Gar Jun Ho
Khi lên 3 tuổi, Ho đã có thể đọc, viết thành thạo. 4 tuổi, em thuộc lòng bảng tính nhân chia. 8 tuổi, em đỗ kỳ thi âm nhạc cấp độ 5 tại Anh (cấp độ 8 là cao nhất).
Ho đứng thứ nhất vòng tứ kết cuộc thi khoa học do chương trình Child Genius tổ chức tại Anh. Trước khi diễn ra cuộc thi, bố mẹ Ho bắt em ôn tập hàng ngày. Em chỉ có 3 phút nghỉ ngơi giữa các bài học.
Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn không đủ để làm bà Faye - mẹ của Ho - vừa lòng. Bà nói với em sau cuộc thi: "Con quá nóng vội vì thế con đã mắc sai lầm và không thể đạt điểm tuyệt đối".
Phản ứng của bà Faye đã gây một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng và thổi bùng lên cuộc tranh luận chưa có hồi kết về cách những ông bố, bà mẹ "hổ" châu Á nuôi dạy con.
Nhiều người chỉ trích: "Mẹ của Ho thật quá đáng! Hãy để cho bọn trẻ được vui vẻ, thời thơ ấu của chúng ngắn ngủi lắm. Thật đáng sợ khi thấy cháu bị thúc ép như vậy".
Lang Lang
Lang Lang rất có thể sẽ là hình mẫu của Gar Jun Ho khi trưởng thành. Thiên tài piano này nhớ lại, bố của anh – ông Lang Guoren - đã nghiêm khắc như thế nào khi anh còn nhỏ.
Khi Lang lên 5, bố anh bỏ công việc đang làm để đưa con trai lên Bắc Kinh học chơi piano, những mong con viết tiếp giấc mơ âm nhạc dang dở của bố mẹ.
Nhưng giáo viên hướng dẫn sau đó đuổi Lang ra khỏi lớp, cho rằng cậu bé không có năng khiếu âm nhạc.
Trong cuốn tự truyện Journey of a Thousand Miles (tạm dịch: Hành trình nghìn dặm) của mình, Lang kể lại, bố anh đã rất điên tiết khi biết chuyện và thậm chí còn đe dọa anh bằng cái chết.
Sau chuyện đó, giữa Lang Lang và bố diễn ra "chiến tranh lạnh". Tình cảm giữa hai bố con cũng như đam mê chơi đàn của Lang Lang chỉ được nối lại nhờ lời khuyên của một người hàng xóm.
Lang Lang sau đó chăm chỉ luyện tập, từ 8 đến 9 tiếng mỗi ngày và liên tục chinh phục những đỉnh cao trong nước cũng như quốc tế.
Lang Lang được tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
"Tôi chưa một lần cầu xin bố mẹ giảm bớt áp lực lên mình. Tôi chấp nhận chuyện đó, thậm chí còn thấy thoải mái với nó", anh viết trong cuốn tự truyện của mình.
Huang Doudou
Giống như Lang Lang, Huang Doudou – một trong những vũ công cổ điển nổi tiếng nhất tại Trung Quốc, cũng có một người cha nghiêm khắc.
Hai lần thi vào Học viện Khiêu vũ Bắc Kinh theo nguyện vọng của bố mẹ, anh đều trượt bởi ban giám khảo cho rằng chân của anh quá ngắn.
Cha anh sau đó đã buộc chân cậu con trai vào vòng sắt và treo ngược lên xà nhà mỗi ngày để tăng chiều cao của con. Sau 3 tháng, Huang cao thêm 3 cm và được nhận vào học tại Trường Khiêu vũ Thượng Hải.
Mặc dù vậy, Huang cho rằng, đây là một phương pháp nguy hiểm, chưa được khoa học kiểm chứng và hy vọng không có bậc phụ huynh nào "noi gương" cha anh, thử nghiệm trên chính con cái của mình.
"Là con một trong nhà, tôi nhận được tình thương yêu của bố mẹ, nhưng cũng đồng thời phải chịu sức ép từ kỳ vọng của họ", Huang chia sẻ.
Mặc dù sự thành công của Huang đã vượt xa kỳ vọng của cha mẹ, nhưng cũng phải mất nhiều năm, anh mới tự vun đắp được cho mình tình yêu với nghệ thuật khiêu vũ.
Dong Qing
Là một người dẫn chương trình nổi tiếng, thường xuyên đảm nhiệm những chương trình lớn của Trung Quốc, ít ai biết được Dong Qing đã trải qua một tuổi thơ khắc nghiệt như thế nào.
Bố mẹ của Dong cấm cô soi gương và chưng diện quần áo mới ngay khi con gái còn nhỏ, để cô có thể toàn tâm toàn ý cho việc học tập.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Dong cho biết, cô bị bắt phải trích dẫn thơ văn tiếng Trung và chạy 1.000m mỗi sáng.
Cô đã từng cảm thấy rất ghét bố mẹ mình, nhưng sau này nhận ra, chính nhờ sự nghiêm khắc của họ mà cô mới có được thành công ngày hôm nay.