Con đường tơ lụa trên biển là một phần của dự án lớn hơn Một Vành đai – Một Con đường, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất lần đầu vào năm 2013, nhằm tạo ra một hành lang kinh tế, kết nối Trung Quốc với thế giới.
Tới nay, dường như chính phủ Trung Quốc đã chinh phục được một mắt xích đặc biệt quan trọng trong dự án đầy tham vọng của mình - đó chính là cảng Piraeus.
Nằm ở biển Địa Trung Hải, cảng Piraeus của Hy Lạp từ lâu đã là "cửa ngõ" cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường chính của mình là châu Âu.
Năm 2008, Tập đoàn hàng hải COSCO thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đã có được giấy phép vận hành cầu cảng Pier II trong 30 năm (sau này tăng lên 35 năm), đồng thời được phép xây thêm cầu cảng Pier III.
Mặc dù phải tốn 532 triệu USD, song dưới sự điều hành của COSCO, cầu cảng này đã vận hành một cách thành công, đối lập với phần cầu cảng nằm trong tay chính phủ Hy Lạp hoạt động một cách kém hiệu quả.
Mọi chuyện bắt đầu được chú ý hơn khi gần đây, COSCO tiến hành mua thêm 67% cổ phần trong cầu cảng còn lại Pier I, cảng hành khách lớn nhất châu Âu.
Nhà nghiên cứu Andreea Brinza nhận định, việc mua lại Pier I là một lá bài khôn ngoan của Trung Quốc, bởi nó sẽ đưa cảng Piraeus lên "hàng VIP", bên cạnh những cảng biển lớn ở châu Âu như Hamburg, Antwerp và Rotterdam.
Với người Hy Lạp, thương vụ bán lại các cảng biển ở Piraeus của COSCO là "hành động phản bội". Chính phủ thủ tướng Tspiras, trong nỗ lực đạt con số 4 tỷ USD từ quá trình tư nhân hóa vào năm 2016 để giành lấy sự tin cậy của châu Âu, đã tức thì bán Piraeus - điều mà ông này đã cực lực phản đối khi tranh cử.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc ở Hy Lạp đánh giá dự án Piraeus của COSCO là một “đầu rồng”, có tầm quan trọng đặc biệt lớn trong khu vực và là hiện thân đầy hoàn hảo cho “5 trụ cột của Một Vành Đai – Một Con Đường: hợp tác về chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thương tự do, hội nhập tài chính và quan hệ người với người”.
Cũng theo vị đại sứ này, Pireaus, cùng với đường sắt Belgrade-Budapest, sẽ hình thành một phần tuyến Đường cao tốc Trung – Âu trên biển và đất liền, một dự án đồ sộ cần sự hợp tác của nhiều nước châu Âu.
Có những nguồn tin cho rằng sau thành công ở cảng Piraeus, COSCO sẽ nhắm tới TrainOSE nhằm tìm kiếm đòn bẩy hoàn hảo cho sự ra đời của một trung tâm trung chuyển ở châu Âu.
Ngoài Piraeus, Trung Quốc còn có nhiều dự định ở các cảng biển khác, chẳng hạn như cảng Ambarli (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi COSCO cùng 2 công ty nhà nước Trung Quốc khác đã vừa nắm giữ 65% cổ phần của kho cảng Kumport tại đây.
Theo nhà nghiên cứu theo nhà nghiên cứu Andreea Brinza, nếu mua bán thành công, thì cùng với những cảng biển khác của Trung Quốc ở Suez và Antwerp (Bỉ), Trung Quốc sẽ tạo ra 1 mạng lưới vận tải bao quanh bờ biển toàn châu Âu.