Nyo và con gái. Ảnh: New York Times.
Nyo (16 tuổi) từng trải qua một khoảng thời gian mà cô không biết mình đang ở đâu, không nói được tiếng địa phương, không hiểu tại sao mình lại mang thai, song cô vừa sinh đứa con đầu lòng.
Đứa bé 9 ngày tuổi mang quốc tịch Trung Quốc. “Đứa bé giống y bố. Đôi môi giống hệt nhau”, Nyo nói.
Vào năm 2018, sau khi kết thúc năm học, Nyo và bạn cùng lớp của cô, Phyu, quyết định muốn thoát khỏi vùng quê nghèo.
Một người hàng xóm của Nyo là Daw San Kyi, đã hứa cho họ công việc phục vụ bàn ở khu vực biên giới với Trung Quốc, thông qua sự kết nối của một người khác là Daw Hnin Wai.
Bà Hnin Wai có một ngôi nhà đẹp nhất trong làng, đẹp hơn bất kỳ ai khác, vì vậy lời đề nghị vô cùng có sức nặng.
“Chúng tôi tin tưởng họ”, Phyu (17 tuổi) nói.
Vào một buổi sáng sớm của tháng 7/2018, một chiếc xe tải đến Mongyai để đón các cô gái. Con đường núi khiến Phyu say xe. Cô San Kyi đưa cho cô 4 viên thuốc để cô buồn nôn, một viên màu hồng và ba viên màu trắng.
Sau đó, hồi ức về các sự kiện của Phyu mờ nhạt. Ai đó đã tiêm vào cánh tay cô một thứ gì đó. Một bức ảnh chụp cô trong thời gian đó cho thấy khuôn mặt sưng húp và đôi mắt đờ đẫn.
“Trước khi điều này xảy ra, Phyu đã rất vui vẻ và năng động”. Daw Aye Oo, mẹ của cô bé cho biết. “Nhưng họ đã cho cô ấy thứ gì đó để khiến cô ấy quên đi và kích thích tình dục. Họ còn đánh cô ấy”.
Một cánh đồng dưa tại ngoại ô Lashio, phía Bắc Shan, Minzayar. Ảnh: New York Times.
Nyo, cũng 17 tuổi, từ chối uống bất kỳ viên thuốc nào. Trí nhớ của cô ấy rõ ràng hơn nhưng cũng không thực sự chính xác.
Sau hơn 10 ngày di chuyển liên tiếp, ý tưởng làm việc trong một nhà hàng đã biến mất khỏi tương lai của họ.
Nyo và Phyu đã cố gắng chạy trốn hai lần, nhưng họ không biết phải đi đâu. Những kẻ buôn người đã bắt họ lại và nhốt họ trong một căn phòng. Điện thoại của họ không có tín hiệu.
Những người đàn ông nói tiếng Trung Quốc đến gặp họ. Một số chỉ vào một cô gái, một số chỉ vào người khác.
“Tôi có cảm giác mình đang bị bán, nhưng tôi không thể trốn thoát,” Phyu nói.
Một trong những kẻ buôn người nói với Phyu rằng cô ấy thật may mắn. Anh ta cho phép cô lựa chọn trong số những người đàn ông.
Phyu từ chối một người béo và một người khác đã già. Cô đã khóc nhưng kẻ buôn người bảo cô dừng lại vì cô cần phải trông thật xinh đẹp.
“Tôi đã nói rằng tôi không muốn kết hôn”, Phyu nói. "Tôi muốn về nhà."
Một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Một biên giới nhiều lỗ hổng và các phản ứng không nhanh nhạy của các cơ quan thực thi pháp luật ở cả hai bên đã tạo ra một môi trường mà những kẻ buôn người dễ dàng hành động”.
Cả hai cô gái đều không còn chút ký ức nào về việc vượt biên, không hiểu sao họ lại ở Trung Quốc.
Các cô gái bị chia cắt, mỗi người kết đôi với một người, mặc dù không có giấy tờ kết hôn nào được điền vào, theo hiểu biết của họ.
Sau một chuyến tàu dài, Phyu nghĩ rằng cô đã đến Bắc Kinh, nhưng sự thật là huyện Xiangcheng ở tỉnh Hà Nam . Người đàn ông đã mua cô là Yuan Feng, 21 tuổi. Thành phố có rất nhiều đèn sáng và thang cuốn. “Các tòa nhà cao đến nỗi tôi không thể nhìn thấy phần đỉnh”, cô nói.
Anh Yuan đã cố gắng giao tiếp bằng cách sử dụng điện thoại của mình như một thiết bị dịch thuật, nhưng Phyu từ chối nói.
Cô ấy bị nhốt trong một căn phòng có tivi. Vào buổi tối, anh ta đến và tiêm thuốc vào cánh tay của cô và sau đó ép cô quan hệ tình dục.
“Tôi cảm thấy tê liệt,” Phyu nói. “Anh ấy có mùi chua. Anh ấy đã hút thuốc ”.
Cuối cùng, cô ấy giả vờ hạnh phúc, và việc tiêm thuốc dừng lại. Họ đi chơi ở một trung tâm mua sắm, nhưng ông Yuan đã theo cô đến mọi nơi, thậm chí vào cả phòng tắm.
Phyu đã học một số cụm từ trong tiếng Quan Thoại. " ‘Bu ku le’ có nghĩa là đừng khóc ", cô ấy nói.
Cô biết được mật mã vào điện thoại của chồng, và khi anh say rượu vào ban đêm, cô đã gọi cho mẹ qua một ứng dụng mạng xã hội.
"Tôi rất vui khi được gặp lại con bé nhưng nó trông tàn tạ, không còn như trước nữa. Rồi nó bảo rằng 'Mẹ ơi, con bị bán rồi'", mẹ của Phyu chia sẻ với New York Times.
Các nạn nhân không có cuộc sống như được hứa hẹn trước đó. Ảnh: New York Times.
Còn Nyo không chắc mình đã bị đưa đi đâu ở Trung Quốc, nhưng cô quyết tâm tìm ra. Lúc đầu, Gao Ji, chồng của cô, cũng nhốt cô trong một căn phòng không có internet. Anh ấy đã đánh cô ấy.
Nhưng ngày tháng trôi qua, anh bắt đầu tin tưởng cô và cho phép cô sử dụng mạng xã hội, bao gồm WeChat, nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc.
Mẹ của anh Gao, người sống cùng họ, bức xúc rằng Nyo quá gầy để có thể sinh con. Bà đã làm cho con dâu ngoại quốc của mình các món cháo gạo, mì và bánh hấp.
“Cô ấy luôn nói, 'chi, chi’, tiếng Quan Thoại có nghĩa là ‘ăn’”, Nyo kể lại.
Với chiếc điện thoại của mình, Nyo đã bí mật quay phim những gì cô có thể để xác định nơi ở của mình: đường lái xe trên xe tay ga của ông Gao, biển số xe của gia đình, lối vào ngôi nhà hai tầng của họ.
Cô ấy đã gắn thẻ địa lý cho từng video và ảnh.
Địa điểm được xác định cũng là huyện Xiangcheng ở tỉnh Hà Nam. Nằm trên vùng đồng bằng trung tâm của Trung Quốc, Hà Nam là một trong những tỉnh đông dân nhất của đất nước, với khoảng 100 triệu người, gấp đôi dân số Myanmar.
Trên thực tế, đàn ông Trung Quốc nghèo có xu hướng mua phụ nữ bị buôn bán làm vợ nhiều hơn cả người giàu có.
Ngay cả khi họ phải trả rất nhiều. Myo Zaw Win, một cảnh sát ở Shan, người đã theo dõi vụ án của cô Nyo, cho biết cô đã được bán với giá 26.000 USD.
Thông qua một phụ nữ ở Shan, người đã giúp giải cứu các cô gái bị bán làm nô lệ tình dục ở Trung Quốc, ông Myo Zaw Win bắt đầu tương tác với Nyo trên tài khoản WeChat của ông Gao, đóng giả là anh trai của cô.
Hai tháng sau khi các cô gái đến Xiangcheng, cảnh sát Trung Quốc đã đến gõ cửa nhà chồng của họ.
Ông Yuan và ông Gao, chồng của các cô gái, đã bị giam giữ ít nhất 30 ngày theo quy định của pháp luật, Niu Tianhui, phát ngôn viên của sở cảnh sát Xiangcheng cho biết. Ông nói rằng ông không biết liệu họ có bị giam giữ thêm hay không.
“Gia đình của những người chồng đang phát điên về vụ án vì họ đã tiêu rất nhiều tiền nhưng lại mất vợ”, ông Ngưu nói.
“Khi tôi nhìn thấy chữ Myanmar trên các bảng hiệu, tôi đã rất hạnh phúc”, Phyu nói về khoảnh khắc họ trở lại Myanmar.
Phyu bị lừa bán sang Trung Quốc với lời hứa về một công việc tốt. Ảnh: New York Times.
Nhà của các cô gái ở bang Shan, dưới chân núi của dãy Himalaya, đã bị tàn phá bởi chiến tranh sắc tộc trong nhiều thập kỷ.
Với việc Quân đội Myanmar chiến đấu với các lực lượng dân quân sắc tộc khác nhau và phạm phải những gì Liên hợp quốc nói là tội ác chiến tranh, hòa bình và an ninh là những thứ chưa được biết đến. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị xâm hại nhất.
Lauh Khaw Swang, giám đốc dự án của Quỹ Phát triển và Giới tính Htoi ở bang Kachin, ngay cạnh Shan, cho biết: “Buôn bán cô dâu là hậu quả của cuộc nội chiến”.
Cô San Kyi, người hàng xóm mà các cô gái nói rằng đã bắt cóc họ, hiện đang bị giam ở Lashio. Cô Hnin Wai, một phụ nữ khác được cho là buôn người ở địa phương, đang bỏ trốn.
Chồng của bà Hnin Wai, U Naung Naung, vẫn sống trong ngôi nhà màu hồng rộng rã. Anh ta nói anh ta không biết vợ mình ở đâu.
“Tôi không biết cô ấy đã làm gì sai,” ông Naung Naung, một trung sĩ quân đội, nói. “Tôi nghĩ cô ấy kiếm tiền bằng nghề thầy bói.”
Ông Naung Naung cho biết ông đã nhiều lần xin lỗi gia đình của hai cô gái. Nhưng mẹ của Phyu, người chỉ sống cách anh ta một con phố, nói rằng anh ta chưa bao giờ đến gần bà.
Rồi con gái của Nyo chào đời. “Tôi muốn cho đứa bé đi nhưng mỗi khi nhìn thấy nó tôi lại không nỡ” Nyo nói.
Một cô gái Ấn Độ may mắn được cứu thoát chỉ sau 6 tuần. Ảnh: The Guardian.
Chính sách "một con" của Trung Quốc được các nhà lãnh đạo ca ngợi vì đã ngăn dân số nước này bùng nổ thành cơn ác mộng.
Tuy nhiên trong hơn 30 năm, chính sách này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu bé gái khi các gia đình sử dụng phương pháp phá thai dựa trên giới tính và các phương pháp khác để đảm bảo đứa con duy nhất của họ là con trai.
Điều này dẫn tới kết quả là hiện tại, đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng ế vợ, thiếu cô dâu.
Vào lúc cao điểm của tình trạng mất cân bằng giới tính vào năm 2004, cứ 100 bé gái thì có 121 bé trai được sinh ra ở Trung Quốc, theo số liệu dân số Trung Quốc.
Để đối phó, đàn ông Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu vợ từ các nước lân cận, đôi khi bằng cả vũ lực.
Zaw Min Tun, một thành viên của lực lượng cảnh sát chống buôn người ở Lashio, một thị trấn ở phía Bắc bang Shan (Myanmar) cho biết: “Buôn bán cô dâu rất phổ biến ở bang Shan. Nhưng chỉ có một số người thực sự biết về nạn buôn người."
Một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Hiệp hội Phụ nữ Kachin Thái Lan ước tính rằng khoảng 21.000 phụ nữ và trẻ em gái từ miền Bắc Myanmar đã bị ép buộc kết hôn, chỉ tính riêng tại một tỉnh ở Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2017.
Để có thể mua vợ ở nước ngoài, đàn ông Trung Quốc phải trả phí từ 10.000-15.000 USD cho người môi giới.
Trong đó, 1.000-3.000 USD là “của hồi môn” đưa cho gia đình cô dâu, nhưng chưa chắc cô gái này đã nhận được gì.
“Nhiều gia đình trông đợi vào những cô con gái để đem ‘lợi nhuận’ về cho họ.
Các thiếu nữ càng xinh đẹp và trẻ trung, họ càng nhận được của hồi môn lớn”, Chou Bun Eng, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người của Campuchia, cho biết.