Marco Langbroek, chuyên gia tới từ Đại học Leiden, Hà Lan sau khi phân tích các hình ảnh mà Triều Tiên công bố với báo chí về vụ phóng tên lửa hôm 29/11 phát hiện ra sự không tương đồng của vị trí các chòm sao trong 2 hình ảnh được chụp cùng một thời điểm.
"Hai hình ảnh gần như được chụp từ cùng một góc độ, nhưng phần nền trời sao phía sau lại khác biệt đáng kể. Một bức hình có sự xuất hiện chòm Orion ở hướng đông nam so với một hình có chòm Andromeda ở hướng tây bắc", ông Langbroek viết trên Twitter hôm 5/12.
Theo chuyên gia Hà Lan, thông thường khi chụp vào ban đêm, các nhiếp ảnh gia sẽ sử dụng tốc độ màn trập nhanh để bắt kịp chuyển động của tên lửa nên các ngôi sao sẽ khó có thể hiển thị rõ nét trong ảnh trả ra như trong các bức ảnh mà Triều Tiên công bố.
Nhận định này của ông Langbroek trùng khớp với quan điểm của nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithisonian.
Tuy nhiên, cả ông Langbroek và ông McDowell đều cho rằng việc chỉnh sửa ảnh là phục vụ mục đích thẩm mỹ chứ không phải là để che giấu thông tin về tên lửa. "Tôi nghĩ có thể là do yếu tố thẩm mỹ. Hoặc họ đang muốn trêu đùa các nhà phân tích", ông Langbroek nhận đinh.