Những bài học "xương máu" Mỹ - Triều cần thuộc lòng trước cuộc đàm phán hạt nhân

Tiến sỹ Terry F. Buss |

Trong nhiều trường hợp, thỏa thuận hạt nhân có thể không có nghĩa lí gì. Nếu chủ ý vi phạm thỏa thuận, các quốc gia liên quan có thể thực hiện bí mật hoặc công khai.

Người dân khắp thế giới đang dồn sự chú ý tới cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liệu hai nhà lãnh đạo có đồng thuận giải trừ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và đóng băng các chương trình phát triển hạt nhân trong tương lai hay không?

Hầu hết các phân tích cho tới thời điểm hiện tại đều tập trung vào những thỏa thuận thất bại trong quá khứ, khi các nước không thể buộc Triều Tiên hủy bỏ chương trình phát triển hạt nhân.

Từ năm 1985, Triều Tiên đã vi phạm hoặc rút khỏi các hiệp định và thỏa thuận mà nước này từng kí kết.

Dựa trên cơ sở đó, có thể thấy nhiều nhà phân tích có lí khi nghi ngờ những động thái mới của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây.

Nhưng ngoài Triều Tiên, nhiều nỗ lực ngăn chặn sự phát triển của vũ khí hạt nhân trên thế giới trong quá khứ đã bị lãng quên. Những trường hợp ấy là bài học đắt giá cho cả ông Trump và ông Kim trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Iran

Iran bắt đầu chương trình hạt nhân vào khoảng năm 1950. Từ giai đoạn những năm 1970, Iran đã đối đầu với phương Tây và Liên Hợp Quốc về việc phát triển vũ khí của nước này. Iran kí Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NNPT) nhưng sau đó vi phạm. Các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đã hỗ trợ Iran phát triển công nghệ hạt nhân trong quá khứ.

Năm 2015, khi chỉ còn vài tháng trước khi hoàn thiện được loạt vũ khí hạt nhân, Iran đã kí thỏa thuận với Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nga để trì hoãn (nhưng không dừng hoàn toàn) phát triển hạt nhân, đổi lấy việc được gỡ bỏ các cấm vận kinh tế, giúp Iran tái hòa nhập nền kinh tế thế giới, và nhận lại hàng tỉ USD bị Mỹ nắm giữ.

Ông Netanyahu tiết lộ số tài liệu tình báo về chương trình hạt nhân Iran.

Ông Trump đã chỉ trích ông Barack Obama vì kí thỏa thuận quá bất lợi cho Mỹ. Iran không bị buộc phải dừng hỗ trợ và che giấu khủng bố toàn cầu. Ông Trump đang cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận với Iran.

Tổng thống Trump có thể làm được chuyện này bởi ông Obama đã vi phạm hiến pháp Mỹ khi kí thỏa thuận với EU mà không nhận được sự đồng thuận của quốc hội – và khả năng cao quốc hội sẽ không thông qua bởi nhiều người phản đối.

Iraq

Mỹ và các nước đồng minh đã đổ bộ vào Iraq trong năm 2003. Liên quân này mong muốn xóa bỏ chính quyền do Tổng thống Saddam Hussein lãnh đạo và cáo buộc ông Saddam vì đã khủng bố người dân Iraq và hỗ trợ khủng bố. Nhà lãnh đạo Iraq cũng bị cho là đã phát triển năng lực sản xuất "vũ khí hủy diệt hàng loạt", dù thông tin này sau đó đã được chứng minh là hoàn toàn sai lệch.

Có nhiều cơ sở ủng hộ cho giả thuyết cho rằng ông Saddam khi đó đang theo đuổi vũ khí hạt nhân. Năm 1981, Israel đánh bom cơ sở hạt nhân của Iraq tại Osiraq, hủy diệt hoàn toàn khu vực này. Sau đó, ông Saddam vẫn tiếp tục triển khai chương trình hạt nhân một cách bí mật từ những năm 1960. Năm 1976, Iraq đã mua một lò phản ứng hạt nhân từ Pháp.

Syria

Theo hàng loạt nguồn tin tình báo khác nhau, khoảng đầu những năm 2000, Syria bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm thỏa thuận NNPT nước này kí vào năm 1969. Hội đồng Chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết công nghệ phát triển vũ khí này được Triều Tiên cung cấp.

Năm 2007, để phản ứng lại mối hiểm họa này, Israel đã không kích vào cơ sở hạt nhân đang đóng cửa. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – khi đó đang chiếm giữ một phần lãnh thổ Syria – đã chiếm và tiếp quản cơ sở sản xuất hạt nhân. Từ đó không ai biết có chuyện gì đã xảy ra với các nguyên liệu được lưu trữ ở đây.

Libya

Năm 1969, ông Muammar Gaddafi chiếm quyền lãnh đạo đất nước Libya sau cuộc đảo chính quân sự. Không lâu sau đó, các cơ quan tình báo cho biết ông Gaddafi đã liên hệ với các nguồn tin bí mật để mua vũ khí, công nghệ và nguyên liệu hạt nhân từ các quốc gia khác.

Libya lo ngại kho vũ khí hạt nhân của Israel. Ông Gaddafi từng khoe rằng ông đang cho chế tạo một "quả bom Hồi giáo". Libya từng kí hiệp định NNPT vào năm 1968, ông Gaddafi phê chuẩn vào năm 1975 nhưng sau đó đã vi phạm hiệp định này.

Những bài học xương máu Mỹ - Triều cần thuộc lòng trước cuộc đàm phán hạt nhân - Ảnh 2.

Cựu tổng thống Mỹ George Bush xem những nguyên liệu sản xuất hạt nhân được Libya giao nộp sau khi kí thỏa thuận. Ảnh: New York Times

Trong những năm 1970, Pakistan bắt đầu tự phát triển vũ khí hạt nhân và ông Gaddafi đã ngỏ ý thuyết phục Islamabad cho phép Libya cùng tham gia chương trình. Trước khi thỏa thuận này thành hiện thực, Thủ tướng Pakistan Bhutto đã bị Tướng Zia-ul-Haq lật đổ và Libya bị loại ra khỏi chương trình hạt nhân.

Ông Gaddafi đã tình nguyện dừng phát triển hạt nhân vào năm 2003, đổi lại Mỹ phải gỡ bỏ các cấm vận kinh tế nhằm vào Libya.

Nam Phi

Nam Phi đã bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân vì lo ngại cuộc nội chiến Angola (1975-1991) có thể tràn sang Namibia, Botswana và Nam Phi. Để làm được điều này, Nam Phi hợp tác với các kĩ sư người Pakistan (không phải chính phủ Pakistan).

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng Israel và Pháp cũng ngỏ ý hỗ trợ Nam Phi phát triển hạt nhân. Năm 1977, Liên Hợp Quốc đã cấm Nam Phi mua nguyên liệu hạt nhân từ bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Nam Phi, dưới thời chính phủ phân biệt chủng tộc Apartheid, đã từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 1989. Năm 1988, Nam Phi đã kí hiệp ước hòa bình với Cuba và Angola, yêu cầu Cuba rời khỏi khu vực và Nam Phi sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Năm 1994, sau khi Quốc hội châu Phi được tái lập và được dẫn dắt bởi Nelson Mandela, chính phủ Apartheid lo ngại vũ khí hạt nhân sẽ bị sử dụng sai mục đích. Mặc dù Cuba rời Angola, cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn tới năm 2002.

Ukraine

Trước đây, Ukraine từng là nơi lưu trữ 1/3 số vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Năm 1991, Ukraine rời Liên Xô và trở thành một quốc gia độc lập. Năm 1994, Ukraine tiêu hủy kho vũ khí hạt nhân để đổi lại sự đảm bảo về lãnh thổ và an ninh quốc gia từ Mỹ, Anh và Nga. Trước năm 1994, Ukraine dự trữ tên lửa để bảo toàn độc lập quốc gia. Belarus và Kazakhstan cũng tham gia vào thỏa thuận nói trên.

Năm 2014, Nga thu hồi lại bán đảo Crimea từ Ukraine và ủng hộ các lực lượng thân Nga chiếm giữ vùng miền đông Ukraine. Mỹ và Anh không bảo vệ Ukraine như đã cam kết từ trước.

Brazil và Argentina

Quân đội Brazil đã bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân bí mật trong những năm 1970. Năm 1981, các điều tra viên từ Quốc hội Mỹ phát hiện rằng Brazil đã xuất khẩu uranium sang Iraq. Năm 1987, Brazil đã có thể chế tạo vũ khí với uranium được làm giàu.

Những bài học xương máu Mỹ - Triều cần thuộc lòng trước cuộc đàm phán hạt nhân - Ảnh 3.

Nhà máy hạt nhân Brazil. Ảnh: IAEA.

Năm 1990, tổng thống de Mello công bố bí mật và cho dừng chương trình này hoàn toàn. Năm 2006, Brazil mở cửa lại cơ sở nghiên cứu. Đây được cho là động thái đáp trả chương trình hạt nhân của đối thủ Argentina.

Năm 1992, cả hai quốc gia từng đồng ý công khai các cơ sở hạt nhân để hai bên xác nhận rằng không bên nào có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân để chống lại bên còn lại.

Bài học kinh nghiệm

Thỏa thuận Vũ khí Hạt nhân: Rõ ràng, thỏa thuận hạt nhân có thể không có nghĩa lí gì. Nếu chủ ý vi phạm thỏa thuận, các quốc gia liên quan có thể thực hiện bí mật hoặc công khai.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các quốc gia có chính quyền quân sự hoặc độc tài, không quá quan tâm tới cộng đồng thế giới. Thỏa thuận hạt nhân chỉ có ý nghĩa khi các bên đều thể hiện thiện chí.

Việc ông Obama cố ý vi phạm hiến pháp Mỹ để đảm bảo thỏa thuận với Iran đã tạo điều kiện cho ông Trump làm theo và có thể vô hiệu hóa thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân cần hợp pháp và hợp lí, chứ không chỉ hợp tình.

Không quốc gia nào đảm bảo an toàn cho Ukraine. Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân và sau đó bị phương Tây, IS tấn công. Đảm bảo về mặt an ninh cần phải được tôn trọng và thực thi.

Chia sẻ hoặc Bán Công nghệ hạt nhân: Dưới các điều khoản phi hạt nhân hóa, chính phủ các quốc gia có thể sẽ không chia sẻ công nghệ hay bán vũ khí hạt nhân cho nước ngoài, nhưng các nhà khoa học lại không bị trói buộc bởi các thỏa thuận ấy.

Theo Wall Street Journal, người đứng đầu chương trình hạt nhân Pakistan đã bán công nghệ cho Libya, Iran và Triều Tiên. Các nhà phân tích tin rằng chính phủ Pakistan biết chuyện này. Vấn đề các nhà khoa học nắm trong tay công nghệ hạt nhân nhưng mất việc làm thất nghiệp sau thỏa thuận vẫn chưa được giải quyết.

Vài nhà phân tích khác tin rằng chuyển giao công nghệ không chỉ đơn thuần vì vấn đề tiền bạc. Pakistan đã trao đổi công nghệ với Triều Tiên. Các quốc gia ngày càng tinh vi hơn trong việc che giấu nguồn gốc và mục đích của công nghệ hạt nhân.

Giải quyết nguyên liệu sản xuất hạt nhân cũng là một vấn đề khác trong quá trình phi hạt nhân hóa. Tổ chức Sáng kiến về Đe dọa Hạt nhân (NTI) đã đưa ra một giải pháp: rót vốn đầu tư cho một ngân hàng tại Kazakhstan để thu mua uranium ở mức có thể dùng cho vũ khí, sau đó "hạ cấp" nguyên liệu này để sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân dân dụng.

NTI ước tính có khoảng 2.000 tấn nguyên vật liệu có thể dùng để tạo ra vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Đa phần trong số chúng không được lưu trữ ở những nơi an toàn. Đây sẽ là vấn đề lớn của Triều Tiên.

Những tổ chức phi chính phủ dường như sẽ hoạt động mạnh mẽ trong "một mạng lưới bí mật" với những người hưởng lợi từ công nghệ và nguyên liệu hạt nhân.

Triều Tiên và Iran có thể là một phần trong mạng lưới này. Các cường quốc thế giới cần đồng lòng đóng cửa các mạng lưới nói trên nếu muốn ngăn chặn "kẻ xấu" phát triển và có được vũ khí hạt nhân.

Nỗi sợ kẻ thù: Gần như các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đều được tiến hành bởi nỗi sợ một kẻ thù nào đó, dù là kẻ thù thật sự hoặc kẻ thù "tưởng tượng". Các quốc gia Trung Đông đều sợ quân đội Israel, đồng minh Mỹ và vũ khí hạt nhân của nước này.

Nga, Trung Quốc và Mỹ e ngại lẫn nhau, và vũ khí hạt nhân là phương tiện để cản trở nước còn lại. Hầu hết các nước nhỏ như Triều Tiên đều coi vũ khí hạt nhân là giải pháp "cân bằng" hiệu quả nhất.

Vài quốc gia đã thành công trong việc hòa giải: Brazil và Argentina, Nam Phi và Cuba. Dù thỏa thuận không hiệu quả, các quốc gia vẫn có thể hợp tác nếu tìm được tiếng nói chung. Làm thế nào để thực hiện được chuyện này, không ai biết rõ.

Tất nhiên, vài quốc gia như Iran có thể coi vũ khí hạt nhân là cách để buộc nước khác phải nhượng bộ. Từ phía mình, Iran thấy Israel đã phải tuân theo chiêu bài của Tehran.

Những bài học xương máu Mỹ - Triều cần thuộc lòng trước cuộc đàm phán hạt nhân - Ảnh 5.

Lo ngại về Tên lửa: Trong trường hợp Triều Tiên, mối lo ngại này đã kết thúc, kể cả nếu Bình Nhưỡng muốn nhắm tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, hay Úc và các quốc gia khác.

Nhưng vũ khí hạt nhân có thể được thu nhỏ xuống kích cỡ của một chiếc vali.

Đó là điều kiện lí tưởng cho những kẻ khủng bố không đủ khả năng chế tạo tên lửa. Ngăn chặn việc này là chuyện cực kì hệ trọng, nhưng vẫn chưa được thảo luận một cách công khai.

Chưa ai biết ông Trump và ông Kim sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân như thế nào. Liệu ông Trump có tiếp tục phương thức của ông Obama và đồng ý với bất kì đề nghị nào của ông Kim hay không?

Ông Trump sẽ rút kinh nghiệm từ những bài học kể trên? Ông Kim sẽ từ bỏ mọi thứ hay sẽ theo đuổi chiến lược mà cha và ông nội ông đã thực hiện từ trước tới nay?

Chỉ có một điều chắc chắn, thế giới sẽ chờ đợi và quan sát sự kiện này trong sự lo ngại.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

* For English version, click here.

* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại