Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận

J.D |

Người ta có thể giết người mà chẳng cần dao, và đó là những gì các nạn nhân bị quay lén tại Hàn Quốc phải hứng chịu.

Kyung-mi (tên nạn nhân đã được thay đổi) bị nhạo báng, bị cyber bully (bắt nạt trực tuyến), chịu đựng sự thẩm vấn hàng giờ đồng hồ của cảnh sát và các công tố viên. Nó xảy ra sau khi cô tố cáo bạn trai - một idol nổi tiếng của K-pop - đã quay phim lại khi cả hai làm "chuyện ấy".

Cô là nạn nhân của một tội ác tình dục, nhưng chẳng ai lắng nghe cô cả.

"Lúc đó tôi còn đi học, còn ít tuổi và đơn độc. Chẳng ai đứng về phía tôi cả" - Kyung-mi trải lòng với BBC.

"Tôi đã rất muốn chết, nhưng không thể. Nếu tôi chết, chẳng ai có thể biết sự thật về Jung Joon-young nữa".

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Jung Joon-young là một nghệ sĩ tài năng, và sở hữu một lượng người hâm mộ đảo. Kyung-mi khi hẹn hò với Jung đã nghĩ đó là một anh chàng chu đáo, tận tâm, cho đến khi Jung ghi lại những lần cả hai quan hệ cùng nhau.

Tháng 8/2016, Kyung-mi lần đầu liên hệ với cảnh sát. Nhưng các điều tra viên không thể tiếp cận điện thoại của Jung Joon-young, và sau cùng cô đành phải từ bỏ vụ án này. Cô hiểu rằng, việc tố cáo một người có địa vị cao là rất khó, nhưng không ngờ rằng chính mình lại bị đối xử như kẻ bị tố cáo, chứ không phải nguyên đơn.

"Cô cảnh sát bảo rằng tôi nên suy nghĩ lại về chuyện trình báo nó. Cô ấy nghĩ rằng sẽ rất khó để cáo buộc một ngôi sao nổi tiếng. Công tố viên sau đó triệu tập tôi để thẩm vấn - chứ không phải hắn ta".

"Tôi bị miệt thị, bị đe dọa, đến mức tôi cũng tự hỏi rằng mình có đang tố cáo một người vô tội hay không".

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 2.

Jung Joon-young - ngôi sao khiến giới giải trí Hàn Quốc chấn động vì scandal quay lén và lạm dụng phụ nữ

Thế rồi 3 năm sau, sự thật trần trụi và phẫn nộ về ngôi sao lớn ấy được đưa ra trước tòa. Cảnh sát nhận được thông báo về các video trên điện thoại của Jung Joon-young vào năm 2019, và cuối cùng ban hành lệnh thu giữ nó. Họ tìm ra những đoạn phim và hình ảnh mà Jung đã lén ghi lại về 12 phụ nữ khác nhau - bao gồm cả của Kyung-mi, rồi chia sẻ nó trong một chatroom với bạn bè của y.

Jung Joon-young bị kết án 5 năm tù giam. Nhưng những tổn thương gây ra cho Kyung-mi thì chẳng thể chữa lành.

Những câu nói giết người

Jung vào tù, Kyung-mi nhận được nhiều hỗ trợ. Nhưng quay trở lại năm 2016 khi cô tìm cách cảnh báo mọi người về hành động của Jung, chẳng ai tin cô cả. Cô bị quấy rối rất nhiều trên mạng, còn bạn bè thì gần như chẳng còn ai.

"Bạn bè của tôi bảo rằng tôi đã hủy hoại cuộc đời của Jung. Dù tôi có khổ sở thế nào, truyền thông vẫn nói về tôi suốt cả ngày. Cả đất nước này nói về tôi. Chẳng ai bảo vệ tôi cả".

Kyung-mi gọi đây là một dạng "đổ lỗi cho nạn nhân", và hoàn toàn sốc vì điều đó.

"Những lời bình luận ấy có thể hại chết mạng người" - cô cho biết.

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 3.

Goo Hara - nữ ca sĩ từng là nạn nhân bị quay lén bởi bạn trai cũ đã tự sát

Và thật đáng buồn, những gì Kyung-mi trải qua sau khi trình báo về một tội ác tình dục, hóa ra lại chẳng hiếm gặp. Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã thực hiện khảo sát trên nhiều nạn nhân tại Hàn Quốc, và nhận ra rằng nhiều người cũng phải đối mặt với sự bất công.

Tội phạm tình dục kỹ thuật số (digital sex crime) là một xu hướng đáng ngại trên toàn cầu. Đa số liên quan đến việc đàn ông lén ghi hình phụ nữ, rồi phát tán chúng trên Internet. Với việc công nghệ ngày càng phát triển, có những chiếc camera mang kích thước rất nhỏ - đôi lúc chỉ bằng một cái nút cài áo, và hoàn toàn có thể lén đặt trong toilet công cộng, khách sạn hoặc phòng thay đồ.

Hàn Quốc cũng sở hữu hệ thống Internet có tốc độ nhanh top đầu thế giới. Nó cho phép các hình ảnh bị phát tán nhanh chóng, dễ dàng chia sẻ, và đôi khi là đem bán cho những người có nhu cầu.

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 4.

Toilet công cộng là nơi đặt camera quay lén rất dễ dàng

Hơn 30.000 trường hợp bị quay lén đã được trình báo lên cảnh sát tại Hàn Quốc trong giai đoạn 2013 - 2018. "Và hầu hết các nạn nhân đều khẳng định rằng họ phải chịu những trải nghiệm kinh khủng trước cảnh sát" - Heather Barr, tác giả bản báo cáo cho biết. "Họ thường bị từ chối, nhiều lần như vậy".

"Họ có thể bị thẩm vấn hết sức kỹ lưỡng về những tình tiết nhạy cảm, và là phỏng vấn công khai. Cuộc tra hỏi sẽ kéo dài hàng giờ với mục đích là thu thập mọi chứng cớ có thể, rồi còn phải đi nhiều văn phòng khác nhau, bị đe dọa phải rút lại trình báo nếu không sẽ bị truy tố về tội vu khống người khác".

"Chúng tôi còn nghe được rằng có cảnh sát lấy những bức ảnh nhạy cảm nạn nhân buộc phải đưa ra để làm bằng chứng, truyền tay nhau khắp sở cảnh sát để cười cợt. Hãy tưởng tượng bạn bị đối xử như vậy sau những gì đã trải qua, có lẽ là khoảnh khắc kinh khủng bậc nhất. Các chuyên gia mô tả đây gọi là 'tái sang chấn', và nó đúng theo nghĩa đen".

Khi BBC liên hệ với cảnh sát tại Hàn Quốc về sự việc, họ cho biết đã thành lập Đội chuyên án Điều tra Tội phạm tình dục Công nghệ tại mọi tỉnh thành của đất nước. Ngoài ra, các sĩ quan sẽ được huấn luyện cụ thể, và sẽ để điều tra viên cùng giới tính với nạn nhân đứng ra xử lý các vụ án để tạo sự thoải mái nhất có thể.

Giết người không dao

Nhưng với một số nạn nhân, những gì họ phải trải qua là quá nhiều.

Tổ chức HRW báo cáo, khảo sát trên 500 nạn nhân cho thấy nhiều người đã bị ảnh hưởng nặng về tâm lý. Một số trầm cảm, bắt đầu xuất hiện suy nghĩ tự sát.

BBC tiến hành phỏng vấn với một số người là nạn nhân bị quay lén trong 4 năm gần đây, bao gồm cả phụ huynh của một cô gái trẻ đã tự sát vì bị đồng nghiệp quay lén . Dù tên này đã bị bắt giữ, nhưng cô gái đáng thương đã không thể nào vượt qua dư chấn của sự việc.

"Người ta có thể giết người mà chẳng cần dao" - cha của nạn nhân trải lòng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019. "Cùng là một tội ác, nhưng ảnh hưởng với từng nạn nhân sẽ khác nhau. Một số có thể vượt qua, số khác - như con gái tôi - thì không".

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 5.

Eun-ju (tên nạn nhân đã được thay đổi) - cô gái trẻ tự sát vì không chịu nổi sang chấn sau sự việc bị đồng nghiệp quay lén

Nói về Kyung-mi, cô mong muốn cả xã hội Hàn Quốc cần thay đổi cách nhìn nhận về những nạn nhân của tội ác tình dục công nghệ. "Họ không phải là những người thấp kém để các bạn có thể chà đạp. Họ cũng không trở thành nạn nhân vì họ quá ngây thơ và ngu ngốc. Họ chỉ kém may mắn. Các bạn cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không may".

Kyung-mi đến một vùng quê, và tìm thấy sự bình yên.

"Tôi đã phải nghỉ học để chữa trị tâm lý. Tôi đến vùng quê, nơi chẳng ai biết tôi, ngày ngày đọc sách và nghĩ rằng thế giới cần phải thay đổi. Trò chuyện với các nạn nhân khác cũng giúp tôi nhẹ nhõm hơn".

"Tôi cố chịu đựng nỗi đau này, mong mỏi rằng xã hội sẽ thay đổi và tốt đẹp hơn".

Sự bảo thủ đáng sợ

Seoul - thủ đô của Hàn Quốc, một thành phố nhộn nhịp và hào nhoáng. Nhưng con người Hàn Quốc từ sâu thẳm bên trong lại là những người bảo thủ đến đáng sợ.

Điều này có nghĩa rằng những vụ bạo hành phụ nữ với một bộ phận xã hội đã không được xem trọng. Phụ nữ thường phải chịu đựng những tiêu chuẩn nhất định, phù hợp với các định kiến về giới tính của xã hội.

Và các nạn nhân của tội phạm tình dục, họ có thể bị xem là "đã bị vấy bẩn". BBC từng phỏng vấn một phụ nữ là nạn nhân bị bạn trai quay lén vào năm 2018. Cô cho biết mình đã kể với bố mẹ, và bị chính mẹ của cô chỉ trích rằng cô "đã ăn mặc quá khêu gợi".

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 6.

Phụ nữ Hàn Quốc tuần hành phản đối nạn quay lén năm 2018

Dẫu vậy, thái độ của xã hội Hàn Quốc đang dần thay đổi, dù còn chậm. Phụ nữ trẻ giờ đã hiểu rằng họ có thể lên tiếng. Năm 2018, hàng vạn phụ nữ ùa xuống đường tuần hành, yêu cầu xử lý nghiêm túc nạn gắn camera quay lén với tấm biểu ngữ giương cao: "My life is not your porn" (tạm dịch: Cuộc sống của chúng tôi không phải phim khiêu dâm cho các người).

Đáp lại cuộc tuần hành, một số điều luật đã được chỉnh sửa. Tuy nhiên, hình phạt dành cho những kẻ biến thái vẫn ở mức khá thấp.

"Nhiều nạn nhân và chuyên gia cảm thấy thất vọng vì hình phạt quá thấp dành cho những kẻ đó, và chúng tôi nhận ra là họ đã đúng" - Heather Barr cho biết. "Năm 2020, 79% những kẻ bị kết án quay lén chỉ bị án treo, hoặc nộp phạt là xong".

"Việc ghi hình và chia sẻ hình ảnh không được đồng thuận có thể bị phạt tù 7 năm, nhưng đó là kịch khung. Trong khi đó, khung nhẹ nhất thì không được đề cập, và rõ ràng các bản án được đưa ra là không tương xứng với những gì nạn nhân phải gánh chịu".

Những câu nói hại chết mạng người: Khi nạn nhân bị quay lén ở Hàn Quốc chìm trong cơn ác mộng vô tận - Ảnh 7.

Park Soo-yuen - người phụ nữ cống hiến nhiều năm để đấu tranh cho các nạn nhân của tội phạm tình dục công nghệ

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết các hướng dẫn mới về tội danh này đã được thay đổi để tương xứng với sự đau khổ của các nạn nhân, và đã được đưa ra từ tháng 1/2021. "Đây là vấn đề khẩn thiết với phụ nữ tại Hàn Quốc" - Barr cho biết.

"Tội phạm tình dục công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ Hàn Quốc, về cảm xúc của họ nơi công cộng, về trang phục họ có thể mặc, và về ai họ có thể tin tưởng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại