Ít nhất có hai chính sách mà những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá chỉ trích gay gắt lại có thể lý giải được khi nhìn từ góc độ của ông Trump: Biến đổi khí hậu và NATO. Những chính sách khác như thương mại đều thiếu sự cân nhắc kỹ càng.
Biến đổi khí hậu. Tháng 6 năm trước, Tổng thống Trump đã khiến cả thế giới sốc khi ông tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Biến đổi khí hậu 2015 về việc kêu gọi các quốc gia giảm thải khí cacbon. Lý giải của ông là việc tham gia thoả ước này không khác gì việc nước Mỹ trừng phạt một cách thiếu công bằng với chính các ngành công nghiệp của mình ngay khi họ vừa hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng nếu không làm vậy nước Mỹ sẽ thất thoát 3 nghìn tỷ đô la GDP do hậu quả của việc 2.7 triệu người sẽ mất việc trong một vài năm tới.
Ảnh: Reuters
Ông Trump cũng phản đối thoả thuận cho phép Trung Quốc đạt ngưỡng phát thải khí cacbon cao nhất vào năm 2030 trước khi quốc gia này tiến hành giảm thải khí cacbon. Theo Thời báo New York, các công ty Trung Quốc sẽ xây dựng 700 nhà máy điện than trong vài năm tới trong khi Mỹ đang đóng cửa dần ngành than.
Theo báo Agora Energiewende, tháng 9/2017, nước Đức – quốc gia đi đầu thế giới về biến đổi khí hậu, đã tuyên bố các mục tiêu giảm khí thải cacbon mà Hiệp ước Paris đặt ra là không thể đạt được, thấp hơn 25% so với dự tính. Tháng 1/2018, chính phủ mới của Đức tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục các mục tiêu của Hiệp ước Paris. Chỉ có 3 quốc gia châu Âu tuyên bố đã đạt được các mục tiêu khí hậu.
Liên minh Châu Âu đã chỉ ra rằng những nỗ lực của các quốc gia không giúp giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C như mục tiêu đề ra. Ngoài việc Trung Quốc liên tục phát triển điện than, 62 quốc gia khác đang gia tăng thêm 900 nhà máy điện than, và kết quả là tỷ lệ điện than tăng thêm 43%. Theo Viện Phát triển nước ngoài, điều khó tin là trong vòng 3 năm qua, Liên minh châu Âu đã trợ cấp 112 tỷ Euro cho sản xuất năng lượng hoá thạch. Cùng thời gian đó, Đức đã trợ cấp 36 tỷ Euro cho ngành nhiên liệu hoá thạch trong nước.
Nhìn theo cách của ông Trump, tất cả những ai công kích ông về các vấn đề khí hậu đều là những người không thể hoặc không thiện chí thực hiện các kết của mình. Không chỉ vậy, những quốc gia thành viên của Hiệp ước Paris vẫn đang tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than, không khác gì kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng.
Lý lẽ ông Trump đưa ra là cộng đồng quốc tế đang kêu gọi nước Mỹ trừng phạt chính mình để đạt được các mục tiêu khí hậu trong khi các nước còn lại vẫn tiếp tục hoạt động của mình như không có chuyện gì xảy ra.
Để khẳng định thêm, ông Trump luôn phản đối việc người tiền nhiệm Obama ký vào Hiệp ước Khí hậu Paris là một việc làm không khôn ngoan và không hợp pháp khi không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Quốc hội chắc chắn sẽ không đời nào phê chuẩn thoả thuận này. Và ông Trump đã đảo ngược thành quả của ông Obama chỉ bằng một chữ ký.
NATO. Tổng thống Trump gọi NATO là một tổ chức "lỗi thời" và phản đối việc các quốc gia thành viên đã không đầu tư thích đáng cho quốc phòng mà lại đặt ghánh nặng an ninh lên vai nước Mỹ. Các nước thành viên NATO có trách nhiệm chi 2% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên chỉ có 5 trong tổng số 58 quốc gia thực hiện đúng điều này. Nước Mỹ dành 5% ngân sách và khoản chi ngân sách này vẫn đang tiếp tục tăng.
Lý lẽ của ông Trump là nước Mỹ, bằng việc chi ngân sách của mình vào quốc phòng của các nước châu Âu, đã cho phép các quốc gia này dành ngân sách để thực hiện các chương trình quốc nội cho người dân của họ trong khi người dân Mỹ cứ phải è lưng đóng thuế.
Bên cạnh việc nói về sự thiếu công bằng khi Châu Âu đang bóc lột nước Mỹ, Tổng thống Trump cũng cho rằng việc các quốc gia này không đầu tư thích đáng vào quốc phòng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với cán cân quyền lực trong khu vực khi đối trọng với nước Nga.
Đức chỉ dành 1.2% GDP cho quốc phòng. Các nhà phân tích quân sự đã kết luận người Đức chỉ thể hiện sự kháng cự rất yếu ớt trước Nga trong cuộc xung đột vũ trang. Tháng 2 vừa rồi, Tờ báo lớn nhất nước Đức, Die Welt, có bài viết về tình trạng tồi tệ của nền quân sự Đức. Hiện quốc gia này chỉ có 95 xe tăng chiến đấu chủ lực đang hoạt động. Trong khi đó Nga có 2,000. Ông Trump mỉa mai rằng có lẽ người Đức đã kịp kéo cờ trắng từ trước khi có chiến sự. Số xe tăng của nước Mỹ hiện giờ khoảng 10,000.
Dường như ý của ông Trump là nước Mỹ thì rất quan tâm đến việc bảo vệ châu Âu trong khi châu Âu lại không nhận thấy rằng đây là việc của chính họ.
Các chính sách cứng rắn. Tổng thống Trump coi những chính sách của ông là chiến thắng trước người tiền nhiệm Obama và những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chính sách của ông hoàn toàn sai lầm và đầy rủi ro. Tệ hại nhất là chính sách thương mại. Ông Trump đang quay lưng rời bỏ các thoả thuận thương mại tự do đa phương đang được thực hiện và muốn thay thế bằng các thoả thuận song phương có lợi cho nước Mỹ và đối tác thương mại.
Chiến lược này tồn đọng rất nhiều vấn đề. Cho đến nay, ông Trump mới chỉ đạt được thoả thuận song phương với Hàn Quốc sau 15 tháng tại vị. Trong khi đó ông đã kịp phá tung Thoả thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico mà chưa có giải pháp thay thế.
Ông cũng đã từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam – hệ quả của việc này là Trung Quốc càng được cơ thống lĩnh thương mại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông cũng đã không nhận ra một điều là một số thoả thuận thương mại còn mang ý nghĩa về mặt chính trị chứ không đơn thuần là kinh tế: ông đã công kích Hàn Quốc và Nhật Bản về thương mại trong khi nước Mỹ đang rất cần hậu thuẫn của hai quốc gia này về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Khi ông Trump không thể lý giải về lợi ích kinh tế của chính sách nhập khẩu nhôm, thép mới được áp dụng thì ông lại viện lý do an ninh quốc gia – đây là một cách giải thích thiếu căn cứ. Và điều đáng nói nhất là người đứng đầu nước Mỹ lại chọn công bố các chính sách này trên Twitter – một cách làm rất thiếu tính ngoại giao.
Vậy chúng ta phải hiểu về vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ như thế nào?
Cả Tổng thống đương thời, Donald Trump và người tiền nhiệm, Tổng thống Obama đều không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu. Trong suốt gần 1 thập kỷ, Tổng thống Obama đã thay đổi trông đợi của người dân toàn thế giới về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Ông Obama đã chuyển giao vai trò đó cho các quốc gia khác.
Bởi vậy, cả các nước đồng minh và các nước đối lập của nước Mỹ đều đã thay đổi cách hành xử. Các quốc gia bắt đầu theo đuổi chương trình riêng của mình một cách hiếu chiến hơn rất nhiều. Tổng thống Obama, trong quá trình thay đổi vị thế lãnh đạo của nước Mỹ, đã đưa ra các chính sách chiếm được cảm tình của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá.
Nhưng có nhiều chính sách, ông lại không thể có được sự ủng hộ ngay tại Quốc hội và từ chính những người dân Mỹ. Khi hành động như vậy, các chính sách này sẽ rất dễ bị đảo ngược sau này. Và rồi xuất hiện Tổng thống Trump!
Tổng thống Trump luôn thể hiện rõ ràng mô hình lãnh đạo mới của mình trước thế giới. Bên cạnh việc tuyên bố sẽ phá bỏ mọi thứ Tổng thống Obama đã làm, mô hình của đương kim Tổng thống Mỹ cũng tìm kiếm các đối tác quốc tế có cùng mong muốn theo đuổi các chính sách hai bên cùng có lợi chứ không phải chỉ cho một phía.
Tuy nhiên, ông Trump thất bại cũng chính vì lý do này, y hệt như ông Obama trước đó. Và ông Trump còn làm gia tăng thêm một số phương diện mới nữa.
Tổng thống Trump, mặc dù luôn cho mình là một chuyên gia đàm phán khéo léo vậy mà thực tế thì ông không chiếm được nhiều cảm tình của cả người dân Mỹ và Quốc hội hay cả ở phạm vi quốc tế. Bởi vậy, ngay khi vừa huỷ bỏ được các chính sách của Tổng thống Obama, Tổng thống Trump đã tạo ra tình huống để những người khác sẽ huỷ bỏ các chính sách của ông. Và hệ quả là chính trường Mỹ trở nên vô cùng bất ổn định.
Những thứ chẳng đâu vào đâu trên Twiter và cách hành xử kém tế nhị của đương kim Tổng thống Mỹ có thể được coi là hấp dẫn đối với những người thích nhìn thấy một Tổng thống mạnh mẽ dám đối mặt với những người đối lập.
Tuy nhiên, điều này thực sự không cần thiết và sẽ khiến ông tự chuốc lấy thất bại. Hầu như trong tất cả những trường hợp khi chính sách thành công thì ngay lập tức ông Trump lại tự bắn súng vào chân mình. Ông công kích một số minh tinh màn bạc hoặc chính trị gia chỉ để "dìm hàng" người ta.
Chúng ta cũng chẳng lạ gì khi thấy nhiều tuyên bố của ông trên Twitter mâu thuẫn với chính những chính sách ông đề xuất. Có thể do trích dữ liệu sai và sau đó phải hạ thông tin xuống – điều này khiến ông bị mang tiếng là người nói dối hoặc không có đầy đủ thông tin. Ông chủ Nhà Trắng đã hy sinh độ tin cậy của mình chỉ để thoả mãn cái tôi.
Thực sự thì đương kim Tổng thống Mỹ có thể thành công nếu ông có được sự ủng hộ và từ bỏ việc làm chính sách trên Twitter. Với thực tế là ông đã nắm quyền được hơn một năm và chính quyền của ông có vẻ ngày càng kém hiệu quả thì chúng ta có thể thấy là tình hình sẽ không thể khả quan hơn. Người ủng hộ ông lúc này chắc chỉ có thở dài, "Ông Trump vẫn chỉ là Trump mà thôi".
Phe đối lập với Tổng thống sẽ không ngừng tấn công khi ông cứ tiếp tục những gì như bây giờ. Tuy nhiên, Phe Kháng cự, cả trong và ngoài nước Mỹ có lẽ nên cân nhắc việc nước Mỹ sẽ phải trả giá thế nào nếu họ ép ông đến cùng. Ông Trump đã vượt qua được những tranh cãi và hỗn loạn, và có vẻ chả quan tâm đến việc mình có được yêu thích hay không. Dường như ông đánh giá thành công của mình bằng số lượng kẻ thù mà ông đã tạo ra. Đây hoàn toàn không phải cách lãnh đạo.
Với vị thế lãnh đạo như vậy của nước Mỹ, triển vọng giải quyết các vấn đề toàn cầu là rất hạn chế. Tổng thống Trump thì cứ tiếp tục tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng cách không lãnh đạo!
* For English version, click here.
* Đọc bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây.