứu cánh cho hàng trăm bệnh nhân tại đây.

Tốc độ lây lan chóng mặt của virus corona đang gây ra một vấn đề nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng của y tế cộng đồng. Số người bệnh gia tăng quá nhanh dễ khiến các bệnh viện, các cơ sở y tế rơi vào cảnh thiếu hụt trang thiết bị, đặc biệt là các thiết bị hỗ trợ thở cho những người chuyển biến nặng. Và khi chúng bị hỏng một bộ phận nào đó, mọi việc sẽ trở nên xấu đi nhanh chóng trong tình huống cấp bách hiện nay.

Đó là điều đã xảy ra vào ngày 13/3 vừa qua tại một bệnh viện ở Brescia, Italya, nơi đang có 250 bệnh nhân nhiễm virus corona đang cần được điều trị tích cực. Những bệnh nhân này đều cần được hỗ trợ thở thông qua mặt nạ oxy Venturi. Thế nhưng những chiếc van Venturi, một bộ phận cần thiết cho mặt nạ oxy, chỉ có thể sử dụng tối đa 8 tiếng mỗi lần. Và nhà cung cấp loại van này lại không thể giao các van thay thế tới bệnh viện kịp thời.

Những chiếc van thở in 3D này đã cứu sống các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Italy như thế nào - Ảnh 1.

Chiếc van nguyên bản (bên trái) và chiếc van in 3D (bên phải).

Giữa lúc cấp bách đó, công nghệ in 3D đã trở thành cứu tinh cho bệnh viện này. Nữ phóng viên  địa phương Nunzia Vallini nhận ra rằng, chiếc van này có thể được in 3D để sử dụng và đã tìm đến một công ty in 3D trong khu vực, có tên Isinnova.

Tuy nhiên, nhà cung cấp loại van này cho bệnh viện lại không muốn trao thông tin thiết kế chiếc van này cho những nhà sản xuất khác. Chính vì vậy, CEO của Isinnova, Cristian Fracassi đã phải sử dụng kỹ thuật đảo ngược để tạo ra thiết kế của chiếc van và in 3D một số mẫu thử nhằm kiểm tra nó có dùng được hay không.

Những chiếc van thở in 3D này đã cứu sống các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Italy như thế nào - Ảnh 2.

Chiếc van được thiết kế lại và in 3D dạng SLS để có độ chính xác cao hơn.

Sau khi được các bác sĩ thông báo chiếc van in 3D sử dụng tốt, họ đã bắt tay vào in chúng ra cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, dù Isinnova có 6 máy in 3D, nhưng các máy in loại FDM lại có tốc độ khá chậm, chỉ in được một chiếc van sau mỗi giờ.

Do vậy, Fracassi đã tìm đến Lonati SpA, một công ty chuyên về thiết kế và in 3D trong khu vực. Công ty này có những máy in 3D loại SLS có thể in số lượng lớn và in được trên chất liệu nylon PA12, một loại vật liệu có thể được khử trùng và dùng cho mục đích sinh học. Trong một ngày sau đó, họ đã in được hơn 100 chiếc van để cung cấp cho bệnh viện.

Những chiếc van thở in 3D này đã cứu sống các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Italy như thế nào - Ảnh 3.

Loạt van được in 3D bằng máy in của công ty Lonati SpA

Đến thời điểm viết bài này, các bệnh nhân trong bệnh viện đã có thể thở được bình thường nhờ vào sự xuất hiện của những chiếc van in 3D nói trên. Và quan trọng hơn là họ không còn lo về việc thiếu nguồn cung thiết bị nữa. Trong khi đó, một số bệnh viện khác đã bắt đầu liên hệ tới những công ty in 3D kể trên khi họ cũng gặp vấn đề về nguồn cung cấp.

Đã từ lâu, in 3D đã được sử dụng trong lĩnh vực y tế về việc tạo ra các bộ phận chân tay giả với giá rẻ dành cho bệnh nhân. Dù vậy đây là lần đầu tiên máy in 3D chứng minh được sự hữu ích của mình trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là khi chuỗi cung cấp gặp phải sự gián đoạn trầm trọng như hiện nay.

Những chiếc van thở in 3D này đã cứu sống các bệnh nhân nhiễm coronavirus tại Italy như thế nào - Ảnh 4.

Tham khảo FastCompany

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại