Nếu để các xe bom tự sát (VBIED) tiếp cận với khoảng cách dưới 500 mét đến 2 km thì chốt phòng thủ sẽ khó trụ vững trước sức công phá của hàng tấn thuốc nổ. Cú đánh chế áp này sẽ gây sát thương toàn bộ chốt và gây choáng cho các bên hiệp đồng trong tầm hoả lực. Đây thường là nguyên nhân thất bại của lực lượng phòng thủ khi bị đánh phủ đầu bằng xe bom.
Vậy việc phát hiện sớm các xe bom hay các toán đặc nhiệm đột nhập mang bom tự sát là nhiệm vụ bắt buộc nếu không muốn chuốc lấy thất bại. Nhưng làm sao có thể phát hiện các xe bom, các toán đột nhập từ xa hàng cây số khi mà nó nguỵ trang, dựa vào màn đêm trong khi chỉ sự lơ đễnh mất cảnh giác của một chốt có thể gây thất bại cả chiến tuyến?
Bảng liệt kê bán kính sát thương và các tác động khác của các loại xe chở bom tự sát.
Câu trả lời hiện nay là khí tài giám sát hoả tuyến hiện đại kết hợp radar và cảm biến ảnh nhiệt.
Thật vậy, khi các chiến binh dùng các xe bom ngày càng nhiều như một phương pháp chế áp trong khi binh lính bên phòng thủ chiến đấu lâu ngày không tránh khỏi mệt mỏi thì trang bị hỗ trợ giám sát là một cứu cánh. Quân đội Israel từ rất lâu đã dùng các thiết bị dạng này, thường là các radar trong seri EL/M-21xx để giám sát biên giới, bờ biển.
Tại chiến trường Syria, đầu năm 2016, chúng ta bắt đầu thấy các trang bị hỗ trợ dạng này, như đài giám sát hoả tuyến và hỗ trợ hoả lực 1L277 và 1L111 do Nga chế tạo xuất hiện tại tỉnh Hama, trong trang bị của Quân đội chính phủ trung thành với Tổng thống Assad, và sau đó là trong trang bị của Nga tại Palmyra.
Các loại radar và trạm quang học giám sát hoả tuyến hiện đại gọn nhẹ của Nga với các giải pháp hỗ trợ hoả lực, giám sát.
Đây là dòng khí tài có khả năng phát hiện chuyển động của con người, phương tiện cơ giới trong khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km. Thiết bị thường dùng kết hợp một cảm biến ảnh nhiệt và một radar siêu cao tần gọn nhẹ dùng phương pháp hiển thị chồng khớp ảnh đa kênh trên một màn hình màu.
Toàn bộ cụm thiết bị nặng không quá 30kg bao gồm cả bộ nguồn 24 volts dùng trong 2 ngày để một người lính có thể mang vác.
Khi có phương tiện hay con người di chuyển trước phòng tuyến trong mọi điều kiện thời tiết thì thiết bị sẽ hiển thị di chuyển trên màn hình và báo động bằng chỉ thị màu, báo rung… cho người trực phiên gác để tránh mọi sự chủ quan, lơ đễnh. Ngoài ra, các khí tài này còn có khả năng giúp định vị trận địa pháo, cối địch và hỗ trợ bắn trả.
Tính đơn giản và hiệu quả của loại trang bị này rất được quan tâm và rất nhiều nước trên thế giới từ những nền công nghiệp quốc phòng đồ sộ như Nga, Mỹ, Tây Âu, Israel đến những nước có nền công nghiệp quốc phòng khiêm tốn như Serbia đều có sản xuất, trang bị loại khí tài này.
Radar giám sát hoả tuyến PR-15 của Serbia.
Khả năng thực chiến của loại trang bị này đã được kiểm chứng. Sau khi được trang bị các khí tài này thì các xe bom của lực lượng khủng bố HTS tại phía bắc tỉnh Hama đều bị tiêu diệt từ xa và mất hẳn hiệu quả. Sau khi tái chiếm lần 2 thành phố Palmyra thì QĐ Syria và các cố vấn Nga đã khuất phục hầu hết các xe bom của IS.
Gần đây nhất, sau khi tái chiếm thị trấn Al Sukhna trên đường tiến về Deir Ezzor, QĐ Syria lại bị IS phản công bằng hàng loạt xe bom và đã suýt mất thị trấn vào tay IS trở lại.
Nhưng các lực lượng Hezbolah đã đến đây mang theo radar giám sát hoả tuyến Tariq do Iran sản xuất. Các xe bom đã dần mất tác dụng và lực lượng IS bị đẩy lui ra khỏi vùng ven thị trấn Sukhna trên con đường nối đến Deir Ezzor.
Do đó, nếu không muốn bị bất ngờ và bị đánh bại bởi VBIED của các tay súng khủng bố IS thì radar giám sát hoả tuyến là trang bị không thể thiếu của các lực lượng chiến đấu tại khu vực trung đông, nơi có địa hình khá bằng phẳng.